Kỳ vọng gì từ ba cuộc thi tài năng Kịch nói, Múa và Múa rối?
VHO- Trong tháng 8 này, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ tổ chức 3 cuộc thi: Tài năng diễn viên Kịch nói toàn quốc 2023, Tài năng Múa toàn quốc 2023 và Tài năng Múa rối toàn quốc 2022, hướng tới mục tiêu tìm ra những nghệ sĩ tài năng cho nghệ thuật biểu diễn.
Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn NSƯT Trần Ly Ly
Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly cho biết: Tổ chức thi tài năng ở các loại hình nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp là cơ hội để các nghệ sĩ thể hiện đam mê nghề nghiệp, phô diễn tài năng cũng như khát khao sáng tạo, cống hiến, nuôi dưỡng ngọn lửa nghề mà nhiều thế hệ nghệ sĩ đã gây dựng nên; là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước ghi nhận và vinh danh những nghệ sĩ “gạo cội”, phát hiện tài năng trẻ để động viên, khích lệ họ có nhiều đóng góp hơn nữa cho sự nghiệp nghệ thuật biểu diễn.
Thông qua cuộc thi, các đơn vị quản lý nghệ thuật từ Trung ương đến địa phương sẽ đánh giá đúng được thực trạng đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn cũng như sự phát triển của từng loại hình, từ đó có những giải pháp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng nghệ thuật biểu diễn hiện nay. Việc tổ chức cùng một thời điểm ba cuộc thi tài năng ở các loại hình Kịch nói, Múa, Múa rối từ 20 - 26.8 là kế hoạch chung tổng thể của toàn ngành VHTTDL để tạo điểm nhấn quan trọng chào mừng 78 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa (28.8.1945 - 28.8.2023) và hướng đến kỷ niệm Quốc khánh 2.9. Lễ khai mạc diễn ra vào tối 20.8 tại Nhà hát Tuổi Trẻ và bế mạc vào tối 26.8 tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ.
Tiết mục tham dự Cuộc thi Tài năng Kịch nói toàn quốc 2023 của Nhà hát Tuổi Trẻ
Xin bà cho biết số thí sinh sẽ tham dự đợt này và những điểm đặc biệt trong việc chấm, xét giải của từng cuộc thi?
- Tổng số thí sinh của ba cuộc thi tài năng là khoảng 200 nghệ sĩ. Thí sinh tham dự Tài năng Múa toàn quốc 2023 ở độ tuổi từ 16-35; Tài năng Kịch nói toàn quốc 2023 và Tài năng Múa rối toàn quốc 2022 có độ tuổi từ 18-45. Cuộc thi Tài năng Múa có 3 bảng thi với 3 phong cách: Ballet (cổ điển và hiện đại), Đương đại, Dân gian (dân tộc, đương đại và truyền thống); mỗi thí sinh chỉ được đăng ký thi tại một bảng và phải dự thi 2 tác phẩm, trong số đó bắt buộc phải có 1 tác phẩm được thể hiện ở hình thức solo. Cuộc thi Tài năng Múa rối lẽ ra tổ chức năm 2022 nhưng do chưa tổ chức được nên chuyển sang năm nay; thí sinh đăng ký tiết mục, trích đoạn ở hai thể loại Rối nước và Rối cạn, và mỗi người chỉ được đăng ký dự thi 1 nhân vật rối (tiết mục, trích đoạn có nhiều nhân vật rối cùng tham gia chỉ đăng ký 2 thí sinh cho 2 nhân vật rối). Với Cuộc thi Tài năng Kịch nói toàn quốc 2023, mỗi thí sinh sẽ trình diễn 1 tiểu phẩm, trích đoạn có thời lượng không quá 25 phút, trường hợp 2 diễn viên cùng dự thi một tiểu phẩm, trích đoạn thì thời lượng không quá 35 phút.
Thí sinh tham dự ở cuộc thi nào cũng cần phải nắm vững và thể hiện được các đặc trưng cơ bản của loại hình nghệ thuật đó. Đồng thời, chúng tôi cũng khuyến khích các thí sinh có sự sáng tạo trong dàn dựng và phong cách biểu diễn. Cơ cấu trao giải thưởng gồm các giải nhất, nhì, ba và các giải phụ như nam, nữ diễn viên trẻ tài năng. Số lượng giải thưởng không vượt quá 35% số thí sinh dự thi; số lượng giải nhất không vượt quá 30% tổng số giải thưởng.
Tiết mục tham dự Cuộc thi Tài năng Múa toàn quốc 2023 của Trường ĐH Văn hóa nghệ thuật Quân đội
Bà có thể “bật mí” về thành phần giám khảo cho các cuộc thi tài năng lần này?
- Hội đồng Giám khảo là những người có trình độ chuyên môn, uy tín, có ảnh hưởng và đóng góp cho sự nghiệp phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn. Vì chấm về tài năng diễn xuất nên BTC chú trọng mời những tên tuổi nghệ sĩ có nhiều đóng góp trong nghề và cả những giảng viên có uy tín trong công tác đào tạo nghệ thuật biểu diễn.
Tiết mục tham dự Cuộc thi Tài năng Múa rối toàn quốc 2022 của Nhà hát Múa rối Việt Nam
Các đơn vị hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp luôn gặp khó khăn về thu hút và “giữ chân” tài năng, theo bà cần phải làm gì để khắc phục điều này?
- Bài toán nan giải hiện nay của nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp đó chính là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao để đảm đương những vai diễn chính tạo nên hồn cốt cho các chương trình, vở diễn. Để giải quyết được bài toán này, chúng ta phải nhìn từ nhiều góc độ, nhưng có lẽ vấn đề quan trọng nhất đang nằm ở chỗ: Nghệ thuật biểu diễn cần những thủ lĩnh dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Thực tế cho thấy, sự quan tâm của địa phương cũng như sự quyết đoán của những vị “cầm quân” sẽ mang lại sự phát triển bền vững cho đơn vị. Cũng phải công bằng nhìn nhận, muốn địa phương, lãnh đạo quan tâm thì bản thân lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật cũng phải phát huy tốt vai trò của mình.
Tôi cho rằng, để thu hút được tài năng cho nghệ thuật biểu diễn, chúng ta phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và một trong những giải pháp căn cơ đó là các nhà quản lý phải hoạch định được những chính sách để khi những người trẻ yêu nghệ thuật nhìn vào, họ sẽ thấy được tương lai của mình trong đó.
Xin cảm ơn bà.
THÚY HIỀN (thực hiện)