Khởi động Diễn đàn quốc gia “Văn hóa với doanh nghiệp” năm 2023: Bản sắc văn hóa giúp doanh nghiệp hội nhập và bứt phá
VHO- Văn hóa doanh nghiệp đang ngày càng được nhiều đơn vị quan tâm, đầu tư xây dựng và phát triển. Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là “chân ga, chân phanh” trong phát triển mà còn là yếu tố quyết định. Nhiều doanh nghiệp thiếu coi trọng văn hóa kinh doanh nên đã thất bại; và ngược lại, chú trọng văn hóa đưa doanh nghiệp phát triển bền vững, xây dựng nên những thương hiệu mạnh.
Khởi động diễn đàn quốc gia thường niên Văn hóa với doanh nghiệp 2023
Tiếp tục khẳng định vai trò của văn hóa doanh nghiệp, cuối tuần qua tại Hà Nội, Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, BTC triển khai Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” (BTC 248) đã khởi động Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với doanh nghiệp” và chương trình “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” năm 2023.
Bí quyết cho những thương hiệu mạnh
Không còn xa lạ khi search Google cho thấy kết quả những lượt tìm kiếm các khái niệm về văn hóa, triết lý kinh doanh, những tên gọi “người TH”, “người Viettel” khá phổ biến… Văn hóa, con người đang được xác định là yếu tố trung tâm, cốt lõi và là “bí quyết” để các doanh nghiệp xây dựng, khẳng định thương hiệu mạnh.
Thực tế này đã được chia sẻ từ nhiều góc độ tại Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với doanh nghiệp” năm 2022 với chủ đề “Chấn hưng văn hóa - Nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế bền vững”. Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp được xem như “trái tim của nền kinh tế”, đóng góp hết sức quan trọng vào những kỳ tích của kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Trong sự phát triển bền vững của nền kinh tế nói chung và của các doanh nghiệp nói riêng, yếu tố con người chính là “trái tim, khối óc” của doanh nghiệp, văn hóa là nhân tố nền tảng.
Nhận định của lãnh đạo Bộ VHTTDL được các doanh nghiệp xuất sắc minh chứng bằng chính kết quả kinh doanh của mình, dựa trên yếu tố nền tảng là văn hóa. Lãnh đạo Deloitte Việt Nam khẳng định, không một thương hiệu mạnh nào không được xây dựng trên một nền tảng văn hóa kinh doanh vững chắc. Văn hóa tạo nên hình ảnh và thể hiện qua hình ảnh, thương hiệu đặc sắc của doanh nghiệp. Để cạnh tranh, đối thủ có thể sao chép nhiều thứ, từ chiến lược, sản phẩm, quy trình cho đến bí quyết công nghệ…, song không thể sao chép được những giá trị văn hóa, tinh thần.
“Bí quyết” không bị giảm sút doanh thu kể cả trong bối cảnh đại dịch và suy thoái kinh tế với Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận PNJ cũng chính là văn hóa. Lãnh đạo đơn vị cho biết, trong chặng đường hình thành và phát triển, giá trị lớn nhất của thương hiệu chính là văn hóa và con người. Đó là giá trị cốt lõi và ngày càng được vun đắp, làm giàu, tạo sức mạnh cho PNJ.
Luôn tạo ra những con đường mới để đi tiên phong là yếu tố riêng biệt của TH Group. Đại diện TH Group cho biết, trên những con đường đó, TH Group luôn cố gắng tạo nên những giá trị cốt lõi đẹp đẽ, từ đó có thể thấm vào người lao động. Việc thực thi để văn hóa doanh nghiệp ngấm vào mỗi người lao động, từ những khẩu hiệu, đến hệ thống và mô thức tư duy của doanh nghiệp, niềm tin và nề nếp làm việc của doanh nghiệp đều được chú trọng.
Từ thực tiễn hoạt động, các doanh nghiệp đều chia sẻ, văn hóa kinh doanh là thứ duy nhất còn sót lại khi gặp khủng hoảng. Văn hóa kinh doanh có thể sẽ không giúp doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận ngay tức thì, nhưng đây sẽ là nền tảng giúp ngày càng tăng ngưỡng chịu đựng, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, vượt qua mọi thử thách. Điều này có thể thấy rõ ràng trong những thời kỳ khủng hoảng, gần đây nhất là thời kỳ đại dịch Covid-19.
Thất bại vì không coi trọng văn hóa
Nhận định này được ông Đinh Văn Thuần (Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương) nhấn mạnh tại cuộc gặp gỡ báo chí về Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với doanh nghiệp” được tổ chức cuối tuần qua. Theo ông Thuần, trên thực tế, một số doanh nghiệp chưa coi trọng văn hóa kinh doanh nên đã thất bại. “Chúng tôi nhận thức rõ ràng về vai trò của văn hóa doanh nghiệp nên luôn đồng hành cùng BTC 248. Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận nỗ lực của BTC 248 trong việc đẩy mạnh xây dựng văn hóa doanh nghiệp, triển khai ở nhiều cấp trong hệ thống chính trị, góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển bền vững…”, ông Thuần cho biết.
Chủ đề Diễn đàn năm nay là “Văn hóa kinh doanh - Dòng chảy phát triển và hội nhập”. Đây là lần đầu tiên Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với doanh nghiệp” được tổ chức tại TP.HCM, dự kiến vào ngày 18.11.2023. Ông Hồ Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nhân Việt Nam, Trưởng BTC 248 cho biết, Diễn đàn có 3 hoạt động chính, điểm nhấn là Hội thảo “Văn hóa kinh doanh - Dòng chảy phát triển và hội nhập”. Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận về những giá trị “được và mất” trong văn hóa giao thương Việt Nam qua các thời kỳ phát triển lịch sử; nhận diện và gọi tên bản sắc của văn hóa kinh doanh Việt Nam; giải pháp giúp doanh nghiệp Việt Nam “hòa nhập nhưng không hòa tan”; định hướng nỗ lực hội nhập của văn hóa kinh doanh trong bối cảnh mới; chuyển đổi số trong phát triển văn hóa kinh doanh...
Ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội đồng xét chọn Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam nhấn mạnh, giá trị văn hóa là sáng tạo và trí tuệ. Không có doanh nghiệp có văn hóa nào mà giám đốc không có văn hóa. Tiêu chuẩn quyết đoán là quan trọng nhất, khi người lãnh đạo dám lấy ý kiến cá nhân để chứng minh cho tương lai. Nguyên Bộ trưởng lấy ví dụ từ ông Lữ Văn Thành, Giám đốc Misa, người đã dám xây dựng công nghệ phần mềm từ khi Internet chưa vào Việt Nam, để đến nay, sản phẩm của Misa đã lan tỏa ra khắp thế giới.
Chủ đề diễn đàn “Văn hóa kinh doanh - Dòng chảy phát triển và hội nhập” cũng thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, khẳng định bản sắc văn hóa chính là yếu tố then chốt để doanh nghiệp hội nhập và bứt phá. Trưởng phòng Quản trị Thương hiệu của Viettel Hà Thu Hương cho biết, doanh nghiệp cài đặt văn hóa trong quy trình làm việc và lãnh đạo phải làm gương. Viettel cũng chú trọng phát triển văn hóa qua các hoạt động sáng tạo, phát triển các sản phẩm, tuyển dụng… để nhân viên thực thi với yêu cầu hòa nhập thị trường quốc tế, đồng thời khách hàng cũng cảm nhận được văn hóa Viettel trong từng dịch vụ. Trong các dự án ở nước ngoài, văn hóa Việt Nam và văn hóa Viettel vẫn luôn xuyên suốt, để không chỉ phát triển văn hóa Việt Nam ở trong nước mà còn trên trường quốc tế, trong bối cảnh Viettel từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trở thành nhà cung cấp dịch vụ số.
Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh, thành công của các tập đoàn lớn hàng đầu thế giới như Samsung cũng có giá trị cốt lõi là văn hóa kinh doanh và điều đó luôn được lan tỏa. Theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam nên chú trọng áp dụng văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp thành công. Mỗi tập đoàn có một chủ đề để phát triển, Việt Nam nên nghiên cứu văn hóa doanh nghiệp của Hàn Quốc, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp nên học hỏi.
“Các doanh nghiệp Hàn Quốc sẵn sàng hợp tác, đồng hành với các doanh nghiệp Việt Nam để phát triển văn hóa kinh doanh. Chúng tôi cũng sẵn sàng giới thiệu, quảng bá để cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc cùng tham gia với các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Hong Sun bày tỏ.
PHƯƠNG ANH