Nỗ lực xây dựng dân ca Ví, Giặm thành sản phẩm du lịch đặc trưng
VHO- Festival dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh năm 2023 là sự kiện lớn với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc và là nơi kết nối những tinh hoa, bản sắc văn hóa dân tộc đại diện cho các vùng miền trên cả nước cùng về hội tụ, giao hòa trên mảnh đất Nghệ An.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, lãnh đạo Quân khu IV cùng các nghệ sĩ tham gia biểu diễn tại Lễ khai mạc
Phô diễn những sắc màu, thanh âm đẹp đẽ
Tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP Vinh), vào tối 28.7 đã diễn ra Lễ khai mạc Festival Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh 2023. Chương trình do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức (lần đầu tiên kể từ khi Dân ca Ví, Giặm được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại). Dự Lễ khai mạc có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông; Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung; Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu IV, Trung tướng Trần Võ Dũng; các vị lãnh đạo hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh; đại diện Sở VHTT, VHTTDL Quảng Bình, Hưng Yên, Quảng Trị và đông đảo nhân dân địa phương.
Lễ khai mạc Festival gồm 3 chương: Chương 1 - Mạch nguồn di sản; Chương 2 - Ân tình Ví, Giặm; Chương 3 - Tinh hoa tỏa sáng, với 13 tiết mục nghệ thuật. Qua chương trình, khán giả cả nước đã có cái nhìn mới về Ví, Giặm hôm nay, một loại hình dân ca truyền thống, có sức sống bền bỉ, mãnh liệt, khởi nguồn từ lao động, lặng lẽ thấm đẫm trong hồn cốt người dân xứ Nghệ và lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống đương đại. Được kỳ vọng là một sự kiện văn hóa đặc sắc, tạo dấu ấn phát huy, biến tiềm năng văn hóa thành động lực phát triển kinh tế, Nghệ An mong muốn đưa Festival trở thành hoạt động văn hóa, du lịch quy mô lớn, hướng tới xây dựng sản phẩm, thương hiệu văn hóa, du lịch của tỉnh trên nền tảng các giá trị di sản văn hóa truyền thống.
Liên hoan dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh năm 2023 mở đầu cho chuỗi hoạt động trong khuôn khổ Festival, cùng với nhiều hoạt động khác như: Hội diễn đàn và hát dân ca ba miền, Lễ hội đường phố “Sắc màu di sản”… tạo nên một lễ hội tưng bừng với nhiều sắc màu, thanh âm đẹp đẽ. Đây cũng là cơ hội để tinh hoa di sản văn hóa phi vật thể dân ca Ví, Giặm cùng hội tụ và toả sáng rạng rỡ trên quê hương xứ Nghệ, góp phần khẳng định sự giàu có, đa dạng của di sản; đồng thời là cơ hội gặp gỡ, gắn kết và lan tỏa của các loại hình nghệ thuật dân gian giữa các vùng miền, địa phương.
Ca sĩ Cee Jay người Nigeria cùng các ca sĩ Lê Thanh Phong, Phương Thanh biểu diễn ca khúc “Ai vô xứ Nghệ” tại chương trình
Nâng cao tầm nhìn về một di sản giàu bản sắc
Ngày 27.11.2014, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trở thành niềm tự hào quốc gia và của nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Đây là dấu mốc quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản; đồng thời nâng cao tầm nhìn cho cộng đồng quốc gia và quốc tế đối với một loại hình nghệ thuật dân gian giàu bản sắc của một vùng văn hóa.
Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh: “Dân ca Ví, Giặm là loại hình nghệ thuật diễn xướng đặc sắc trong kho tàng văn hóa dân gian Xứ Nghệ. Từ bao đời nay, Ví, Giặm đã là tiếng lòng, là tâm tư, tình cảm ngân vang lắng đọng trong hồn người bởi nét dung dị, trữ tình, gợi nhớ, gợi thương”. Trong gần một thập kỷ qua, chính quyền và nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã chung sức chung lòng, không ngừng nỗ lực với nhiều giải pháp tích cực để bảo vệ, nâng cao nhận thức, hướng tới sự đa dạng, phổ biến thực hành Ví, Giặm cho các tầng lớp nhân dân, thể hiện nguyện vọng cũng như cam kết của chính quyền và cộng đồng trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Thứ trưởng cũng ghi nhận và đánh giá cao công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh như: Tổ chức các Liên hoan dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh; phong tặng, tôn vinh, đãi ngộ các nghệ nhân; đưa dân ca vào trường học; triển khai có hiệu quả các chính sách, quy hoạch ngắn hạn và dài hạn, trong đó chú trọng hỗ trợ cộng đồng, CLB và nghệ nhân tổ chức truyền dạy, trình diễn, quảng bá Dân ca Ví, Giặm. Các địa phương phục hồi, lưu truyền các làn điệu và hình thức diễn xướng truyền thống; mở rộng các hình thức và môi trường sinh hoạt mới, phù hợp với mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị di sản trong cuộc sống đương đại; tăng cường giới thiệu, quảng bá dân ca Ví, Giặm ở trong và ngoài nước…
Đứng trước nhiều khó khăn, thách thức từ thực tiễn, Thứ trưởng đề nghị chính quyền hai tỉnh cùng với sự phối hợp của các Ban, Bộ, ngành, UBND, các cơ quan hữu quan, các cộng đồng là chủ thể của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh và nhân dân cả nước chung tay thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể này. Trên cơ sở các chương trình, kế hoạch đối ngoại của tỉnh hằng năm về giao lưu, hợp tác quốc tế, hai địa cần nỗ lực xây dựng dân ca Ví, Giặm thành sản phẩm du lịch đặc trưng; phát triển mạng lưới, cung cấp các dịch vụ, sản phẩm văn hóa gắn với dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh tại các khu, điểm du lịch và trong cộng đồng.
PHẠM NGÂN