Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Sự cấp thiết của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa (Bài cuối): Thể hiện quyết tâm trong bảo tồn, phát triển văn hóa

Thứ Sáu 09/06/2023 | 09:18 GMT+7

VHO- Khẳng định những dấu ấn phát triển của văn hóa trong thời gian qua, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đang tạo rào cản cho sự phát triển văn hóa. Trong bối cảnh này, việc xây dựng một Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa là cấp thiết, nhằm định hình, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của quốc gia.


 Bên hành lang Quốc hội, trao đổi với Văn Hóa, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết: 
- Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến sự nghiệp phát triển văn hóa. Ngay từ trước khi giành được độc lập, tự do cho dân tộc, năm 1943, Đảng ta đã ban hành Đề cương về Văn hóa Việt Nam như một cương lĩnh chính trị để khẳng định sức mạnh của văn hóa trong phát triển đất nước. Từ nhận thức quan trọng và hành động đúng đắn, văn hóa Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù bằng sức mạnh nội sinh của dân tộc: Văn hóa. 
Đứng trước bối cảnh mới, những bài học kinh nghiệm quý giá từ lịch sử càng thôi thúc chúng ta có thêm quyết tâm phát triển văn hóa. Hiện nay đang là thời điểm hết sức quan trọng trong phát triển văn hóa, với những thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức đan xen. Từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan Đảng, Nhà nước, ở cả Trung ương và địa phương, qua những diễn đàn quan trọng như hội thảo Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam, hội thảo Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa; chuỗi sự kiện kỷ niệm 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam, các Hội nghị văn hóa của Bắc Ninh, Hà Tĩnh; Nghị quyết riêng cho văn hóa; những đề án, kế hoạch, nguồn lực ưu tiên cho văn hóa… đều là những tín hiệu tích cực. 
Chúng ta cũng nhìn thấy một chuyển động mới mẻ so với giai đoạn trước là không chỉ có những chuyển biến từ phía Nhà nước, các thành phần xã hội cũng thể hiện sự năng động, nhiệt huyết đối với văn hóa. Điều này thể hiện qua các tuần lễ sáng tạo ở Hà Nội và một số thành phố lớn, sự hình thành của Nhà hát Đó ở Nha Trang, những bộ phim tư nhân ăn khách như Nhà bà Nữ, Chị chị, em em 2, Lật mặt: tấm vé định mệnh... Những minh chứng thực tiễn, sinh động cho thấy chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước đã bắt nhịp cho sự sôi động của thị trường văn hóa, để văn hóa đóng góp nhiều hơn cho quá trình phát triển đất nước. Giờ đây, chúng ta nói nhiều hơn về một công cuộc phục hưng, đổi mới cho lĩnh vực văn hóa. 
Ở chiều ngược lại, chúng ta cũng thấy những biểu hiện khó khăn, thách thức và vô cùng phức tạp đối với sự phát triển văn hóa. Không chỉ là những thách thức an ninh phi truyền thống mà còn cả thách thức văn hóa phi truyền thống; không chỉ những vấn đề của xã hội số, kinh tế số, công dân số mà còn cả những vấn đề của văn hóa số. Sự phát triển của kinh tế thị trường đã để lại nhiều hệ lụy về văn hóa, khi lợi ích vật chất, ích kỷ cá nhân đã len lỏi vào mọi tế bào của xã hội, trong đó có văn hóa. Thị trường giải trí cạnh tranh khốc liệt, nảy sinh những chiêu trò lôi kéo sự quan tâm của công chúng nhưng hậu quả để lại vô cùng tai hại, làm vẩn đục môi trường văn hóa. Quá trình hội nhập quốc tế giúp chúng ta tiếp thu nhiều tinh hoa văn hóa thế giới nhưng cũng có nhiều hiện tượng không phù hợp. Nhiều thứ lấp lánh, hào nhoáng bên ngoài cuốn hút sự quan tâm của giới trẻ nhưng lại khiến họ lãng quên văn hóa dân tộc. Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, nhất là mạng xã hội đã tạo ra không gian mới, thách thức mới cho quản lý văn hóa... Thực tế đó trở thành nguyên nhân của những biểu hiện tiêu cực, lai căng, lệch chuẩn, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục trong thời gian qua. 
Trước bối cảnh này, việc xây dựng và ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa là yêu cầu cấp thiết để định hình và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của quốc gia. Chương trình được ban hành sẽ giúp chúng ta có một nguồn lực đầy đủ, với những đầu tư trọng tâm, trọng điểm, mang tính định hướng, khơi nguồn cho các đầu tư xã hội cho văn hóa.

Sự gián đoạn của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa khiến nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa phải đối diện với không ít khó khăn. Nguồn lực hỗ trợ, tạo xung lực cho sự phát triển của văn hóa đang cần sớm được tiếp nối. Ông có suy nghĩ gì trước thực tế này?
- Đúng là nhiều địa phương đang gặp khó khi Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa vốn đã mang lại nhiều hiệu quả trong giai đoạn trước nay đang bị gián đoạn. Tôi lấy ví dụ, trong quá trình đi giám sát, tôi thấy rằng trên địa bàn tỉnh Hà Giang, nguồn lực đầu tư cho văn hóa, thể thao và du lịch còn thấp, trong khi tỉ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, nhận thức của đồng bào về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc còn nhiều hạn chế. Hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể còn nhiều khó khăn, kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích thấp, được thực hiện chủ yếu thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và ngân sách hạn chế của địa phương. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng văn hóa, thể thao cấp xã còn thiếu thốn, chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân…
Cũng đối diện với những khó khăn tương tự, tại tỉnh miền núi Tuyên Quang, việc thực hiện các quy định về quản lý di sản văn hóa của cơ quan quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn. Phần lớn các di tích có kết cấu vật liệu không bền vững, lại nằm ở vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm nên bị xuống cấp nhanh chóng. Việc tu bổ, tôn tạo di tích được thực hiện chủ yếu thông qua Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa và ngân sách địa phương. Tuy nhiên, kinh phí bố trí cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Các di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nên rất dễ xuống cấp trở lại. Việc huy động xã hội hóa đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích còn hạn chế, tập trung chủ yếu vào các di tích tín ngưỡng, tôn giáo hoặc những di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng có tiềm năng khai thác du lịch…
Phải nói rằng, thực trạng khó khăn này chúng ta có thể bắt gặp ở hầu tất các địa phương, tại những địa bàn càng sâu, càng xa thì cái khó càng nhân lên gấp nhiều lần. Nguồn kinh phí đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa vì thế chính là nguồn lực vô cùng quan trọng trong sự phát triển văn hóa tại các địa phương.
Tuy nhiên, việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa hẳn là công việc không dễ dàng. Theo ông, những điểm nhấn cần chú trọng là gì?
- Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia nói chung, về văn hóa nói riêng không phải là một công việc dễ dàng. Thứ nhất, việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa cần bám sát vào quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Từ Nghị quyết 33-NQ/TW đến Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, Đảng, Nhà nước đã đề ra những quan điểm chỉ đạo, mục tiêu cụ thể để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa sẽ là công cụ hỗ trợ cho việc triển khai hiệu quả các mục tiêu này, đồng thời đảm bảo sự nhất quán và liên kết giữa các chương trình, dự án văn hóa trên toàn quốc.
Thứ hai, dù mang tính bao quát để tạo ra tính tổng thể cho sự phát triển văn hóa nhưng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa vẫn cần nhấn mạnh vào một số điểm nhấn, mang tính đột phá như tập trung vào bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc. Việt Nam là một quốc gia có nền văn hóa đa dạng và phong phú, với 54 dân tộc anh em cùng chung sống. Tuy nhiên, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang đối mặt với nguy cơ mai một và biến mất. Chương trình mục tiêu quốc gia cần đặt trọng tâm vào việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị này thông qua việc khôi phục, tôn vinh và truyền bá các di sản văn hóa truyền thống, để từ đó không chỉ giúp chúng ta hiểu biết, tự hào về truyền thống lịch sử mà còn giúp chúng ta có hành trang kiến thức, sự tự tin văn hóa để bước đi vững chắc vào tương lai mà không sợ bị hòa tan trong dòng chảy toàn cầu hóa.
Trong bối cảnh đời sống văn hóa hiện nay, bên cạnh yêu cầu bảo tồn các giá trị truyền thống thì công cuộc chấn hưng, phát triển văn hóa còn hướng đến phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đưa văn hóa phát triển ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Những nội dung này cần được chú trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn mới như thế nào, thưa ông?
- Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn hiện nay cần phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Chúng ta thấy rằng, văn hóa không chỉ là một lĩnh vực di sản truyền thống, nghệ thuật giải trí mà còn là một nguồn tài nguyên kinh tế quan trọng tạo ra sức mạnh tổng hợp quốc gia. Bằng việc tạo điều kiện và đầu tư vào các ngành công nghiệp văn hóa như điện ảnh, âm nhạc, thời trang, phần mềm và các trò chơi điện tử, du lịch văn hóa,... chúng ta có thể tận dụng và phát triển tiềm năng của văn hóa để đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Thêm vào đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa cần tạo ra các không gian sáng tạo và định vị văn hóa quốc gia. Để phát triển văn hóa, chúng ta cần tạo ra môi trường thuận lợi để các cá nhân, tập thể có thể sáng tạo và phát triển ý tưởng mới. Đồng thời, chương trình cũng cần giúp định vị văn hóa quốc gia trên trường quốc tế, xây dựng hình ảnh văn hóa độc đáo của Việt Nam và tăng cường sự tự tin, bản lĩnh cho văn hóa, con người Việt Nam trên trường quốc tế.
Như vậy, trong bối cảnh hiện nay, khi sự phát triển kinh tế - xã hội đang ngày càng đòi hỏi sự đổi mới sáng tạo, bền vững, vì lợi ích của nhân dân, việc xây dựng một chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa trở thành một yêu cầu cấp thiết. Văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội mà còn là mục tiêu và động lực cho sự phát triển toàn diện của đất nước. Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa không chỉ đơn thuần là một kế hoạch chi tiết, mà còn là một phương tiện để thể hiện quyết tâm và sự cam kết của Đảng, Nhà nước trong bảo tồn và phát triển văn hóa. Điều này đảm bảo rằng chương trình sẽ được thực hiện với sự nhất quán và liên kết với các chính sách, quyết sách khác trên toàn quốc, đem lại sự tự tin, bản lĩnh và sự phát triển toàn diện cho văn hóa, con người Việt Nam, góp phần khẳng định uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Để từ đó, văn hóa trở thành yếu tố hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

  Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa không chỉ đơn thuần là một kế hoạch chi tiết, mà còn là một phương tiện để thể hiện quyết tâm và sự cam kết của Đảng, Nhà nước trong bảo tồn và phát triển văn hóa. Điều này đảm bảo rằng chương trình sẽ được thực hiện với sự nhất quán và liên kết với các chính sách, quyết sách khác trên toàn quốc, đem lại sự tự tin, bản lĩnh và sự phát triển toàn diện cho văn hóa… 

(PGS.TS BÙI HOÀI SƠN)

PHƯƠNG ANH (thực hiện) 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top