Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Đừng nghiệp dư hóa nghệ thuật

Thứ Tư 07/06/2023 | 10:03 GMT+7

VHO- Gần nửa tháng vừa qua, Liên hoan các trích đoạn sân khấu hay toàn quốc 2023 đã diễn ra sôi nổi với sự tham gia của gần 1.000 diễn viên thuộc 33 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, trình diễn 106 trích đoạn Chèo, Tuồng, Cải lương, Kịch dân ca, Kịch nói, Xiếc… Qua đó, mang đến cho công chúng và giới nghề “bữa tiệc” nghệ thuật phong phú đầy màu sắc.

 Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Lê Thị Thủy và Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông vinh danh các đơn vị có trích đoạn xuất sắc tại Liên hoan

 Tuy nhiên, khi Liên hoan kết thúc, Ban tổ chức và những người làm nghệ thuật đều trăn trở khi xuất hiện xu hướng dàn dựng cũ kỹ, lạc hậu và cả sự nghiệp dư hoá nghệ thuật.

Thực trạng “gieo vừng ra ngô”

Đánh giá về chất lượng của Liên hoan, TS Nguyễn Đăng Chương, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Liên hoan đã thẳng thắn chỉ ra hiện tượng một số đơn vị mang tới những trích đoạn sân khấu rất nghiệp dư. “Hội đồng giám khảo đưa mắt hỏi nhau xem trích đoạn chuyển tải thông điệp gì và cả 7 thành viên đều không trả lời được. Tính chân thực là linh hồn của mỗi tác phẩm nghệ thuật, thế nhưng, có những trích đoạn đề tài hiện đại được ê kíp sáng tạo hư cấu tới mức phản cảm, câu chuyện cường điệu thái quá, tạo ra hình tượng nhân vật phi lý, chứa đựng tất cả những điều tiêu cực nhất về đạo lý, nhân cách và văn hóa ứng xử. Một trong những chức năng của nghệ thuật là lên án cái xấu, cái ác; nhưng người sáng tạo khuếch đại đến tận cùng thì sẽ gây tác dụng ngược, ảnh hưởng xấu tới nhận thức thẩm mỹ và tâm lý, tình cảm của khán giả. Một số trích đoạn dùng ngôn ngữ thiếu tính văn học, thậm chí dung tục, gây ức chế cho người xem và khiến nghệ sĩ biểu diễn phải gánh chịu hậu quả, dù lỗi đó không thuộc về họ”, TS Nguyễn Đăng Chương chia sẻ.

Một điều rất dễ nhận thấy ở Liên hoan lần này là sự phóng túng thái quá của đạo diễn trong xử lý trò diễn, trò nhời. Thói quen “đùa dai” đã làm hỏng kết cấu trích đoạn, làm lu mờ sự lấp lánh của nhân vật. Có đạo diễn cho diễn viên bê bát nhang để ở dưới chân rồi nhảy lên… ngồi chễm chệ trên ban thờ; Thị Nở mặc nội y bên trong dải yếm bằng chất liệu nhựa, cặp tóc đính hạt tạo ra những tia phản quang dưới ánh đèn trong quá trình diễn xuất; lại có đạo diễn cho diễn viên quay lưng xuống khán giả, đi tiểu rất hồn nhiên trong cảm giác sung sướng mãn nguyện… Phải chăng lãnh đạo và Hội đồng nghệ thuật các đơn vị không còn vai trò trong quá trình sáng tạo, phó thác tất cả sự hay dở, sống còn của tác phẩm cho đạo diễn? “Nếu quả thực như vậy thì nghệ thuật sân khấu đang trở thành sân chơi của một người, không còn là sự sáng tạo của tập thể gồm rất nhiều thành phần khác nữa…”, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Liên hoan trăn trở.

Có 6 trích đoạn Đôi lứa xứng đôi được phóng tác dàn dựng từ tác phẩm Chí Phèo nổi tiếng của nhà văn Nam Cao. Thế nhưng, phần lớn trích đoạn đều giống nhau như được đúc từ một khuôn, từ hoá trang, phục trang, đạo cụ, tiếng nói, cho đến cách thức biểu lộ tình cảm, động tác hình thể, dáng đi, tiếng cười và xử lý không gian sân khấu… Đó là bằng chứng sinh động về sự sáo mòn, già cỗi, lặp lại chính mình, nhâm nhi quá khứ của người sáng tạo trong nhiều năm qua, biến nghệ sĩ trở thành “thợ diễn” trên sân khấu. Một sân chơi mang tính chuyên nghiệp lại xuất hiện khá nhiều trích đoạn Chèo “gieo vừng ra ngô”, gọi là Chèo nhưng thực chất là trích đoạn Kịch nói lồng vào đó mấy làn điệu Chèo cổ hoặc cải biên. Thực trạng này đang phá vỡ các nguyên tắc cơ bản, xóa nhòa các giá trị và những đặc trưng cốt lõi của nghệ thuật Chèo mà nhiều thế hệ cha ông đã tìm tòi, tích tụ và kết tinh trong suốt chiều dài lịch sử.

 NSƯT Hoàng Tùng (bên trái, Chi hội biểu diễn nghệ thuật Thăng Long) giành HCV với trích đoạn “Văn vương ăn thịt con”

Vội vã đến thi, vội vã ra về...

Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, thành viên Hội đồng Giám khảo Liên hoan, NSND Giang Mạnh Hà tỏ ra tiếc nuối: “106 trích đoạn tham dự là 106 bài học cực kỳ bổ ích đối với những người làm nghệ thuật. Chỉ tiếc là lần này cũng như nhiều cuộc thi, liên hoan gần đây, anh chị em nghệ sĩ chỉ kịp đến diễn mà chẳng có điều kiện ở lại để xem bạn nghề vì không có kinh phí. Nỗi buồn này không của riêng ai và đã trở thành điểm nghẽn suốt nhiều chục năm qua mà các cơ quan có thẩm quyền chưa thể tháo gỡ”.

Ngoài sự tụt dốc, nghiệp dư của một số đơn vị thì điều đáng lo nhất là sự mai một của nhiều thương hiệu nghệ thuật, khi lâm vào tình trạng khủng khoảng cả về lượng và chất trong đội ngũ diễn viên. Nguyên nhân chính có thể kể đến là các địa phương đã sáp nhập, tinh giản bằng công thức cơ học khi triển khai sắp xếp lại bộ máy. Trong bài phát biểu tổng kết Liên hoan, TS Nguyễn Đăng Chương đặt ra nhiều câu hỏi: Phải chăng sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền đối với nghệ thuật sân khấu đang có vấn đề, các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới chưa đi vào thực tiễn cuộc sống? Phải chăng vai trò của Hội động nghệ thuật đang bị lu mờ trong quá trình sáng tạo? Phải chăng khát vọng làm nghề của đội ngũ nghệ sĩ đang bị cơ chế thị trường bào mòn theo năm tháng? Phải chăng vì cơm áo gạo tiền mà nhiều đơn vị đang đánh mất đi thương hiệu của chính mình?...

Trích đoạn Cúc ơi của Liên đoàn Xiếc Việt Nam được trao giải thưởng trích đoạn xuất sắc

Rất nhiều nghệ sĩ có mặt tại Liên hoan đều mong muốn có giải pháp cụ thể từ cơ quan quản lý nhà nước để tháo gỡ khó khăn cho đội ngũ những người làm nghệ thuật truyền thống. Bên cạnh đó, đề xuất BTC cũng cần có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố quan tâm đầu tư kinh phí cho các đơn vị xây dựng tác phẩm, đi lại, ăn ở để tham gia các cuộc thi, liên hoan do Bộ VHTTDL, các Hội VHNT chuyên ngành tổ chức. Cơ quan quản lý nhà nước về VHNT các cấp cần có những giải pháp nâng cao vai trò trách nhiệm và năng lực chuyên môn của các Hội đồng nghệ thuật. Trong cơ chế thị trường, chất lượng tác phẩm là yếu tố hàng đầu quyết định sự tồn tại lay lắt hay phát triển mạnh mẽ của các đơn vị, chính vì vậy, vai trò của Hội đồng nghệ thuật là vô cùng quan trọng.

Nhìn vào bức tranh tối để tìm ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhưng rõ ràng 54 HCV, 60 HCB, 6 trích đoạn đoạt giải thưởng Xuất sắc và nhiều phần thưởng khác là minh chứng của sự nỗ lực vượt khó của các nghệ sĩ, thắp sáng khát vọng sáng tạo, cố gắng vượt qua chính mình, gạn đục khơi trong để giữ nghề. Những tràng pháo tay cổ vũ kéo dài từ bạn nghề và khán giả cho thấy sức sống trường tồn của nghệ thuật sân khấu khi vẫn đang có những thế hệ nghệ sĩ bền bỉ lao tâm khổ tứ với nghề. 

 Sự sáo mòn, già cỗi, lặp lại chính mình, nhâm nhi quá khứ của người sáng tạo trong nhiều năm qua đã biến nghệ sĩ trở thành “thợ diễn” trên sân khấu. Một sân chơi mang tính chuyên nghiệp lại xuất hiện khá nhiều trích đoạn “gieo vừng ra ngô”, gọi là Chèo nhưng thực chất là Kịch nói lồng vào đó mấy làn điệu Chèo cổ hoặc cải biên. Thực trạng này đang phá vỡ các nguyên tắc cơ bản, xóa nhòa các giá trị và những đặc trưng cốt lõi của nghệ thuật Chèo mà nhiều thế hệ cha ông đã tìm tòi, tích tụ và kết tinh trong suốt chiều dài lịch sử.

(TS NGUYỄN ĐĂNG CHƯƠNG, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Liên hoan)

 

 106 trích đoạn tham dự là 106 bài học cực kỳ bổ ích đối với những người làm nghệ thuật. Chỉ tiếc là lần này cũng như nhiều cuộc thi, liên hoan gần đây, anh chị em nghệ sĩ chỉ kịp đến diễn mà chẳng có điều kiện ở lại để xem bạn nghề vì không có kinh phí. Nỗi buồn này không của riêng ai và đã trở thành điểm nghẽn suốt nhiều chục năm qua mà các cơ quan có thẩm quyền chưa thể tháo gỡ.

(NSND GIANG MẠNH HÀ, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam)

THÚY HIỀN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top