Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đề nghị các địa phương xem xét sắp xếp các trường nghệ thuật phù hợp

Thứ Ba 06/06/2023 | 10:30 GMT+7

VHO-Sáng 6.6, Quốc hội khóa XV tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trực tiếp điều hành Phiên chất vấn.

Chịu trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung. Tham gia trả lời chất vấn có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, GD&ĐT, Nội vụ, Y tế, Tư pháp; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn

Các nội dung trong phiên chất vấn này gồm: Giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm; Thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn hiện nay.

Giải pháp khắc phục bất cập, hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội, tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm, chi sai chế độ…); công tác quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội; giải pháp khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng.

Chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang đề nghị làm rõ giải pháp chấn chỉnh tình trạng chồng chéo, trùng lắp ngành nghề đào tạo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, công tác tuyển sinh, công tác giáo dục nghề nghiệp dù đã có nhiều bước tiến nhưng nhưng quy hoạch mạng lưới đào tạo còn nhiều bất cập. Hiện nay, cùng trên một địa bàn có nhiều trường nghề khác nhau, có nhiều ngành nghề khác nhau, trùng nhau, dẫn đến số học viên không đáp ứng được yêu cầu, khó tìm việc sau khi đào tạo xong. Hiện cũng có tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong ngành nghề đào tạo, các trường nghề về cơ bản đang thực hiện theo tinh thần, việc đào tạo được tự chủ, trừ một số ngành nghề đào tạo chất lượng cao, nhà nước đặt hàng thì đào tạo theo yêu cầu. Tình trạng chung của các trường nghề là tuyển sinh được thì đào tạo, chưa thực sự gắn với nhu cầu thị trường. 

Về giải pháp khắc phục, Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới việc đào tạo cần gắn với nhu cầu thị trường, cần làm quyết liệt hơn việc dự báo cung cầu, chỉ tiến hành đào tạo khi xác định được nhu cầu. Các trường cần liên kết, hợp tác chặt chẽ, đặt hàng được các doanh nghiệp, để học viên đào tạo ra có việc làm, có nghề nghiệp ổn định. 

“Thời gian qua, 63 tỉnh thành đã cùng với Bộ tiến hành quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, sáp nhập các trường trung cấp, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, một trường cao đẳng ở một địa phương có thể dạy nhiều hệ khác nhau, nhiều chương trình khác nhau theo đúng tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương. Cùng với đó, hệ thống trường nghề của các bộ, ngành, đoàn thể cũng được sắp xếp lại theo tinh thần quy về một đầu mối, theo đúng Chiến lược giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 tầm nhìn năm 2045, để tránh trùng lặp về chức năng, về ngành nghề đào tạo như hiện nay”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Trả lời đại biểu Trịnh Minh Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long) về các giải pháp triển khai công tác an sinh xã hội trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, công tác này đã có nhiều cố gắng trong thời gian vừa qua. Bình quân trước năm 2011 ngành LĐ,TB&XH cùng với các địa phương chỉ hỗ trợ được khoảng 1.000.000 người nhưng trong 3 năm qua, đã tiến hành hỗ trợ 68 triệu lượt người. Chưa bao giờ các địa phương, các ngành làm tốt công tác an sinh như thời gian qua. Các chính sách đến với người dân một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, ít tiêu cực nhất. 

Thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, cần dự báo được tình hình sản xuất kinh doanh, diễn biến đời sống, bộ phận lao động chuyển sang tuổi hưu. Bộ cũng đã có nghiên cứu để đưa ra những chính sách an sinh xã hội trong thời gian tới, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, thông qua.

Đại biểu Dương Minh Ánh chất vấn về những bất cập khi sắp xếp các trường đặc thù như các trường nghệ thuật

Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH, đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn ĐBQH Hà Nội) cho biết, việc sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở các địa phương còn nhiều khiên cưỡng và mang tính cơ học, chưa tính đến yếu tố đặc thù của ngành nghề đào tạo đặc biệt là các lĩnh vực nghệ thuật. Hiện nay nhiều địa phương thực hiện việc sáp nhập các trường nghệ thuật vào các trường kỹ thuật dẫn đến nhiều bất cập trong tuyển sinh, đào tạo và thực hành. Khi tuyển sinh, các trường này chỉ tập trung vào các ngành, nghề có thể tuyển sinh được mà bỏ rơi các ngành nghề nghệ thuật cũng như không đầu tư cho cơ sở vật chất, cơ sở thực hành đối với các trường đào tạo. Ngoài ra chế độ đối với đội ngũ nhà giáo ở lĩnh vực nghệ thuật còn nhiều bất cập dẫn đến việc đào tạo nhân lực cho các ngành nghệ thuật đã khó lại càng khó khăn hơn, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực ngành văn hoá nghệ thuật.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, vấn đề đại biểu Ánh nêu là đúng với thực tế đang diễn ra, việc sắp xếp mạng lưới quy hoạch nghề nghiệp tại các địa phương còn bất cập. Thời gian qua các địa phương, nhất là khi triển khai Nghị quyết 19 của Trung ương sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập đều tổ chức lại việc sắp xếp lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp. “Về cơ bản việc sắp xếp là đúng nhưng cá biệt cũng có một số địa phương sắp xếp chưa được, ví dụ ngành y lại sắp xếp vào trường công nghiệp cơ khí hoặc lĩnh vực văn hoá nghệ thuật lại sắp xếp vào các trường không phù hợp theo phương châm tinh giản đầu mối, mỗi địa phương chỉ còn 1 trường cao đẳng nghề. Lẽ ra với những ngành nghề có tính đặc thù như hiện nay là 48 trường cao đẳng trung cấp y cũng như các trường văn hoá nghệ thuật là những trường có tính chất chuyên biệt cần bố trí phù hợp.

"Trong Nghị quyết 19 có quy định chỉ sắp xếp đối với những trường chuyên ngành 3 năm liền hoạt động không hiệu quả. Tuy nhiên thời gian qua khi giảm đầu mối có tình trạng bất cập như đại biểu nêu, nhất là việc sắp xếp các trường đặc thù như trường y hoặc trường văn hoá nghệ thuật vào những trường không phù hợp. Tôi đề nghị các địa phương xem xét, sắp xếp các trường này cho phù hợp vì việc sắp xếp các trường trung cấp thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của địa phương”, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH đề nghị.

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN, QUỐC HỘI

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top