Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Khơi nguồn yêu thương cho giới trẻ

Thứ Sáu 02/06/2023 | 11:05 GMT+7

VHO- Người ta vẫn nói “trẻ vui nhà, già vui chùa”, vì thế, cửa chùa lâu nay vẫn được xem là nơi dành cho những người lớn tuổi. Thế nhưng, hiện lại có khá nhiều bạn trẻ tìm đến “thiền môn”, không chỉ với niềm tin tôn giáo mà còn là cách để giải tỏa căng thẳng, cân bằng cuộc sống, học cách đối nhân xử thế và chung tay làm nhiều việc thiện nguyện.

 Các bạn trẻ tham gia những buổi cộng tu tại chùa

 Trẻ cũng vui cảnh chùa

Có mặt tại chùa Thiên Niên (quận Tây Hồ, Hà Nội), phóng viên Văn Hóa được các thành viên của Chúng Thanh niên Phật tử Phật quang Hà Nội mời tham gia một buổi sinh hoạt chung. Không giới hạn độ tuổi, ai có tâm nguyện đến nơi đây cũng được chào đón nhiệt tình. Mỗi buổi sinh hoạt sẽ có khoảng 30-40 người tham gia. Ngạc nhiên hơn cả, trong số các Phật tử tham dự, có tới hơn nửa là các bạn “tuổi teen”. Nhiều gia đình cũng tranh thủ đưa tất cả các thành viên đến chùa vào buổi tối để cùng cộng tu.

Bạn Nguyễn Duy Anh, 19 tuổi ở đường Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, Hà Nội) là một trong những Phật tử trẻ tuổi tham dự buổi sinh hoạt tại chùa Thiên Niên. Đều đặn mỗi tối thứ 2, thứ 5 hằng tuần, Duy Anh đến chùa để sinh hoạt với đạo tràng. Đang trong quá trình trau dồi ngoại ngữ để đi du học, sau những giờ căng thẳng trên lớp, Duy Anh chọn cách đến chùa để thiền định và nghe những bài giảng Phật pháp của sư thầy. “Cả ngày ở trên lớp, nếu về nhà lại tiếp tục sử dụng điện thoại hay các thiết bị thông minh khác, em rất dễ rơi vào trạng thái stress. Chưa kể trên không gian mạng, không khó để bắt gặp những thông tin xấu độc. Bản thân em không muốn bị ảnh hưởng bởi những thứ tiêu cực. Từ khi tham gia sinh hoạt tại đây, em được giải tỏa căng thẳng, trong lòng thấy rất nhẹ nhõm. Cũng nhờ được nghe nhiều buổi thuyết giảng, em biết cách sống yêu thương, nhân ái và hướng về gia đình nhiều hơn”, Nguyễn Duy Anh chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên, Bùi Thị Hảo (27 tuổi), thành viên của Chúng Thanh niên Phật tử Phật quang Hà Nội cho biết, trong tuần sẽ có 2 tối cộng tu, mỗi buổi kéo dài khoảng 1 tiếng rưỡi; trong đó có 1 tiếng sẽ ngồi thiền và 30 phút nghe giảng pháp, trao đổi về những triết lý nhà Phật, cũng như cách để có lối sống lành mạnh, bổ ích. “Khi tổ chức những buổi sinh hoạt, chúng tôi rất ngạc nhiên khi nhiều bạn trẻ tìm đến, xin được tham gia. Không ít các bạn trong số này đang rơi vào trạng thái lo âu, có suy nghĩ tiêu cực. Sau một vài buổi ngồi thiền và nghe giảng pháp, nhiều bạn đã thực sự thay đổi, học được cách nhẫn nại, biết chia sẻ yêu thương, tích cực tham gia vào công tác xã hội”, Hảo chia sẻ.

Đơn giản hơn, không ngồi thiền hay nghe giảng, Lê Lan Chi (20 tuổi) ở phố Pháo Đài Láng (Đống Đa, Hà Nội) đến chùa Quán Sứ vào mỗi dịp mùng 1, rằm hay Lễ Phật đản để cầu sức khỏe, bình an cho bản thân và gia đình. Cô sinh viên tâm sự, do lịch làm thêm dày đặc nên dù rất muốn, Lan Chi cũng chưa thể sắp xếp thời gian tham gia các buổi sinh hoạt của Phật tử hay khóa tu hè: “Đi lễ chùa vào ngày mồng 1, rằm hay các sự kiện của Phật giáo là cách giúp em tìm sự an yên; bày tỏ lòng thành kính với Đức Phật, tổ tiên cũng như hướng đến những giá trị tốt đẹp”.

Chia sẻ yêu thương, nhân lên hạnh phúc

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, có nhiều nguyên nhân khiến giới trẻ tìm đến cửa chùa như một nơi yên tĩnh để thư giãn, giải tỏa áp lực của công việc, học tập. Còn việc tham gia những khóa tu hè là do cha mẹ muốn gửi con vào chùa, hoặc tự thân họ muốn để nhận được sự quản lý, giáo dục lành mạnh, an toàn. Nhưng dù xuất phát từ động cơ nào, tất cả đều mong muốn thông qua những triết lý tích cực của đạo Phật để rèn luyện lối sống thiện lương, nhân ái và có ích cho cộng đồng.

“Việc giới trẻ quan tâm nhiều hơn đến Phật giáo là một tín hiệu tích cực. Giáo lý nhà Phật khuyến khích người ta trân trọng cuộc sống hiện tại, tận hưởng từng khoảnh khắc. Sự từ bi, lòng biết ơn, kiên nhẫn… đưa con người đến lối sống lành mạnh. Từ đó đem lại hạnh phúc cho bản thân và xã hội là một trong những điều Phật giáo luôn hướng tới. Bên cạnh đó, học thuyết của nhà Phật cũng dạy bảo vệ môi trường chính là bảo vệ con người, nhân loại. Do đó, có thể khẳng định Phật giáo giúp các bạn trẻ thay đổi nhận thức, phát triển bản thân, xây dựng tư duy, hành động tích cực... Những giá trị này giúp giới trẻ sống tốt đời, đẹp đạo và giữ vững tinh thần lạc quan”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng bày tỏ mong muốn, sẽ ngày càng có nhiều bạn trẻ hướng về Phật giáo, từ đó tránh sa ngã vào những tệ nạn đang nhan nhản trong xã hội đương đại. “Đi trên con đường này, các bạn trẻ sẽ luôn có suy nghĩ “giữ giới” và đặt những hành động đúng đắn, lương thiện lên hàng đầu. Phật giáo khuyến khích tình yêu, sự tôn trọng đối với mọi sự sống, không gây hại và biết san sẻ tình yêu thương, tích cực tham gia vào công tác xã hội. Từ đó, các bạn sẽ có cuộc sống hạnh phúc; đặc biệt là góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói. 

ĐÌNH TOÁN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top