Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Định vị đúng vai trò của Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật (Bài 1): Khen theo "PHONG TRÀO", phê kiểu "NÓI KHẼ"

Thứ Hai 29/05/2023 | 10:23 GMT+7

VHO- Đời sống văn học, nghệ thuật (VHNT) đang vận động hết sức phong phú, đa dạng, trong đó xuất hiện những biểu hiện lệch lạc, rất cần tới vai trò định hướng của công tác phê bình. Đã đến lúc lý luận phê bình cần "dấn thân" hơn nữa, đồng hành cùng sáng tác, góp phần định hướng cho công chúng trong việc thưởng thức nghệ thuật.

Tọa đàm đã ghi nhận nhiều ý kiến trao đổi thẳng thắn, phân tích về những hạn chế, yếu kém của hoạt động lý luận phê bình VHNT hiện nay

 Công tác lý luận phê bình VHNT không những không phát triển mà ngày càng đi theo chiều hướng nghiệp dư hóa.

Khoảng trống hụt hẫng

Mới đây, tại Tọa đàm khoa học với chủ đề Đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay: Thực trạng và định hướng phát triển do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức, rất nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu lý luận, phê bình VHNT và văn nghệ sĩ đã thẳng thắn trao đổi, phân tích về những hạn chế, yếu kém của hoạt động này hiện nay.

Trong bài tham luận gần 20 trang, PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương đã chỉ ra các hạn chế, yếu kém lạc hậu của công tác nghiên cứu lý luận VHNT: “Báo chí văn nghệ đang thiếu các nhà phê bình chuyên nghiệp, nếu có thì rụt rè, lảng tránh... Phần lớn các cán bộ lãnh đạo, biên tập viên chuyên trang, chuyên mục văn hóa, văn nghệ của các báo, đài chưa có chuyên môn lý luận, phê bình văn nghệ, nhưng dưới sức ép của “thương mại hóa” lại liên tục có bài đánh giá thiếu khách quan, công tâm, thậm chí “o bế” các cây bút cực đoan, PR cho các sản phẩm văn nghệ rẻ tiền...”.

Cùng quan điểm này, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân thừa nhận, số lượng hội viên nghiên cứu âm nhạc chỉ khoảng 100 người (trên 1.000 hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam). Việc ngại “dấn thân” vào đời sống âm nhạc của các nhà lý luận tạo thành một khoảng trống lớn, tồn tại nhiều năm nay. Trong khi các nhà lý luận phê bình âm nhạc chuyên nghiệp “ngủ quên” trên tháp ngà nghiên cứu thì các nhà báo đã trở thành lực lượng chính, thường trực “gánh vác” đời sống âm nhạc. Từ đây dẫn đến hiện tượng phiến diện, đôi khi lệch lạc, bình luận âm nhạc trở thành bài giới thiệu, quảng bá như tô hồng, đánh bóng tên tuổi hoặc khai thác chi tiết scandal, đời tư của một vài nhân vật mà tài năng chưa xứng với những lời khen ngợi “có cánh”, làm nhiễu loạn hệ giá trị tác phẩm trong công chúng.

Tại cuộc Tọa đàm, đại diện của các Hội VHNT trực thuộc Trung ương và địa phương đã phân tích những mặt trái của sự phát triển trên từng lĩnh vực VHNT có liên quan đến sự yếu ớt và vắng bóng của lý luận, phê bình. TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch VDFA, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương cho rằng, các nhà lý luận, phê bình điện ảnh "ngủ quên" và bị bỏ quên khiến cho xu hướng thương mại hóa các giá trị của điện ảnh, trong đó có tư tưởng, thẩm mỹ và nghệ thuật, ngày càng trầm trọng, kéo theo sự lệch chuẩn, đánh mất đi định hướng phát triển.

 Nhà lý luận phê bình khó “sống bằng nghề”

Kinh tế thị trường phát triển quá nhanh và sôi động, mở ra cơ hội việc làm nhiều hơn cho những người có chuyên môn, được đào tạo bài bản trong khối văn hóa, văn nghệ. Trong khi đó, chế độ nhuận bút, thù lao cho những bài phê bình, kể cả cuốn sách về lý luận, phê bình, nghiên cứu về văn học, nghệ thuật không đủ để người viết “sống bằng nghề” và nuôi dưỡng “dũng khí” dám nói, dám viết, không ngại va chạm, dám “sinh nghề tử nghiệp”. Vì vậy, ít người chọn nghề lý luận, phê bình và khó thủy chung với nghề này.

Ngay ở khâu đào tạo, rất ít người muốn học để làm nhà lý luận, phê bình (thực tế là khoảng hơn chục năm trở lại đây, khoa lý luận, phê bình ở nhiều trường đại học không có hoặc có rất ít thí sinh đăng ký. Do đó, ở một số trường, mã ngành này đã bị xóa sổ. Sự “khô đạo” với văn chương, khát vọng lập nghiệp, hành nghề chuyên môn chưa cao... là thực tế khó phủ nhận.

(PGS.TS NGUYỄN THẾ KỶ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương)

Nghề không lương (?!)

Có phần ngậm ngùi, Nhà lý luận, phê bình chuyên về mỹ thuật Phan Cẩm Thượng chia sẻ: “Người làm công tác phê bình không kiếm được tiền, không có nguồn nào để họ có thể sống bằng nghề. Tôi và nhiều nhà phê bình mỹ thuật hiện nay được gọi là “nhà phê bình” nhưng thực tế chúng tôi sống bằng vẽ tranh, bán tranh. 40 năm gắn bó với nghiệp viết phê bình mỹ thuật không lương, cứ viết và cống hiến vì cái tâm với nghề mà thôi, tự thấy chúng tôi là “tấm gương xấu” cho các sinh viên được đào tạo chuyên ngành phê bình VHNT vì họ nhìn thấy tương lai theo ngành này sẽ không có lương và khó sống!”.

Một số sách lý luận phê bình văn học nghệ thuật

Chia sẻ với Văn Hóa, các nhà lý luận phê bình sân khấu như TS Phạm Duy Khuê, PGS.TS Trần Trí Trắc đều không khỏi “cám cảnh” khi nói rằng họ rất muốn đi xem vở diễn mới nhưng chẳng được tạo điều kiện. Mua vé đi xem ư? Chí ít mất 200.000 đồng! Đi lại đêm hôm, tiền nhuận bút của báo chí cho một bài phê bình trên tờ tạp chí chuyên ngành cũng chỉ 200.000 đồng, thậm chí ít hơn... Thử hỏi ai dễ bỏ tiền đi xem? Không lẽ cứ phải trực tiếp tới từng đơn vị sân khấu để “ngửa tay” xin vé? Vở diễn mới không được mời đã đành, các cuộc liên hoan, hội diễn quy tụ đủ các thành phần tiêu biểu của giới sân khấu cũng vắng bóng những nhà lý luận phê bình sân khấu?!

Một nhà chuyên môn “giấu tên” thổ lộ: “Không lẽ bạn mình, chiến hữu của mình ra mắt phim hay vở diễn mới mời mình đi xem, mà lại “chơi” bạn bằng một bài chê trên mặt báo hay sao?”. Vậy là người ta đành ve vuốt nhau trên công luận, còn chê thì dành cho những buổi trao đổi nội bộ, “trà dư tửu hậu”. Chỉ vì một bài báo mà mất quan hệ với cả một tập thể sáng tạo tác phẩm thì không phải nhà lý luận phê bình nào cũng dám làm. Được biết, khi Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đặt vấn đề thành lập Chi hội lý luận phê bình sân khấu, có dư luận lại cho rằng tập hợp như vậy để có nhận định chung, để tránh đối đầu trực diện, để “ẩn danh” bằng ý kiến tập thể. Tới nước này thì còn đâu danh hiệu nhà lý luận phê bình - niềm tự hào nghề nghiệp nữa?

Đội ngũ lý luận phê bình VHNT mũ ni che tai với đời sống VHNT khi thiếu vắng những bài viết lý luận phê bình chuyên nghiệp của người có đào sâu, nghiên cứu. Việc khen, chê, phản ánh tác phẩm VHNT chủ yếu là bài viết của các phóng viên theo dõi mảng VHNT chạy theo sự kiện và viết theo thông cáo báo chí đã được soạn sẵn. Đó là lý do không ít những bộ phim, vở diễn kém chất lượng nhưng lại được các báo đồng loạt khen theo “phong trào” và theo cách quảng cáo trá hình, khiến độc giả cảm thấy không còn tin tưởng vào lời khen, tiếng chê của các bài báo viết về văn nghệ nữa...

Nhìn vào thực trạng nhiều năm nay trong đời sống VHNT, có cảm giác chung rằng: Phê bình VHNT hiện nay đang bàng quan, né tránh, manh mún và không theo kịp thực tiễn sáng tạo. Đó là lý do phê bình báo chí đang lấn át phê bình hàn lâm. Hoạt động lý luận phê bình dường như đánh mất vai trò tiên phong ở hầu hết các lĩnh vực VHNT. Các bài viết chỉ đơn thuần theo kiểu phản ánh thông tin, giới thiệu chương trình nghệ thuật, vở diễn, điểm sách nhạt nhẽo, thiếu thuyết phục… 

 Không lẽ bạn mình, chiến hữu của mình ra mắt phim hay vở diễn mới mời mình đi xem, mà lại “chơi” bạn bằng một bài chê trên mặt báo hay sao? Vậy là người ta đành ve vuốt nhau trên công luận, còn chê thì dành ở những buổi trao đổi nội bộ, “trà dư tửu hậu”. Chỉ vì một bài báo mà mất quan hệ với cả một tập thể sáng tạo tác phẩm thì không phải nhà lý luận phê bình nào cũng dám làm. Được biết, khi Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đặt vấn đề thành lập Chi hội lý luận phê bình sân khấu, có dư luận cho rằng, tập hợp như vậy để có nhận định chung, để tránh đối đầu trực diện, để “ẩn danh” bằng ý kiến tập thể. Tới nước này thì còn đâu danh hiệu “nhà lý luận phê bình” - niềm tự hào nghề nghiệp nữa?

 

THÚY HIỀN

(Còn nữa)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top