Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Thủ tướng: Văn hóa là nền tảng vững chắc của truyền thống yêu nước, nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển bền vững

Chủ Nhật 28/05/2023 | 11:00 GMT+7

VHO – Thủ tướng nhấn mạnh lịch sử, văn hóa là nền tảng vững chắc của truyền thống yêu nước, cội nguồn của sức mạnh dân tộc, nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cắt băng khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp Bảo tàng tỉnh Hà Giang

Sáng 28.5, trong chương trình công tác tại tỉnh Hà Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp Bảo tàng tỉnh Hà Giang.

Cùng tham dự sự kiện có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ TN&MT, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang Đặng Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Hà Giang.

Phát biểu tại Lễ khánh thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Đảng ta xác định xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội. 

Thời gian qua, chúng ta đã tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa và tổ chức kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam theo nguyên tắc phát triển văn hóa "dân tộc, khoa học, đại chúng". Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh văn hóa là hồn cốt của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn.

Theo Thủ tướng, phát triển văn hóa cũng chính là để góp phần củng cố quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Mặt khác, Đảng ta cũng xác định phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nhằm phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, góp phần thực hiện khát vọng phát triển Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Thủ tướng cho rằng, ngành công nghiệp văn hóa cần được phát triển theo hướng chuyên nghiệp, thương mại, phù hợp với bản sắc dân tộc.

Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị tỉnh Hà Giang trong việc triển khai công trình cải tạo, nâng cấp Bảo tàng tỉnh, góp phần thực hiện các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước ta về phát triển văn hóa, có ý nghĩa lớn về phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục chính trị - tư tưởng, truyền thống văn hóa - lịch sử, truyền thống yêu nước cho nhân dân.

Thủ tướng nhấn mạnh lịch sử, văn hóa là nền tảng vững chắc của truyền thống yêu nước, cội nguồn của sức mạnh dân tộc, nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển bền vững. Trong đó, bảo tàng là nơi lưu giữ và trao truyền lịch sử, văn hóa của dân tộc, phục vụ nhu cầu nghiên cứu khoa học, học tập, giảng dạy, phổ biến tri thức, là nơi sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa của công chúng.

Thủ tướng và các đại biểu tham quan các không gian trưng bày của bảo tàng

Để Bảo tàng Hà Giang thực sự phát huy được ý nghĩa, giá trị và hiệu quả trong lưu giữ, quảng bá và trao truyền lịch sử, văn hóa hào hùng, đáng tự hào của Hà Giang nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hà Giang bảo quản, trưng bày, giới thiệu tốt các hiện vật hiện có, đồng thời sưu tầm, bổ sung các hiện vật có giá trị liên quan đến lịch sử, văn hóa của tỉnh, tăng cường hoạt động quảng bá, giới thiệu về Bảo tàng tỉnh, nhất là trên môi trường số.

Cùng với đó, Hà Giang tiếp tục quan tâm đầu tư để hoàn thiện và không ngừng cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ hiện đại trong lưu giữ, giới thiệu hiện vật để tăng cường trải nghiệm và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách; thường xuyên tổ chức các hoạt động, sự kiện trưng bày, các sự kiện văn hóa tại Bảo tàng... Thủ tướng mong muốn và tin tưởng Bảo tàng Hà Giang sẽ phát triển bền vững, bao trùm, bản sắc, hiệu quả.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nêu rõ: Hà Giang là vùng đất có lịch sử lâu đời, giàu truyền thống văn hóa, gắn liền với những chặng đường lịch sử trọng đại của đất nước, có vị trí địa chính trị trọng yếu, là phên giậu của Tổ quốc. Để Bảo tàng tỉnh đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả, không chỉ là nơi đón tiếp, quảng bá, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách mà còn phục vụ nhiệm vụ giáo dục truyền thống cho các thế hệ, nuôi dưỡng, khơi dậy tình yêu, lòng tự hào đối với quê hương, đất nước, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở VHTTDL, UBND thành phố Hà Giang và các cấp, ngành chủ động triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức đa dạng các hoạt động, sự kiện, dịch vụ; tiếp tục sưu tầm hiện vật, tổ chức các sự kiện trưng bày chuyên đề, các sự kiện văn hóa; tăng cường hoạt động trải nghiệm, để bảo tàng tỉnh thực sự sinh động, lôi cuốn, hấp dẫn. Tăng cường kết nối bảo tàng với trường học, tổ chức các đoàn học sinh, sinh viên đến học tập, tham gia trải nghiệm tại bảo tàng. Xây dựng tuyến đi bộ kết nối Bảo tàng tỉnh đến Km0, Quảng trường 26.3, đập dâng nước, các điểm tham quan... tạo thành sản phẩm du lịch phục vụ du khách dừng chân tại thành phố Hà Giang. Tăng cường hoạt động quảng bá, giới thiệu hình ảnh, hoạt động của Bảo tàng trên các nền tảng công nghệ số; đưa Bảo tàng tỉnh trở thành một địa chỉ đỏ về quảng bá, giới thiệu hình ảnh, lan tỏa giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo riêng có của tỉnh.

Bảo tàng tỉnh Hà Giang nằm bên bờ sông Lô, gần cầu Yên Biên 1 (đường Trần Hưng Đạo, tổ 5, phường Nguyễn Trãi, TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang). Dự án cải tạo, nâng cấp nhà Bảo tàng tỉnh được khởi công từ năm 2020với diện tích khoảng 4.100 m2 do Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ tháng 12.2020 với tổng vốn đầu tư hơn 106 tỉ đồng.

Bảo tàng được thiết kế, xây dựng theo hướng thông minh, kết hợp hài hòa giữa các hiện vật truyền thống với công nghệ trình chiếu hiện đại. Tổng thể Bảo tàng tạo thành một không gian mở, hiện đại, nhưng vẫn giữ nguyên những giá trị, bản sắc đặc trưng của Hà Giang. Nhờ đó, người dân và du khách đến thăm có thể trải nghiệm toàn cảnh bức tranh về Hà Giang ngay cả khi chưa khám phá trực tiếp từng địa điểm trên bản đồ du lịch của tỉnh. Không gian trưng bày của Bảo tàng tỉnh được tư vấn thiết kế gồm 1 gian khánh tiết và 5 không gian trưng bày theo kịch bản được xây dựng dựa trên tiến trình thời gian, không gian gồm: cư dân Hà Giang theo dòng lịch sử; bảo vệ Tổ quốc và an ninh biên giới; văn hóa đa dạng; ba vùng sinh thái và xây dựng cuộc sống mới. 

Theo Quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh Hà Giang, Bảo tàng tỉnh là điểm đầu tiên của khách tham quan với nhiệm vụ giới thiệu, quảng bá nhằm phát huy những giá trị văn hóa lịch sử, khoa học đến cộng đồng. Bảo tàng cũng là một trong những thiết chế văn hóa quan trọng của tỉnh có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của 19 dân tộc anh em, góp phần giáo dục truyền thống, phổ biến tri thức về lịch sử, văn hóa cho cộng đồng. Đây là công trình văn hóa, lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần gìn giữ, bảo tồn, quảng bá, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của đồng bào, nhân dân các dân tộc Hà Giang.

KIM TIẾN – DUY TUẤN – TÙNG QUANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top