Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Nâng cao chất lượng đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới

Thứ Sáu 26/05/2023 | 15:32 GMT+7

VHO- Sáng 26.5, Hội đồng Lý luận, phê bình, văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay: Thực trạng và định hướng phát triển”. Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ; Phó trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Trần Thanh Lâm; Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam, PGS,.TS Đỗ Hồng Quân đồng chủ trì Tọa đàm.

Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ phát biểu đề dẫn 

Tại cuộc Tọa đàm, các đại biểu đã bàn về các chủ đề, nội dung liên quan mật thiết về vấn đề xây dựng và phát triển đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật (VHNT) hiện nay. Theo PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương: Cần có những giải pháp thực chất khắc phục tình trạng lực lượng phê bình trẻ, kế cận còn thưa thớt; có kế hoạch điều chỉnh sự phân bố đội ngũ lý luận, phê bình ở các loại hình văn học, nghệ thuật thiếu hợp lý (văn học thì nhiều, các chuyên ngành khác thì quá ít). Ông cho rằng trong quá trình khẩn trương thể chế hóa 7 giải pháp của Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X) cần bổ sung cơ chế, chính sách ưu đãi đối với hoạt động phê bình VHNT, chú trọng đổi mới căn bản,toàn diện công tác đào tạo đội ngũ lý luận. phê bình VHNT; tăng cường lãnh đạo quản lý hoạt động tuyên truyền văn nghệ và phê bình VHNT trên hệ thống báo chí, truyền thông và trong hoạt động xuất bản. 

Toàn cảnh cuộc Tọa đàm

Từ thực tiễn lý luận phê bình âm nhạc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân thừa nhận số lượng hội viên nghiên cứu âm nhạc chỉ khoảng 100 trên hơn 1.000 hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Việc ngại “dấn thân” vào đời sống âm nhạc của các nhà lý luận tạo thành một khoảng trống lớn, tồn tại nhiều năm nay. Trong khi các nhà lý luận phê bình âm nhạc chuyên nghiệp “ngủ quên” trên tháp ngà nghiên cứu thì các nhà báo đã trở thành lực lượng chính, thường trực “gánh vác” trong đời sống âm nhạc. Từ đây đẫn đến những hiện tượng phiến diện, đôi khi lệch lạc, bình luận âm nhạc trở thành bài giới thiệu, quảng bá như tô hồng, PR, đánh bóng tên tuổi hoặc khai thác chi tiết scandal, đời tư của một vài nhân vật mà tài năng chưa xứng với những lời khen ngợi “có cánh” làm nhiễu loạn hệ giá trị tác phẩm trong công chúng.

Các đại biểu tham dự tọa đàm thẳng thắn đóng góp ý kiến phong phú đa dạng, sát thực tiễn để xây dựng, phát triển đội ngũ lý luận, phê bình VHNT một cách toàn diện, khoa học cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu loại hình, có tài năng, bản lĩnh, trách nhiệm. Đặc biệt tập trung nêu các giải pháp liên quan đến chế độ, chính sách, hành lang pháp lý cho hoạt động lý luận, phê bình VHNT; cải tiến chế độ lương, nhuận bút, đãi ngộ tài năng, bồi dưỡng chuyên môn…

Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam, PGS.TS nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phát biểu tại Tọa đàm

Chia sẻ với các đại biểu tại Tọa đàm, Vụ trưởng Vụ đào tạo PGS, TS Lê Anh Tuấn cho biết Bộ VHTTDL đã nắm rất rõ thực trạng và những bất cập, hạn chế trong công tác phát  triển đội ngũ lý luận, phê bình VHNT Việt Nam hiện nay, đặc biệt là trong công tác đào tạo. Các cơ sở đào tạo có chuyên ngành đào tạo lý luận phê bình trong lĩnh vực VHNT đều gặp khó khăn ngay từ khâu tuyển sinh đầu vào, có những lĩnh vực phải dừng tuyển sinh vì không có thí sinh đăng ký.

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, Bộ VHTTDL đã và đang xây dựng các nghị định quy định về đào tạo đặc thù đối với các lĩnh vực VHNT, đặc biệt trong đó có tới công tác đào tạo tuyển sinh và chế độ, chính sách cho đội ngũ lý luận, phê bình VHNT như đã triển khai, đưa các ngành về lý luận phê bình nghệ thuật vào danh mục đặt hàng đào tạo các ngành hiếm, khó tuyển gồm nhóm ngành văn hóa- văn học, nhóm ngành mỹ thuật, nhóm ngành nghệ thuật trình diễn. Bộ cũng đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Xây dựng đội ngũ trí thức ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2030”, Dự thảo Nghị định quy định về đào tạo các ngành nghề chuyên sâu đặc thù lĩnh vực nghệ thuật nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt trong công tác đào tạo nghệ thuật trong đó có chuyên ngành lý luận phê bình. Tháng 5.2023, Thủ tướng Chính phủ vừa kí Quyết định Phê duyệt Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023 – 2025 trong đó có đào tạo, bồi dưỡng 100 chuyên gia, cán bộ chuyên môn về biên kịch, lý luận và phê bình, giám tuyển, giám định thuộc các lĩnh vực điện ảnh, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn và về giám định cổ vật.... Bộ cũng đang chỉ đạo cho Cục Nghệ thuật biểu diễn xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về chế độ, chính sách cho văn nghệ sĩ...

Nếu các văn bản quy phạm pháp luật, các đề án được triển khai thực hiện, PGS.TS Lê Anh Tuấn khẳng định sẽ từng bước giải quyết những vấn đề cơ bản trong đời sống VHNT, đặc biệt là phát triển đội ngũ lý luận phê bình nói riêng. Tuy nhiên, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, cơ quan quản lý nhà nước rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, các cơ sở đào tạo, các đơn vị sử dụng nhân lực... Đầu tư đúng mức các nguồn lực, nhất là chế độ, chính sách lương, phụ cấp, nhuận bút, thù lao…cho hoạt động lý luận, phê bình VHNT, trong đó có chế độ ưu đãi cho đội ngũ lý luận, phê bình VHNT nước nhà.

Vụ trưởng Vụ đào tạo PGS, TS Lê Anh Tuấn phát biểu tại Tọa đàm

Đánh giá tổng kết, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, Tọa đàm đã nêu rõ những ưu điểm đó là đội ngũ lý luận, phê bình VHNT hiện nay có sự phát triển nhất định về số lượng và chất lượng. Trong đó, khu vực có số lượng và chất lượng nhân sự cao nhất là ở các trường đại học, học viện và một số cơ quan nghiên cứu, lý luận văn hóa, văn nghệ ở trung ương. Những lợi thế về trình độ văn hóa, trình độ ngoại ngữ và sự nhạy bén trong tư duy và thao tác khoa học… đã giúp họ có những bứt phá và tự tin khi đi vào từng không gian VHNT và từng đối tượng cụ thể. Đội ngũ này đang dần khắc phục được tình trạng thiếu về số lượng và yếu về chất lượng của lực lượng làm lý luận, phê bình. Mặt khác, những năm gần đây, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ, trong đó có đội ngũ lý luận, phê bình VHNT, đã có bước phát triển cả về quy mô, loại hình, mạng lưới. Phương thức, quy chế đào tạo ở các ngành VHNT có nhiều chuyển biến tích cực.

Bên cạnh những ưu điểm thì các tham luận cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập cụ thể, đặc biệt  các cây bút lý luận, phê bình hiện nay còn có những hạn chế về lý luận và thực tiễn, đặc biệt là phương pháp tiếp cận tác phẩm, dẫn tới tư duy đơn điệu, sáo mòn, thậm chí có hiện tượng lệch lạc về lý thuyết. Lực lượng làm công tác lý luận, phê bình VHNT ở nước ta hiện nay dù có nhiều thế hệ nhưng không tập hợp thành một lực lượng nghề nghiệp mà còn tồn tại khá lẻ tẻ, rời rạc, không có sự gắn kết, hỗ trợ nhau trong hoạt động nghề nghiệp, tính nghiệp dư ở một số người còn khá rõ. Phần lớn người làm lý luận, phê bình ở nước ta hiện nay đều là “nghề tay trái”, họ có thể tham gia hoặc không tham gia vào công tác lý luận, phê bình như một trách nhiệm xã hội, như một niềm đam mê. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu những chuẩn mực, có lúc xa rời các tiêu chí chân-thiện-mỹ trong khi đánh giá tác phẩm.

Tọa đàm các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình VHNT, các nhà lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ; các văn nghệ sĩ công tác ở nhiều cơ quan trung ương, địa phương

Về định hướng và giải pháp phát triển đội ngũ lý luận, phê bình VHNT, các tham luận và ý kiến phát biểu tại Tọa đàm đều thống nhất cho rằng việc định hướng, đề ra giải pháp và nội dung cần thiết để xây dựng và phát huy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ lý luận, phê bình VHNT góp phần xây dựng nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, dân chủ và nhân văn là vô cùng quan trọng. Từ đó, các ý kiến đề xuất tập trung vào một số các định hướng cơ bản như: nâng cao trình độ chuyên môn về lý luận, phê bình; khuyến khích và tạo điều kiện cho đội ngũ lý luận, phê bình phát huy tài năng, tâm huyết của mình; xây dựng và phát triển các hội, câu lạc bộ, các diễn đàn học thuật, các tổ chức chuyên môn liên quan đến lý luận, phê bình VHNT; thúc đẩy nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực lý luận, phê bình VHNT. 

Để hiện thực hóa các định hướng đó, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản như: chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình VHNT, nhất là ở các loại hình, các địa phương, các khu vực còn thiếu về lực lượng, yếu về chất lượng. Tạo các sân chơi, cuộc thi, giải thưởng để khuyến khích đội ngũ lý luận, phê bình sáng tạo; tăng cường việc liên kết giữa đội ngũ lý luận, phê bình với các tổ chức văn hóa, nghệ thuật; tạo diễn đàn phê bình tranh luận dân chủ, nhân văn; hỗ trợ cho đội ngũ lý luận, phê bình tiếp cận với các tài liệu nghiên cứu, các lý thuyết mới, phù hợp trên thế giới, tham gia vào các hoạt động trao đổi văn hóa, nghệ thuật quốc tế; xây dựng môi trường làm việc cởi mở, sáng tạo; chọn lọc và tiếp thu có hệ thống các lý thuyết phê bình hiện đại; đổi mới cơ chế đào tạo ngành lý luận, phê bình; đổi mới hệ thống chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy theo hướng toàn diện, chuyên nghiệp, hiện đại; phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài lý luận, phê bình VHNT để có được đội ngũ vừa có lý luận vững chắc, vừa có kỹ năng phê bình bản lĩnh, sáng tạo; tập trung xây dựng hệ thống giáo trình lý luận, phê bình VHNT phù hợp với thực tiễn vận động của đời sống VHNT; có chính sách ưu tiên trong tuyển sinh, đào tạo, sử dụng đội ngũ, giải quyết đầu ra cho sinh viên ngành lý luận, phê bình VHNT; tăng cường giáo dục, rèn luyện văn hoá phê bình, đạo đức nghề nghiệp và ý thức trách nhiệm của nhà nghiên cứu, phê bình văn học, nghệ thuật, khắc phục mọi biểu hiện phi văn hoá trong hoạt động phê bình; tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương với Ban lý luận, phê bình hoặc Hội đồng Lý luận, phê bình.

THÚY HIỀN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top