Đừng thờ ơ trước dấu hiệu trẻ bị bắt nạt

VHO- Những cuộc cãi vã, xô xát nhỏ dễ bị nhầm lẫn với va chạm, mâu thuẫn thường ngày của học sinh, thanh thiếu niên. Do đó, nhiều khi hành vi bạo lực này dễ bị bỏ qua hoặc giải quyết không thấu đáo, dẫn đến những hành vi bắt nạt nghiêm trọng kéo dài, gây hậu quả khó lường…

Đừng thờ ơ trước dấu hiệu trẻ bị bắt nạt - Anh 1

 Bắt nạt học đường ở tuổi thanh thiếu niên có thể gây trầm cảm trong tương lai (Bác sĩ của Viện Sức khỏe tâm thần khám bệnh cho bệnh nhân) Ảnh: ĐỖ HẰNG

 Con về kể bị bắt nạt, mẹ vô tình bỏ qua

Từ nhỏ, cháu V.V.A (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã có tính cách hiền lành, nhút nhát. Không chỉ ở nhà, mà khi lớn lên đi học, cháu cũng gặp khó khăn khi hòa nhập với môi trường mới. Biết vậy, chị H.T.T mẹ cháu thường động viên và khuyến khích cháu làm quen với nhiều bạn, nhưng cháu vẫn không được bằng bạn bè.

Chị T chia sẻ, có một sự việc mà chị ân hận mãi. Đó là năm V.A bước vào lớp 6, năm đầu tiên của cấp THCS nên cháu còn bỡ ngỡ. Dịp Trung thu, cô trò thi bày cỗ, tổ của con chị cũng đoạt giải thưởng bằng tiền mặt. Các bạn trong tổ quyết định chia đều tiền thường cho mỗi người… trừ cháu V.A. Buổi tối, kể điều này với mẹ, con chị tỏ ra buồn bã, xen sự lo lắng vì sợ mẹ mắng. “Con được các bạn giao mang 2 lồng đèn để trang trí, còn các bạn mang bánh kẹo. Nhưng khi chia tiền, các bạn bảo 2 lồng đèn ít quá nên không được chia thưởng”, cháu V.A nói. Nghe con nói, chị T cũng bày tỏ bức xúc với hành vi của các bạn không công bằng với con, đồng thời, động viên con đó là số tiền nhỏ, không đáng phải băn khoăn… Sau đó, chị phản ánh việc này với Ban Phụ huynh, nhưng không có phản hồi nên chị bỏ qua vì nghĩ rằng đó là chuyện trẻ con, cũng không muốn phiền đến cô giáo.

Chỉ đến khi con chị tiếp tục bị các bạn trêu trọc và buộc cháu phản kháng lại, chị T mới kể lại với cô chủ nhiệm. “Cư xử của các bạn học sinh hoàn toàn không thể chấp nhận được, đáng ra chị phải báo ngay cho giáo viên để kịp thời chấn chỉnh”, cô giáo phân tích.

Trong buổi cung cấp thông tin cho báo chí ngày 22.5 tại Bệnh viện Bạch Mai về vấn nạn bắt nạt học đường, bác sĩ Lê Công Thiện, Trưởng phòng Tâm thần Nhi, Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, nhiều trẻ em bị bắt nạt ở trường nhưng đôi khi cha mẹ coi đó là chuyện con nít nên không để tâm; hoặc khi học sinh phản ánh với thầy cô giáo nhưng thầy cô cũng coi đây là vấn đề nhỏ. Chính vì sự thờ ơ, không đánh giá thông tin khi tiếp nhận đã vô tình khiến các em không có chỗ chia sẻ, kêu cứu và gây ra hậu quả đáng tiếc.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phòng Sức khỏe tâm thần trẻ em và thanh thiếu niên, việc xô xát, mâu thuẫn bốc đồng ở học sinh thường là những hành vi bột phát, giữa hai đối tượng tương đương nhau. Còn bắt nạt là việc sử dụng vũ lực, ép buộc, trêu chọc, đe dọa, cố ý phá hủy tài sản, lạm dụng, bắt nạt được lặp đi lặp lại của người được cho là mạnh mẽ, quyền lực hơn về thể chất hoặc gia đình, kinh tế, xã hội. “Nạn bắt nạt có thể diễn ra theo nhóm và để lại hậu quả nặng nề cả thể chất và tinh thần cho nạn nhân, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi đi học. Nó tác động ngắn hạn và dài hạn ngay cả với cá nhân bị bắt nạt cũng như người ngoài cuộc khi chứng kiến”, bác sĩ Hoàng Yến cho hay.

Đừng thờ ơ trước dấu hiệu trẻ bị bắt nạt - Anh 2

 Tình trạng bạo lực học đường gia tăng trong thời gian qua Ảnh: INTERNET

Hệ quả của bắt nạt học đường

Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai thời gian qua đã tiếp nhận nhiều học sinh có ý tưởng tự sát, trầm cảm hoặc buồn chán, bi quan, giảm các hoạt động hằng ngày sau khi bị bạo lực, bắt nạt học đường.

BS Đỗ Thùy Dung, Phòng Sức khỏe tâm thần trẻ em và thanh thiếu niên, Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, Phòng vừa mới tiếp nhận nữ sinh B.T.D (14 tuổi, Bắc Ninh) có hành vi tự hủy hoại bản thân và ý định tự sát. Theo chia sẻ của gia đình nữ sinh, em là học sinh giỏi, trầm tính, ít nói và cũng ít bạn bè. Thỉnh thoảng em có mâu thuẫn với mẹ và cho rằng mẹ không hiểu, không quan tâm nên càng ít chia sẻ chuyện trên lớp với gia đình.

Khoảng một năm nay, bệnh nhân có căng thẳng với một nhóm bạn nữ trong lớp. Các bạn hay nói mỉa mai chê bai về ngoại hình, nói xấu rằng em chảnh, khinh người và hay nhìn đểu… Nhóm bạn nữ này thường hay đe dọa, xúc phạm, có lúc cầm vở tát vào mặt D trong lớp học hoặc giờ ra chơi. Thỉnh thoảng khi tan học, nhóm bạn có chặn bên ngoài trường để gây căng thẳng, có lúc đánh D. Em D bị dọa: Nếu mách giáo viên hoặc bố mẹ sẽ bị đánh nhiều hơn, nên không dám báo cáo. Em đã có lần nói qua với mẹ về việc gặp một vài vấn đề với bạn trên lớp (không nói cụ thể bị bắt nạt) nhưng mẹ em cho rằng đó là việc trẻ con, tuổi học trò nên bảo con tự giải quyết.

“Khoảng 2 tuần trước khi vào viện, bệnh nhân tự ý nghỉ học hẳn, chỉ ở trong phòng khóc lóc, suy nghĩ tiêu cực, bi quan, không muốn sống, có ý nghĩ tự sát và rạch tay để đỡ căng thẳng. Mẹ bệnh nhân thấy con sa sút nên có quan tâm, gặng hỏi nhưng bệnh nhân không chia sẻ gì, chỉ trả lời gắt gỏng, nhát gừng. Gia đình lo lắng nên đưa con đi khám và được nhập viện”, bác sĩ Dung chia sẻ.

Bắt nạt học đường đã trở thành nỗi ám ảnh tuổi thơ của nhiều trẻ em, một số em bị sang chấn tâm lý sau khi bị bạo lực và nó đeo đẳng đến tận khi lớn lên. Theo Viện Sức khỏe Tâm thần, trung bình một tháng, Viện tiếp nhận 3-4 học sinh bị bắt nạt đến khám, thường đông vào dịp hè hoặc đầu năm học. “Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, hành vi bắt nạt liên quan đến nguy cơ gia tăng ý định tự tử hoặc nỗ lực tự tử. Bên cạnh đó, lạm dụng và lệ thuộc vào rượu, thuốc lá và ma túy ở người có liên quan đến việc bị bắt nạt khi còn nhỏ cao hơn so với những người không thông báo việc bị bắt nạt”, bác sĩ Hoàng Yến chia sẻ.

Tuy nhiên, một thực tế là nhiều học sinh bị bắt nạt nhưng không nói với cha mẹ, thầy cô giáo. Lý giải việc này, bác sĩ Yến cho biết, ở lứa tuổi thanh thiếu niên, các em đang muốn chứng tỏ mình, muốn tự giải quyết bằng khả năng của mình. Các em sợ rằng, nếu nói ra sẽ bị các bạn cho là yếu đuối, không giải quyết được vấn đề của mình. “Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, thanh thiếu niên bị bắt nạt có lòng tự trọng thấp, cảm thấy chán nản, lo lắng và cô đơn. Những cá nhân từng bị bắt nạt không chỉ có mức độ trầm cảm và ý định tự tử cao hơn, mà còn gia tăng cảm xúc đau khổ, thái độ thù địch bên ngoài và nguy cơ thực hiện hành vi phạm pháp so với những người không bị bắt nạt”, bác sĩ Yến nói.

Do đó, khi phát hiện trẻ bị đánh, cha mẹ, thầy cô cần có kỹ năng để phân biệt hành vi đó chỉ là xô xát hay bắt nạt, nếu hành vi đó lặp đi lặp lại nhiều lần, giữa người to khỏe hơn với người yếu thế hơn thì phải tìm hiểu kỹ để biết trẻ đang ở tình trạng nào. Từ đó có cách giải quyết phù hợp, ngăn chặn hậu quả xấu xảy ra. Các bác sĩ cũng đặc biệt cảnh báo đến vai trò của giáo viên chủ nhiệm và nhà trường. Khi có thông tin về bạo lực, cần có bộ phận chuyên môn tiếp nhận và có kỹ năng xử lý thông tin đó. Đặc biệt, sử dụng mạng lưới của các học sinh như lớp trưởng, tổ trưởng để tìm hiểu, đánh giá. “Bất cứ thông tin nào cũng có giá trị, chúng ta không thể thờ ơ trước thông tin của các con”, bác sĩ Lê Công Thiện nhấn mạnh. 

 Hà Nội chỉ đạo kiểm tra, xử lý vụ việc nữ sinh bị đánh hội đồng

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản gửi Sở GD&ĐT TP yêu cầu chủ trì phối hợp với UBND huyện Ứng Hòa và các đơn vị liên quan kiểm tra làm rõ sự việc báo chí phản ánh một nữ sinh lớp 8 bị đánh hội đồng; đề nghị xử lý nghiêm nếu có hành vi vi phạm và báo cáo UBND TP trước ngày 24.5.

Trước đó, ngày 19.5, trên mạng xã hội xuất hiện clip một nữ sinh bị 4-5 học sinh khác lao vào hành hung, túm tóc, đập đầu vào bàn học. Điều đáng nói, khi có một nam sinh vào can ngăn thì những học sinh trên tiếp tục lao vào đánh nam sinh này.

Theo chia sẻ từ người thân nạn nhân, nữ sinh bị hành hung trong vụ việc hiện đang học lớp 8 tại Trường THCS Minh Đức (huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội). Đây không phải lần đầu tiên nữ sinh này bị đánh. “Gia đình đã hỏi về lý do con bị bạn đánh, con nói bị bạn ngồi phía sau trêu chọc và con thưa cô giáo. Từ hôm đó trở đi, các bạn đã rủ nhau đánh con nhà em vào những lúc giờ ra chơi”, người thân nữ sinh chia sẻ. Gia đình cũng cho biết, sau khi video hành hung nữ sinh lan truyền trên Facebook thì người nhà mới phát hiện ra. N.KHANG

 THÙY DƯƠNG

Ý kiến bạn đọc