Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

TP.HCM: Quảng bá thương hiệu văn hoá du lịch “Trên bến dưới thuyền”

Thứ Ba 23/05/2023 | 14:17 GMT+7

VHO - Xác định du lịch văn hóa là một trong những sản phẩm chủ lực nên những năm gần đây, TP.HCM tích cực triển khai Chương trình “Mỗi quận, huyện một sản phẩm đặc trưng” dựa trên bản sắc của mỗi địa phương.

Gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống sông nước giữa lòng đô thị hiện đại qua chợ Hoa Xuân “Trên bến dưới thuyền”

Theo đó, chợ Hoa Xuân “Trên bến dưới thuyền” diễn ra ở khu vực bến Bình Đông do UBND quận 8 nỗ lực phục dựng đã trở thành thương hiệu văn hóa du lịch hấp dẫn, thu hút hàng triệu du khách trong nước và quốc tế tham quan mỗi dịp Tết đến, xuân về. Để gìn giữ, bảo tồn và quảng bá giá trị văn hóa đặc trưng “Trên bến dưới thuyền”, UBND quận 8 đã triển khai nhiều giải pháp cấp thiết, trong đó có việc lập hồ sơ đăng ký bản quyền và tham gia Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM lần thứ 3 năm 2023.

Theo UBND quận 8, bến Bình Đông men theo dòng kênh Tàu Hủ chính thức được hình thành từ thế kỷ XIX. Nơi đây từng là khu vực sầm uất, tấp nập ghe thuyền đến kinh doanh, buôn bán nhất nhì khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn. Theo đó, giá trị văn hóa đặc trưng của khu vực này chính là hình ảnh “Trên bến dưới thuyền”. Trong sách Lịch sử khẩn hoang miền Nam của Nhà văn Sơn Nam cũng miêu tả: “Dòng sông sâu rộng, ghe thuyền đậu dài 10 dặm, theo hai con nước lên, nước ròng thuyền bè qua lại chèo chống ca hát, ngày đêm tấp nập, làm chỗ đô hội lưu thông khắp ngả thật là tiện lợi”. Ghe thuyền không chỉ là phương tiện di chuyển, chuyên chở mà còn là nhà ở, là nơi sinh sống của người dân. Cuộc sống trên sông, ghe thuyền là nhà, bến bãi là nơi mua bán, những đặc tính này đã tạo nên cả một nét văn hóa đặc trưng của người miền Nam và Tây Nam Bộ chứ không chỉ là một cảnh quan trên bến, dưới thuyền đơn thuần.

Hình ảnh “Trên bến dưới thuyền” ngày càng được đông đảo người dân và khách du lịch biết đến mỗi độ Tết đến, xuân về

Theo thời gian, hình ảnh “Trên bến dưới thuyền” bị mai một và bị lãng quên dần. Để khôi phục lại các hoạt động giao thương hàng hóa, tái hiện khu vực kinh doanh sầm uất tại bến Bình Đông, chính quyền sở tại lên ý tưởng tổ chức chợ Hoa Xuân từ năm 1995 đến nay nhằm tạo địa điểm cho thương nhân, nhà vườn các tỉnh miền Tây đến trưng bày, bán hoa kiểng, trái cây chưng Tết cho người dân địa phương và du khách.

Du khách quốc tế trải nghiệm tại chợ Hoa Xuân “Trên bến dưới thuyền” ở bến Bình Đông

Phó Chủ tịch UBND quận 8 Nguyễn Thị Thu Hoa chia sẻ, thời gian đầu, chợ Hoa Xuân chỉ tổ chức trên tuyến đường bến Bình Đông thuộc phường 13 với khoảng 50 điểm kinh doanh cùng với trên dưới 20 thương nhân, nhà vườn đến mua bán. Sau đó mở rộng qua địa bàn phường 14, đến nay thu hút khoảng 700 điểm kinh doanh cùng với trên dưới 500 thương nhân, nhà vườn đến từ các tỉnh miền Tây như Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp… tham gia giao thương. Qua đây, đưa bến Bình Đông thành một miền Tây sông nước thu nhỏ, lưu giữ nguyên vẹn những nét đẹp văn hóa sống động, mang giá trị truyền thống riêng có giữa lòng của đô thị Sài Gòn hiện đại.  Tạo nên thương hiệu văn hóa du lịch “Trên bến dưới thuyền” đặc sắc, cứ vào khoảng 15 tháng Chạp âm lịch hằng năm, ghe thuyền từ các tỉnh miền Tây sẽ chở hoa trái về đây, tổ chức họp chợ trên bờ kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, ven đường Bến Bình Đông để phục vụ Tết Nguyên đán đầy màu sắc, góp thêm nét đẹp văn hóa Tết xưa của TP.HCM. Hàng năm thu hút hơn 1 triệu lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm và mua sắm.

Quảng bá thương hiệu văn hoá du lịch “Trên bến dưới thuyền” ở bến Bình Đông

Theo bà Hoa, trên địa bàn TP.HCM chỉ có duy nhất chợ Hoa Xuân bến Bình Đông là có ghe, thuyền chở hoa kiểng, trái cây từ các tỉnh miền Tây đến trưng bày và kinh doanh. Những năm gần đây, nhất là từ khi có sự đầu tư của UBND TP.HCM, chính quyền địa phương đã xây dựng các cụm tiểu cảnh, duy trì biểu diễn đờn ca tài tử trên sông, phố ông đồ… nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, giải trí của công chúng. Ngoài hoạt động của chợ Hoa Xuân “Trên bến dưới thuyền”, quận 8 còn tổ chức Tuần lễ trái cây “Trên bến dưới thuyền” vào thời điểm cuối tháng 4, đầu tháng 5 âm lịch (Tết đoan ngọ) để thu hút khách du lịch đến với địa phương. 

Chính quyền địa phương đang tiếp tục đầu tư, mở rộng các hoạt động văn hóa du lịch nhằm thu hút du khách

Bà Hoa nhấn mạnh, tiềm năng phát triển du lịch tại khu vực bến Bình Đông với thương hiệu “Trên bến dưới thuyền” là rất lớn, do đó quận 8 sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư, mở rộng các hoạt động văn hóa du lịch cả về chất lượng và số lượng nhằm vừa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang hướng thương mại - dịch vụ, vừa góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của miền sông nước giữa lòng đô thị hiện đại.

HOÀNG HẢI

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top