Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Bế mạc Cuộc thi Tài năng diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2023: Khẳng định giá trị của nghệ thuật sân khấu truyền thống

Thứ Sáu 12/05/2023 | 10:21 GMT+7

VHO- Sau 5 ngày diễn ra sôi nổi tại TP Thanh Hóa, Cuộc thi Tài năng diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2023 do Bộ VHTTDL giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở VHTTDL Thanh Hóa và các đơn vị liên quan tổ chức với sự tham gia của 38 diễn viên thuộc 11 đơn vị nghệ thuật đã chính thức khép lại. Lễ bế mạc và trao giải diễn ra chiều qua 11.5 tại Nhà hát Lam Sơn (TP Thanh Hóa).

 Ban chỉ đạo, Ban tổ chức, Hội đồng giám khảo chụp ảnh cùng các thí sinh đoạt giải

 Dự Lễ bế mạc có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông (Trưởng ban chỉ đạo Cuộc thi); Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa Đào Xuân Yên; Chủ tịch Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thúy Mùi...

Không “hào phóng” như những cuộc thi trước

Đánh giá về nghệ thuật Tuồng với các trích đoạn tham gia gồm cả truyền thống và hiện đại, BTC cho biết, các đơn vị đã đầu tư khá kỹ về chất lượng nghệ thuật. Nhiều trích đoạn truyền thống như Kim Lân quan đèo, Nữ tướng Đào Tam Xuân, Chung Vô Diệm, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo; Mộc Quế Anh dâng cây…; Tuồng hiện đại có 2 trích đoạn là Bà Tư Lành Đông Nhật (vở Người cáo). Các trích đoạn tham gia cuộc thi đều được khai thác dựa trên các yếu tố tự sự, kịch tính, tự tình để làm cơ sở cho nghệ sĩ biểu diễn phát huy những yếu tố cơ bản: Thanh - sắc - thục - tinh - khí - thần… trong các trích đoạn dự thi.

Cuộc thi không giới hạn độ tuổi, vì thế một số nghệ sĩ đã có nhiều năm trải nghiệm trong nghề lại có cơ hội học tập, rèn luyện kỹ năng, có thêm kinh nghiệm biểu diễn nên các phần trình diễn đạt chất lượng cao kể cả ở những trích đoạn về tuồng hiện đại vốn không phải là thế mạnh của tuồng. Cùng với đó, cuộc thi cũng xuất hiện nhiều nghệ sĩ tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng được Hội đồng Giám khảo đánh giá cao về chất lượng biểu diễn trong tiết mục tham gia dự thi.

Về Dân ca kịch, cuộc thi lần này có 2 loại hình tham gia là Bài Chòi và Dân ca kịch Huế. Với số lượng áp đảo, Bài Chòi chiếm 90% số lượng đăng ký, gồm các trích đoạn về đề tài lịch sử như: Bùi Thị Xuân hồi triều; Chế Mân trong Độc dược....; đề tài hiện đại có Trong góc khuất; Một mạng người; Nỗi đau tình mẹ; Chuyện bên dòng sông Thu… Dân ca kịch Huế có một trích đoạn là Viên đạn súng kíp dành cho 2 nghệ sĩ đăng ký. Nếu trong các trích đoạn Tuồng, những nhân vật truyền thống như Tướng, Đào, Lão, Kép, Mụ… theo một mô hình, khuôn mẫu từ hóa trang, y phục cho tới nghệ thuật biểu diễn thì ở Dân ca kịch, nhân vật trên sân khấu là ở cuộc sống đời thường (dù là đề tài lịch sử) vẫn được tự do sáng tạo, không bị một quy định nào gò bó…

Có thể thấy, bản thân các Nhà hát, các đơn vị nghệ thuật đã tự tiết chế, không hào phóng lựa chọn số lượng mà tuyển chọn những trích đoạn có chất lượng nhất đến Cuộc thi. Tuy nhiên, bên cạnh những ghi nhận về chất lượng của nhiều chương trình và trích đoạn thì Hội đồng giám khảo cũng cho rằng vẫn có một số đơn vị chưa thực sự đầu tư nâng cao chất lượng nghệ thuật, khi làm lại các trích đoạn đã sơ sài, không biết làm mới trích đoạn. Nhiều tiết mục lựa chọn trùng nhau như Đào Tam Xuân có tới 5 diễn viên cùng đăng ký. Có những trích đoạn không nhiều đất diễn cho nhân vật chính; thời gian không đủ để diễn viên phô diễn tài năng. Nhiều nghệ sĩ chỉ quan tâm tới kỹ thuật hát múa mà quên mất tình huống, hoàn cảnh nhân vật đang diễn ra, làm mất đi sự truyền cảm trong lớp diễn.

 Trích đoạn “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” của Nhà hát Tuồng Việt Nam mang về giải xuất sắc cho người hướng dẫn ca diễn là NSƯT Nguyễn Thị Lộc Huyền và giải nhất cho nghệ sĩ thể hiện Nguyễn Thị Thanh Phương

Sân khấu phải có tài năng và diễn viên là trung tâm

Trên thực tế, cuộc thi nào cũng cam go, nhất là cuộc thi tài năng sân khấu. Ai đi thi cũng muốn có thành tích, nhưng muốn có thành tích phải có đầu tư cả thời gian và sự khổ luyện. Cuộc thi lần này có nhiều thí sinh trẻ, đó là điều đáng mừng, nhưng về chất lượng, một số em mới dừng lại ở mức thuộc bài, để vươn tới tài năng sân khấu đòi hỏi phải được đào tạo nhiều hơn nữa. Chúng ta đang đứng trước một hiện trạng là sự cạnh tranh khốc liệt trong cơ chế thị trường, sự bùng nổ của công nghệ thông tin khiến khán giả xa dần sân khấu. Vì vậy, muốn có khán giả, sân khấu phải đổi mới cách nghĩ, cách làm, có chất lượng nghệ thuật, có tài năng, có nhiều ngôi sao... Muốn vậy, các nhà chỉ đạo nghệ thuật phải chăm lo đến các tài năng sân khấu nhiều hơn nữa, không vì những tấm huy chương cho một vài cá nhân mà quên đi chất lượng, giá trị của nghệ thuật và để mất khán giả. Sân khấu phải có tài năng và diễn viên chính là trung tâm. Vì vậy, việc tổ chức thi tài năng sân khấu là việc làm có ý nghĩa của Bộ VHTTDL và Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Trao đổi với Văn Hóa, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Trần Ly Ly chia sẻ: “Bảo tồn và phát huy di sản là nhiệm vụ then chốt của chiến lược phát triển văn hóa, trong đó có các loại hình nghệ thuật kịch hát dân tộc như Chèo, Tuồng, Dân ca kịch. Vì vậy, các tỉnh, thành phố cần có chế độ chính sách đặc thù phù hợp để nuôi dưỡng, phát triển văn hóa phi vật thể, chính là người nghệ sĩ. Trước mắt, phải có cơ chế cho phép ký hợp đồng với các diễn viên trẻ có tài để tạo nguồn lực cho sự phát triển. Hiện nay, có một số địa phương đã chủ động làm rất tốt khi đưa ra các chính sách ưu đãi cho các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật, đây chính là mô hình hay để địa phương khác nhìn vào và áp dụng cho phù hợp với thực tế. Đơn cử như TP.HCM đã xây dựng Đề án Chiến lược phát triển ngành văn hóa đến năm 2030, có xác định mục tiêu nâng cao chất lượng các trường đào tạo VHNT, có kế hoạch đưa các năng khiếu, tài năng VHNT ra đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài. Việc sáp nhập các loại hình nghệ thuật cần phải có quy hoạch và phù hợp với từng địa phương để tránh mất đi tính chuyên nghiệp và bảo tồn được loại hình nghệ thuật dân tộc tiêu biểu mỗi vùng miền”.

Cuộc thi Tài năng diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2023 là cơ hội để các diễn viên thể hiện sự đam mê nghề nghiệp, phô diễn tài năng cũng như khát khao sáng tạo, cống hiến, nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê với nghề nghiệp mà nhiều thế hệ nghệ sĩ đi trước đã gây dựng nên. Đây cũng là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước quản lý ghi nhận và vinh danh các diễn viên tài năng nghệ thuật truyền thống, phát hiện tài năng nghệ thuật để động viên, khích lệ các nghệ sĩ diễn viên có nhiều đóng góp cho sự nghiệp nghệ thuật truyền thống trong những năm qua. Đồng thời, là cơ hội để khán giả xứ Thanh và du khách được sống trong không khí của nghệ thuật Tuồng và Dân ca kịch với các tài năng nghệ thuật tiêu biểu.

Kết quả chung cuộc, BTC đã trao 1 giải xuất sắc cho NSƯT Thanh Trang - người dàn dựng trích đoạn có sáng tạo, đạt hiệu quả cao với trích đoạn Bà Tư Lành (do diễn viên Huỳnh Thị Anh Thi của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM thể hiện); 1 giải xuất sắc cho NSƯT Nguyễn Thị Lộc Huyền - người hướng dẫn ca diễn trong trích đoạn Hồ Nguyệt Cô hóa cáo (do diễn viên Nguyễn Thị Thanh Phương của Nhà hát Tuồng Việt Nam thể hiện). Cùng với đó, 8 nghệ sĩ được trao giải nhất là: Nguyễn Thái Phiên (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định), Nguyễn ThịThanh Phương (Nhà hát Tuồng Việt Nam), Huỳnh Thị Anh Thi (Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP.HCM), Nguyễn Cộng Hòa (Nhàhát Nghệthuật truyền thống Thanh Hóa), Huỳnh ThịThúy Thỏa, Dương ThịMến (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa), Nguyễn ThịHồng Nhung (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế), Bùi Thị Thu Hương (Đoàn Ca kịch Quảng Nam) và 9 nghệ sĩ được trao giải nhì của cuộc thi. 

 Chúng ta đang đứng trước một hiện trạng là sự cạnh tranh khốc liệt trong cơ chế thị trường, sự bùng nổ của công nghệ thông tin khiến khán giả xa dần sân khấu. Vì vậy, muốn có khán giả, sân khấu phải đổi mới cách nghĩ, cách làm, có chất lượng nghệ thuật, có tài năng, có nhiều ngôi sao... Muốn vậy, các nhà chỉ đạo nghệ thuật phải chăm lo đến các tài năng sân khấu nhiều hơn nữa, không vì những tấm huy chương cho một vài cá nhân mà quên đi chất lượng, giá trị của nghệ thuật và để mất khán giả. Sân khấu phải có tài năng và diễn viên chính là trung tâm. Vì vậy, việc tổ chức thi tài năng sân khấu là việc làm có ý nghĩa của Bộ VHTTDL và Cục Nghệ thuật biểu diễn.

 ĐÀO ANH - NGUYỄN LINH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top