Phim tài liệu âm nhạc: “Sức sống”​​​​​​​ sau màn ảnh

VHO- Chỉ sau một tuần ra rạp, bộ phim Người giữ thời gian của ca sĩ Mỹ Tâm đã chạm mốc doanh thu 12 tỉ đồng. Có thể nói, đây là con số ấn tượng với dòng phim tài liệu về âm nhạc - thể loại còn khá mới mẻ trên màn ảnh rộng Việt, nhất là khi địa hạt này vẫn còn ít ỏi những bước chân tiên phong.

Phim tài liệu âm nhạc: “Sức sống”​​​​​​​ sau màn ảnh - Anh 1

 

Bộ phim “Người giữ thời gian” của ca sĩ Mỹ Tâm thu về 12 tỉ sau 7 ngày ra rạp

Mảnh đất đầy tiềm năng

Trên thế giới, bên cạnh việc nở rộ dòng phim tiểu sử thì các tác phẩm tài liệu âm nhạc đình đám đã chinh phục nhiều giải thưởng điện ảnh danh giá, chứng tỏ xu hướng làm phim gắn với các hoạt động của các nghệ sĩ vẫn đang rất thịnh hành và có giá trị vẹn nguyên. Một số tác phẩm gây chú ý thời gian gần đây có thể kể đến: All of That Voices kể về chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới năm 2022 của Louis Tomlinson (thành viên nhóm nhạc nam One Direction); The Velvet Underground về ban nhạc Psychedelic trong thập niên 60 của thế kỷ trước; Miss Americana về công chúa nhạc đồng quê Taylor Swift…

Ở Việt Nam, phim tài liệu về nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng không phải là hiếm, nhưng chủ yếu tập trung vào những tên tuổi gạo cội, có nhiều cống hiến và thường phát trên màn ảnh nhỏ với mục đích tri ân. Riêng với phim tài liệu về những nghệ sĩ trẻ và đưa ra rạp bán vé như một tác phẩm điện ảnh thì vẫn còn khá lạ lẫm. Thống kê đến nay, số phim tài liệu ca nhạc chiếu rạp “made in Vietnam” chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cụ thể, năm 2017, Chuyện ngày hôm qua khắc họa chân dung ban nhạc Bức Tường là dấu mốc đầu tiên của thể loại này trên màn ảnh rộng Việt Nam, tuy nhiên phim chỉ phát hành theo dạng gây quỹ từ thiện. Phát súng mở màn thực sự phải thuộc về Sơn Tùng M-TP vào năm 2020, với bộ phim Sky tour ghi lại hậu trường chuyến lưu diễn cùng tên. Sau khoảng 2 tuần trụ rạp, Sky tour thu về gần 10 tỉ đồng doanh thu, một con số khá khả quan với dòng phim này ở thời điểm đó. Tiếp sau, ca sĩ Hồ Ngọc Hà cho ra mắt bộ phim Rồi một ngày Hà nói về tình yêu, với hậu trường dự án âm nhạc Love songs 2020 cùng câu chuyện cuộc sống thường ngày của cô. Tương tự, phim Màu cỏ úa của đạo diễn Lan Nguyên đã khắc họa chân dung nhạc sĩ Trần Tiến từ khi là người lính trẻ yêu văn nghệ cho đến lúc trở thành nhạc sĩ lãng tử, hóm hỉnh nhưng nhiều ưu tư, với chất lượng chuyên môn điện ảnh khá tốt. Tuy vậy, hiệu ứng thương mại của Màu cỏ úa vẫn chưa hiệu quả dù được giới làm phim đánh giá cao.

Đến đầu tháng 4 năm nay, khi ca sĩ Mỹ Tâm trình làng Người giữ thời gian, phim tài liệu âm nhạc tiếp tục khuấy đảo phòng vé một lần nữa. Bộ phim gây chú ý khi ghi lại quá trình Mỹ Tâm cùng ê kíp chuẩn bị cho 2 đêm diễn Tri âm ở TP.HCM vào năm 2021 và Hà Nội năm 2022. Đây cũng là lần đầu nữ ca sĩ chia sẻ với khán giả về quãng thời gian đầy khó khăn khi liveshow bị gián đoạn vì dịch bệnh Covid-19, cùng những trải lòng về chuyện tình yêu. Bên cạnh đó, hành trình 20 năm sự nghiệp của “họa mi tóc nâu” cũng được tái dựng với sự biết ơn, trân trọng tình cảm mà khán giả dành cho. Sau một tuần khởi chiếu, Người giữ thời gian đã thu về gần 12 tỉ đồng, dù con số vẫn đang tăng mạnh nhưng ê kíp quyết định rút khỏi rạp và dùng toàn bộ doanh thu để làm từ thiện. So với những phim điện ảnh chạm mốc trăm tỉ như hiện nay, con số này vẫn còn khiêm tốn, nhưng với dòng phim tài liệu ca nhạc thì doanh thu của Sơn Tùng hay Mỹ Tâm là con số đáng mơ ước. Thậm chí, nếu đặt lên bàn cân với một số phim điện ảnh khác thì doanh thu này vẫn vượt xa và có nhiều cơ hội phát triển hơn trong tương lai.

Chất lượng vẫn là điều tiên quyết

Với phim tài liệu, màn ảnh rộng Việt đã “chào đón” những tác phẩm xuất sắc như: Lửa Thiện Nhân, Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Đoạn trường vinh hoa hay mới đây nhất là Những đứa trẻ trong sương… Còn với địa hạt phim tài liệu âm nhạc, rõ ràng đây vẫn còn là vùng đất mới. Trong khi đó, làng nhạc Việt vẫn còn rất nhiều tên tuổi nổi bật để có thể thực hiện những phim tài liệu âm nhạc đắt giá, đặc biệt, khi đông đảo người hâm mộ đã và đang mong chờ những câu chuyện phía sau hậu trường của nghệ sĩ mà mình yêu thích. Điều này dễ dàng nhận thấy khi những nghệ sĩ đông “fan” như Sơn Tùng, Hồ Ngọc Hà, Mỹ Tâm… không khó để kéo khán giả đến rạp.

So với phim truyện, dạng phim tài liệu dễ làm hơn vì nó không cần quá nhiều diễn xuất, hư cấu mà chủ yếu ghi nhận người thật, việc thật. Tuy nhiên, dòng phim này sẽ có những góc máy đa dạng để có thể lột tả được hết những gì đang hiện hữu. Việc của đạo diễn là làm sao kết nối với các nhân vật để tạo nên bộ phim giàu chất điện ảnh, nêu bật được cá tính của họ mà không sa đà vào kiểu đánh bóng. Có thể thấy, sự góp sức qua bàn tay “nhào nặn” của đạo diễn ở dòng phim này là không hề nhỏ. Tiềm năng càng mở rộng hơn khi số tiền đầu tư được coi là “dễ thở”, bởi đa số nghệ sĩ hiện nay đều lưu trữ tư liệu cá nhân trong hành trình làm nghề của mình. Tuy nhiên, vì còn mới mẻ nên ngoài những người hâm mộ thì việc thu hút khán giả đại chúng ra rạp là không hề dễ dàng. Bên cạnh đó, chất tài liệu và điện ảnh vẫn khá lép vế so với chất âm nhạc, khiến bộ phim trở nên y hệt như một MV hậu trường kéo dài. Và để thể loại này góp nhiều hơn giá trị cho điện ảnh Việt, phim không nên chỉ dừng lại ở mức kết nối với người hâm mộ hoặc làm kỷ niệm đơn thuần cho nghệ sĩ, mà xa hơn nữa, phải mang đến những thông điệp có giá trị. Suy cho cùng, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, muốn phim tài liệu âm nhạc khẳng định vị thế, hấp dẫn với khán giả đại chúng thì chất lượng vẫn là điều tiên quyết.

Rõ ràng, phim tài liệu trong dòng chảy điện ảnh Việt vẫn là “món ăn” kén khán giả. Chính vì vậy, việc một tác phẩm tài liệu giữ được sức hút khi ra rạp là điều rất đáng mừng. Nhìn vào thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay, nguồn tư liệu cho dòng phim này vẫn còn rất phong phú, có nhiều khả năng để khai thác sâu, lâu dài và mang lại nhiều giá trị cho nền điện ảnh nước nhà. 

 THẢO MY

Ý kiến bạn đọc