Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Chuyện nhà ở thôn quê

Thứ Hai 08/05/2023 | 10:37 GMT+7

VHO- Hôm rồi giới kiến trúc sư (KTS) tổ chức kỷ niệm Ngày thành lập Hội của mình, gắn với kỷ niệm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Đoàn Kiến trúc sư nhân hội nghị họp tại Chiến khu Việt Bắc (27.4.1948), bằng một cuộc Hội thảo với chủ đề “Vai trò kiến trúc trong phát triển bền vững Văn hóa - Kinh tế - Xã hội”, được tổ chức tại một công trình kiến trúc rất hiện đại và đẹp mắt ở cửa ngõ làng Gốm cổ Bát Tràng, Hà Nội.

Một kỷ yếu in đẹp, nhiều bài viết và tham luận hay không chỉ đi sâu vào thành tựu mà cố gắng tìm hồn cốt và con đường phát triển cho kiến trúc Việt Nam trong thời Đổi mới và Hội nhập ngày càng sâu rộng với kiến trúc thế giới…

 Tôi có gửi một bài tham luận được in trong kỷ yếu và được mời phát biểu trong phần thảo luận nên chỉ trình bày một cách ngắn gọn.

Chỉ có điều, trong ngày vui này mà nói đến cái chưa làm được, tựa như một món nợ của giới KTS thì e hơi bất nhã. Nhưng lòng nghĩ đúng là như vậy nên vẫn phát biểu. Đại ý là, bức thư của Cụ Hồ, một người Việt Nam hiếm hoi từ đầu thế kỷ trước được dịch chuyển rất nhiều nơi ở trong nước và thế giới nên đã tiếp cận với rất nhiều nền kiến trúc đa dạng và đỉnh cao nên ý thức được nhu cầu phát triển đất nước không thể không quan tâm đến không gian sống, trong đó có ngôi nhà của người dân và vai trò của KTS.

Đoàn KTS theo Cụ Hồ đi kháng chiến tổ chức hội nghề khi đó mới có 8 người đều được đào tạo trong nhà trường của Pháp nên năng lực liên quan đến kiến trúc đô thị đã thành thục, e rằng có thể ít quan tâm đến một đối tượng xã hội lớn, cũng là một không gian sống rất rộng lớn là thôn quê và người nông dân... Vì vậy, bức thư của Cụ Hồ rất ngắn gọn nhưng đề cập đến những vấn đề cơ bản và có giá trị lâu dài: 1. Ở (cũng như đi lại, ăn và mặc) là một việc “rất quan hệ” (được hiểu là quan trọng); 2. Mong Hội nghị (tức là giới KTS) đi tới những kế hoạch thiết thực với tình thế hiện tại và những chương trình kiến thiết hợp với tương lai…”. 3. Bức thư kết thúc bằng sự bày tỏ: “Tôi mong Hội nghị chú trọng đặc biệt tới VẤN ĐỀ NHÀ Ở THÔN QUÊ, tìm ra những kiểu nhà giản dị và cao ráo, sáng sủa và rẻ tiền”.

Chiến tranh không chỉ tàn phá các đô thị (trong đó có cả chủ trương tự tiêu thổ để kháng chiến) mà nông thôn đã nghèo lại càng bị kiệt quệ, đã chịu đựng bom đạn, càn quét lại còn thường xuyên gặp bão lũ… Chiến tranh cũng cho thấy người nông dân đóng góp và hy sinh mất mát nhiều nhất nhưng thường dễ bị bỏ quên. Mà thường bị bỏ quên thật… Cụ Hồ viết thư nhưng không quên điều mình đã viết, nên mới hòa bình (1954) chưa được bao lâu, khi đất nước còn bị chia cắt, Cụ Hồ đã bàn đến việc làm cách nào để cho dân ở thôn quê có được ngôi nhà. Tháng 9.1959, Cụ Hồ kêu gọi “Tết Trồng cây” để chuẩn bị cho kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng Lao động Việt Nam (6.1.1960) và bước vào kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1960-1965). Đến nay khi nói đến “Tết Trồng cây” người ta mới chỉ nghĩ đến vấn đề của thời đại và toàn cầu là cải thiện môi trường sinh thái. Nhưng thực ra hồi đó, Cụ Hồ còn nghĩ đến việc trồng cây lấy gỗ làm nhà cho nông dân. Từ tháng 5, tức là trước 4 tháng viết bài kêu gọi “cả nước trồng cây” thì Cụ Hồ đã viết bài nhắc nhở “nông dân phải trồng cây chuẩn bị làm nhà”. Rồi trong nhiều bài tiếp theo Cụ Hồ đưa ra những bài tính rất cụ thể, như nếu 14 triệu dân miền Bắc trong 5 năm mỗi người, mỗi nhà trồng mấy cây xoan, lại thêm một bụi tre… thì có thể đáp ứng căn bản vật liệu cho người nông dân làm lại hay sửa sang ngôi nhà của mình v.v…

Năm 1965, cũng gắn với Tết trồng cây, lần đầu tiên Cụ Hồ nói đến khái niệm “Nông thôn mới” với nội hàm rõ ràng “việc đầu tiên của nông thôn mới là xây dựng nhà ở (của người nông dân) cho đàng hoàng”.

Vậy mà đến nay, chúng ta kỷ niệm 75 năm ngày ra đời bức thư ấy, nói rất nhiều đến các đô thị đã và đang phát triển mạnh mẽ, đưa ra rất nhiều các thiết kế, giải thưởng được cho là thành công với các công trình hoành tráng ở đô thị hay khu công nghiệp... Cũng nói đến một vài công trình “dính” đến nông thôn như trường học, nhà trẻ, nhà sinh hoạt cộng đồng…, nhưng chưa thấy nói đến những mẫu nhà cho số đông người dân ở nông thôn, cho cả người nghèo và người khá giả hơn (trong đó có cả miền núi hay vùng sâu vùng xa) tương xứng với tầm mức như Cụ Hồ đã nhắc nhở và gửi gắm.

Cái trông thấy và phổ biến là số đông không gian rộng lớn ở nông thôn đang bị cơn lốc đô thị hóa cuốn hút và người dân hoàn toàn tự phát trong việc xây dựng. Ở nông thôn ngày nay có những người giàu lên nhưng cũng chính sự giàu có này đôi khi lại phá hủy cảnh quan của nông thôn bởi những “kiến trúc trọc phú” hay quá xa lạ với hồn cốt của làng quê phát triển lành mạnh… Nông thôn mới chỉ quan tâm đến các công trình công cộng như “điện, đường, trường, trạm” (đương nhiên là những nhân tố tích cực) nhưng “cái nhà ở thôn quê” hình như chưa được giới chuyên môn quan tâm hỗ trợ cho người nông dân… được ứng dụng, lựa chọn những mẫu hình, thành tựu nghiên cứu gắn với công việc quy hoạch và quản lý để “ngôi nhà ở thôn quê” vẫn giữ được hồn cốt truyền thống mà còn hiện đại, tiện nghi… 

DƯƠNG TRUNG QUỐC

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top