Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

"Ballet Kiều": Nghệ thuật ballet kinh điển với nghệ thuật truyền thống Việt

Thứ Hai 08/05/2023 | 09:00 GMT+7

VHO - Chuyển thể từ tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, vở Ballet Kiều của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM (HBSO) sẽ biểu diễn trở lại vào 20h ngày 13 và 14.5 tại Nhà hát Thành phố. 

NSƯT Trần Hoàng Yến trong vai Thúy Kiều, NSƯT Hồ Phi Điệp vai Từ Hải

Kịch bản của Ballet Kiều được chuyển thể và tổng đạo diễn bởi nghệ sĩ Tuyết Minh. Nghệ sĩ Tuyết Minh và nghệ sĩ Nguyễn Phúc Hùng cùng dàn dựng và biên đạo múa cho toàn bộ tác phẩm. Chỉ đạo nghệ thuật NSND Chu Thúy Quỳnh và PGS.TS.NSND Ứng Duy Thịnh. Đây là một trong những vở diễn thành công nhất của HBSO, sự kết hợp tuyệt vời giữa những thành tựu nghệ thuật ballet kinh điển của thế giới với những giá trị tinh hoa của nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

Biên đạo múa Tuyết Minh chia sẻ: “Khi chọn ballet để dàn dựng trước hết phải hình thành phong cách xuyên suốt của kết cấu ngôn ngữ múa, khi mà diễn viên nữ phải thể hiện trên giày mũi cứng, và diễn viên nam phải thể hiện được những kỹ thuật nền tảng của cổ điển châu Âu có nghĩa tiêu chí kỹ thuật, kỹ xảo phải đạt được niêm luật của bộ môn múa Ballet, mặt khác để thể hiện được tâm hồn Việt, khắc họa được những nét tính cách nhân vật điển hình thì các diễn viên phải thấm đẫm văn hóa Phương Đông, cốt cách, tinh thần và bản sắc văn hóa của người Việt nên mỗi cử chỉ, động tác hay tổ hợp múa đều phải chắt lọc, đều phải có thủ pháp mang tính sáng tạo cao thì mới đủ chuyển tải hết tinh, khí, thần của các lớp diễn”.

Theo biên đạo múa Nguyễn Phúc Hùng, “Với những người làm nghề như chúng tôi, đây là dịp để gửi gắm, trình làng những hoài bão, khám phá nghề nghiệp tới khán giả cũng như anh em đồng nghiệp trong cả nước, cùng khích lệ tinh thần học hỏi và sáng tạo nghệ thuật”.

Ballet Kiều không lựa chọn kể lại toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Du mà dẫn dắt khán giả qua những hành trình đầy hạnh phúc ngọt ngào cùng những đắng cay, thách thức tột cùng của nàng Kiều. Bên cạnh đó còn thể hiện xuất sắc những nội tâm phức tạp của phụ nữ đương thời qua các nhân vật khác như Hoạn Thư, Đạm Tiên… Vở ballet sử dụng một số hiệu ứng sân khấu đặc biệt về ánh sáng, Hologame và trình diễn trên cao mở rộng không gian và gây ấn tượng mạnh về thị giác. 

Âm nhạc của tác phẩm cũng là một điểm nhấn đặc biệt bởi sự kết hợp bởi hai phong cách rất khác nhau của nhạc sĩ nổi tiếng Vũ Việt Anh và nghệ sĩ Chinh Ba. Theo nghệ sĩ Tuyết Minh, “Với sự định hướng ngay từ đầu âm nhạc phải được chắt lọc, hòa quyện giữa khúc thức của giao hưởng mang âm hưởng ca trù, hát xẩm, âm nhạc truyền thống Tuồng và làn điệu Dân ca gắn với những nhạc cụ dân tộc như đàn nguyệt, thập lục, trống…, phần nhạc viết cho những đại cảnh, trữ tình do nhạc sĩ Việt Anh viết theo khúc thức cho dàn nhạc giao hưởng, còn những phân đoạn thể hiện nét tính cách, sự biến được nhạc sĩ Chinh Ba phát triển trên những nét âm nhạc truyền thống rất phá cách, sự tương phản trong âm nhạc giúp cho chúng tôi có rất nhiều cảm xúc khi biên đạo và diễn viên có đất để thể hiện nghệ thuật biểu diễn, tạo phong cách, cá tính riêng cho mỗi vai diễn”.

Âm nhạc của nhạc sĩ Việt Anh mang âm hưởng châu Âu đa tầng, đa diện, có phong cách hòa thanh hiện đại, mới mẻ, sử dụng những âm hưởng dàn nhạc, hiệu quả trong những đại cảnh và diễn tả nội tâm. Việt Anh rất nổi tiếng với những sáng tác cho ca khúc, nhiều ca khúc được biết đến rộng rãi như: Dòng sông lơ đãng, Không còn mùa thu, Hoa có vàng nơi ấy… 

Nghệ sĩ Chinh Ba mang đến không gian âm nhạc hoàn toàn khác, ấn tượng mạnh bởi khai thác những âm thanh vocal hòa trộn cùng nhạc cụ truyền thống, không dựa trên điệu thức châu Âu. Những âm thanh đột ngột, gần như vô điệu tính hòa quyện những âm hưởng nhạc cụ truyền thống xuất hiện trong những phân khúc kịch tính, lột tả những tính cách dữ dội sẽ mang lại những cảm xúc đặc biệt tới người thưởng thức

Ballet Kiều được chuyển thể từ truyện thơ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, một kiệt tác trong văn học Việt Nam, một trong số những tác phẩm nổi tiếng nhất của Việt Nam được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. 

allet Kiều gồm 15 cảnh: Du Xuân, Hai ả tố nga, Bóng ma Đạm Tiên, Kiều gặp Kim Trọng, Gia biến, Bạch My thần, Hồng nhan bạc mệnh, Sóng khuynh thành, Ghen Hoạn Thư, Quan Âm Các, Duyên cưỡi Rồng, Đoạn trường và Đường Tịnh Hóa. Đó là những sắc thái tâm lý khác nhau, sự tiếp nối và tương phản của các bức tranh khác nhau làm lên sự lôi cuốn, hấp dẫn và bất ngờ qua từng khoảnh khắc. Một hành trình khát khao đi tìm hạnh phúc, khát khao sự tự do và công bằng cho con người, đặt trong bối cảnh ngang trái, éo le của xã hội đương thời đã làm nổi bật lên những giá trị nhân văn sâu sắc, qua hệ tư tưởng của triết lý phương Đông về nhân sinh và cội nguồn của bản thể con người.

Ballet Kiều ra mắt khán giả lần đầu vào tháng 6.2020 và đạt được thành công ngoài mong đợi. Với những thành tựu xuất sắc, tác phẩm đã trở thành một trong ba tác phẩm đoạt giải Xuất sắc, giải thưởng cao nhất trong Liên hoan Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2022.

Các nghệ sĩ tham gia biểu diễn: NSƯT Trần Hoàng Yến (Thúy Kiều), NSƯT Hồ Phi Điệp (Từ Hải), NSƯT Đàm Đức Nhuận (Kim Trọng), Đỗ Hoàng Khang Ninh (Thúy Vân), Phan Thái Bình (Sở Khanh), Nguyễn Thu Trang (Hoạn Thư), Hà Ôn  Kim Tuyền (Đạm Tiên), Nguyễn Minh Tâm (Đạm Tiên 2 và Sư Giác Duyên), Đặng Minh Hiền (Thúc Sinh), Sùng A Lùng (Tú Bà), Nguyễn Lương Hòa (Người dẫn chuyện và Cha Thúy Kiều), cùng tập thể nghệ sĩ Đoàn múa HBSO.

T.TRANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top