Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Cần mạnh tay xử lý hành vi lệch chuẩn của KOLs trên không gian mạng

Chủ Nhật 30/04/2023 | 18:03 GMT+7

VHO- Sau nhiều động thái tích cực của nhiều bộ, ngành, những ứng xử xấu xí, đặc biệt là ứng xử thiếu văn minh của người nổi tiếng, (KOLs) và nghệ sĩ trên không gian mạng vẫn đang là vấn đề nhức nhối.

Chúng tôi đã có dịp trò chuyện cùng PGS.TS Bùi Hoài Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, hiện là Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội nhằm làm rõ hơn thực trạng này cũng như đưa ra giải pháp hiệu quả để chấn chỉnh.

P.V: Sau hơn 1 năm kể từ ngày Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động văn hóa nghệ thuật trong đó có nghệ sĩ, câu chuyện ứng xử thiếu văn hóa, ứng xử lệch chuẩn của nghệ sĩ, KOLs vẫn là vấn đề “nóng” hiện nay. Theo ông, vì sao lại có tình trạng này?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Dù chúng ta đã ban hành một số văn bản liên quan đến văn hoá ứng xử của nghệ sĩ, người nổi tiếng (KOLs) nhưng vẫn phải chứng kiến nhiều ứng xử thiếu văn hóa, lệch chuẩn trên không gian mạng bởi rất nhiều lý do.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn

Chúng ta thấy rằng, quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nghệ thuật và trên không gian mạng gặp rất nhiều khó khăn. Điều này đến từ việc cạnh tranh quyết liệt của thị trường giải trí dẫn đến việc các nghệ sĩ, KOLs tìm mọi cách, mọi chiêu trò để có chỗ đứng tốt hơn trong thị trường. Sự phát triển như vũ bão của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với rất nhiều điều mới mẻ, không lường trước được, cũng khiến cho không chỉ chúng ta, mà còn nhiều nước trên thế giới, bị động trước ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông mới, nhất là các mạng xã hội.

Như Tiktok chẳng hạn, giờ đây, nhiều nước đang tìm cách thích nghi, ứng phó với tác động tiêu cực từ mạng xã hội này. Mà nghệ thuật lại rất quan trọng đối với xã hội. Những gì chúng ta nghe, đọc, xem không chỉ để phục vụ giải trí mà còn ảnh hưởng đến tâm trí, nhận thức và tính cách, hành vi của mỗi người. Một môi trường nghệ thuật tiêu cực, tệ hại ảnh hưởng xấu đến môi trường xã hội chung.

Chúng ta giờ đây không chỉ đối phó với thách thức an ninh phi truyền thống, mà đang phải đối phó với cả những thách thức văn hóa phi truyền thống nữa. Những hành vi lợi dụng mạng xã hội để phát ngôn bừa bãi, tung tin đồn nhảm, xúc phạm người khác một cách công khai, quảng cáo sai sự thật, trục lợi... là những biểu hiện cụ thể như thế. Vì vậy, tăng cường những biện pháp xử lý ngay, từ sớm để những biến tướng tệ hại này không trở thành mầm mống làm băng hoại những nền tảng đạo đức của xã hội là một điều hết sức cần thiết.

Để làm được điều đó, chúng ta cần có nhiều lớp “tường lửa” mà bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội hay đối với những người hoạt động nghệ thuật chỉ là một trong số đó. Chúng ta còn cần nhiều hơn các biện pháp khác nhau mới có thể giúp làm trong lành bầu không khí nghệ thuật, trên không gian mạng và ở ngoài xã hội được.

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành quyết định 512 về kế hoạch cập nhật triển khai thực hiện chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021-2025, trong đó có đề cập đến hạn chế phát sóng đối với người nổi tiếng ứng xử lệch chuẩn. Rất nhiều ý kiến đồng tình và cho rằng chế tài hiện nay chưa đủ mạnh. Ông có nghĩ thế không?

Tôi đồng tình với việc chúng ta cần thiết phải ban hành các văn bản để chấn chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục của các nghệ sĩ và các KOLs. Như đã biết, chúng ta đang nỗ lực trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh để hướng con người đến chân – thiện – mỹ. Nghệ sĩ và các KOLs là những người nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng, vì vậy, họ có ảnh hưởng lớn đến nhận thức, lối sống và cả định hướng phát triển đạo đức của công chúng.

Thời gian vừa qua, dù chúng ta đã có nhiều hành động cụ thể như ban hành các bộ quy tắc ứng xử, tăng cường công tác truyền thông, kể cả xử phạt làm gương, nhưng hoạt động vi phạm đạo đức cộng đồng, thuần phong mỹ tục, thậm chí cả luật pháp vẫn có nhiều diễn biến tiêu cực. Vì thế, chấn chỉnh hoạt động của họ góp phần vào việc làm lành mạnh hóa môi trường văn hóa của xã hội, đồng thời có ích cho việc định hướng phát triển nhân cách, đạo đức của mỗi cá nhân.

Ở chiều ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng nghệ sĩ cũng là công dân. Nghệ sĩ vi phạm phải được xử lý theo quy định pháp luật, không nên áp dụng phong sát. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Nghệ sĩ có một thân phận đặc biệt. Họ vừa là người của công chúng, vừa là một công dân bình thường. Là người của công chúng, có ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, thị hiếu, lối sống của công chúng, họ luôn được/bị nhìn nhận bằng một con mắt khắt khe để luôn cố gắng trở thành hình mẫu tốt, tấm gương sáng cho nhiều người. Là người bình thường, họ cũng có quyền được có những thói quen, thị hiếu, cách sống, kể cả những thói tật như người bình thường khác. Tuy nhiên, ở bối cảnh nước ta khi người nghệ sĩ cũng là chiến sĩ và văn hóa nghệ thuật là một mặt trận tư tưởng hết sức quan trọng, nghệ sĩ cần phải đảm trách trách nhiệm đạo đức. Đó vừa là trách nhiệm nhưng cũng là vinh dự của họ.

Trong cuộc sống, bên cạnh pháp luật còn có đạo đức. Đạo đức thường rộng lớn hơn pháp luật nên có những vi phạm đạo đức lại không có trong chế tài pháp luật. Những lời nói không phù hợp, chia sẻ thiếu trách nhiệm đôi khi không bị xử phạt, nhưng tác hại vô cùng lớn, ảnh hưởng đến đạo đức xã hội và sự hình thành nhân cách của cá nhân. Vì thế, đối với nghệ sĩ, do thân phận đặc biệt, cần có những chế tài đặc biệt.

Phong sát (theo cách dùng của Trung Quốc) hay cấm sóng chính là cách chúng ta hạn chế sự xuất hiện trước công chúng của các nghệ sĩ có những hành vi lệch chuẩn, không phù hợp với giá trị đạo đức cộng đồng. Điều này giúp cho nghệ sĩ ý thức hơn về trách nhiệm xã hội của mình, từ đó rèn giũa tài năng và đạo đức, trở thành tấm gương tốt hơn, và hình thành môi trường văn hóa trong lành cho sự phát triển xã hội.

 Nếu quan sát kỹ gần đây cũng sẽ thấy, khi nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm trên trang cá nhân dưới nhiều hình thức cũng đã bắt đầu nhận được khá nhiều “gạch đá” từ cộng đồng mạng. Tuy nhiên, nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật vẫn là vấn nạn khiến nhiều người bức xúc. Theo ông, chúng ta cần làm gì để giải quyết triệt để vấn đề này?

Chúng ta không phản đối việc các nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo vì đây là một hoạt động phù hợp với kinh tế thị trường, ở đó, các nhãn hàng cần có người có khả năng thu hút sự quan tâm của khách hàng đối với sản phẩm của mình, và nghệ sĩ, người nổi tiếng chính là những người phù hợp nhất.

Nhờ có quảng cáo, họ cũng có được một khoản thu nhập nhất định, từ đó, có đời sống kinh tế ổn định, tốt hơn. Thậm chí, với nhiều nghệ sĩ, quảng cáo đã trở thành nguồn thu nhập chính. Điều này giúp ích rất nhiều cho họ trong cuộc sống. Cái chúng ta lên án chủ yếu là đối với những quảng cáo sai sự thật, đặc biệt liên quan đến thuốc chữa bệnh hay thực phẩm chức năng.

Đây là những sản phẩm quan trọng, liên quan đến sức khỏe, tiền bạc, thậm chí tính mạng của con người. Thay vì đến bác sĩ, bệnh viện, khách hàng tin tưởng vào lời quảng cáo nên nhiều người tiền mất, tật vẫn mang, đặc biệt nguy hại hơn với những người nghèo. Đấy là lý do chúng ta mong muốn xây dựng môi trường quảng cáo lành mạnh, có trách nhiệm, tôn trọng khách hàng. Vì thế, nghệ sĩ, người nổi tiếng phải thể hiện trách nhiệm đạo đức của mình đối với việc tham gia quảng cáo.

Muốn đạt được mục đích này, chúng ta cần tăng cường nhận thức của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là của nghệ sĩ, người nổi tiếng và bên quảng cáo sản phẩm để họ không muốn, không thể quảng cáo sai sản phẩm, tôn trọng và có trách nhiệm đối với hình ảnh và sản phẩm của mình. Bên cạnh đó là xây dựng hành lang pháp lý, xử phạt nghiêm minh, hình thành nên những bài học làm gương, từ đó tạo môi trường lành mạnh nhất cho quảng cáo.

 Có một thực tế, như chia sẻ của chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh là khi viết cái gì mang tính thách thức, ngôn từ xấc xược, văng tục một tý thì có rất nhiều like, share, comment, nhưng những thông tin tích cực lại ít được hưởng ứng. Có khi đang tranh luận một vấn đề rất nghiêm túc cũng bị tấn công bằng những ngôn từ tục tĩu, thậm chí chửi cả... tông ti họ hàng. Nhiều người đã, đang là nạn nhân của tin giả, chuyện bịa đặt. Có vẻ rất khó khăn để có môi trường lành mạnh trên không gian mạng, thưa ông?

Như trên tôi đã nói, có nhiều nguyên nhân khiến cho môi trường mạng trở nên khá “độc hại”. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến hành vi ứng xử của nhiều người. Chúng ta đã nghe nhiều đến những từ như “anh hùng bàn phím”, “tay nhanh hơn não”... như là những đặc điểm tính cách điển hình của thời đại số.

Nhiều người tự cho mình quyền tự do phán xét, bình phẩm người khác mà ít chịu trách nhiệm về những phát ngôn, chia sẻ của mình. Mạng xã hội là thứ mà chúng ta chưa có kinh nghiệm, chỉ có thể vừa trải nghiệm, vừa đưa ra giải pháp ứng phó. Tất cả như một vòng xoáy khiến tình trạng hiện nay thêm trầm trọng, nhưng tôi tin, mọi thứ sẽ được xử lý theo chiều hướng tốt dần lên.

Microsoft từng công bố kết quả khảo sát về chỉ số văn minh trực tuyến, trong đó Việt Nam đứng trong top đầu của thế giới về ứng xử xấu xí trên không gian mạng. Việt Nam cũng có số lượng người sử dụng mạng xã hội rất cao. Ở góc độ là người từng làm công tác nghiên cứu lâu năm, ông thấy cần có những giải pháp như thế nào để đặc trị căn bệnh ứng xử xấu xí trên không gian mạng?

Tôi cho rằng chúng ta cần chấn chỉnh ngay để trả lại môi trường văn hóa trong lành, tạo điều kiện cho sự phát triển đạo đức, nhân cách cho mỗi người, cũng như toàn xã hội.

Để điều trị những căn bệnh ứng xử xấu xí trên mạng xã hội, theo tôi cần tập trung mấy giải pháp sau: Trước hết chúng ta cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ về tác hại của việc phát ngôn, ứng xử lệch chuẩn, không phù hợp trên không gian mạng, nhất là đối với nghệ sĩ, người nổi tiếng. Điều này có tác dụng rất lớn đến việc hình thành các hành vi phù hợp hơn của người sử dụng mạng xã hội. Chúng ta đã ban hành các bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng cũng như đối với những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.

Bây giờ là lúc chúng ta cần tuyên truyền rộng rãi hơn để mọi người cùng biết và thực hiện các quy tắc ấy một cách hiệu quả hơn. Việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật cũng rất cần thiết để có hành lang pháp lý và chế tài nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm. Hoạt động truyền thông lấy cái đẹp, dẹp cái xấu, giúp tăng sự tử tế và nâng cao trách nhiệm xã hội của nghệ sĩ, người nổi tiếng trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật sẽ tạo tấm gương tốt cho xã hội.

 Xin trân trọng cảm ơn ông!

P.V

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top