Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Giải phóng Sài Gòn không chỉ bằng xe tăng

Chủ Nhật 30/04/2023 | 09:01 GMT+7

VHO- Từ sau năm 1975, mỗi khi đến ngày kỷ niệm giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, hầu như trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng, từ báo chí đến pa nô, áp phích… đều đăng lại bức ảnh và những đoạn phim nổi tiếng thế giới. Trong đó nổi bật nhất là hình ảnh chiếc xe tăng của quân giải phóng húc đổ cánh cổng “Dinh Độc lập” và anh bộ đội giải phóng phất cao lá cờ xanh đỏ, sao vàng trên tòa nhà lớn nhất của chính quyền Sài Gòn.

 Bức ảnh “Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập trưa 30.4.1975” của nhà báo Trần Mai Hưởng

 Những hình ảnh biểu tượng của chiến thắng ấy đã quá quen thuộc với người Việt Nam và thế giới. Làm cho người xem có cảm tưởng rằng quân giải phóng đã dùng sức mạnh của những chiếc xe tăng hiện đại để giải phóng Sài Gòn. Điều đó hoàn toàn đúng về cảm nhận trực quan nhưng tính chất của cuộc chiến tranh giải phóng, chống xâm lược thì quan niệm về “giải phóng” không chỉ là giành lại đất đai, làng mạc, thành phố mà quan trọng hơn là “giải phóng con người” thoát khỏi sự lo lắng, nghi kỵ nhằm giành lại lòng tin của nhân dân với chính quyền mới.

Thành phố đã bình yên, nhưng…

Để làm điều đó đối với người dân Sài Gòn không phải là chuyện đơn giản vì thành phố này đã nằm dưới sự kiểm soát của thực dân, đế quốc hàng trăm năm nên người dân không khỏi ngỡ ngàng khi lịch sử đến thời điểm thay đổi rất nhanh mà trước đó quân đội và chính quyền Sài Gòn đã tuyên truyền, nói xấu quân giải phóng và Việt cộng như một đội quân ốm yếu và kỳ quái đến mức “7 người bám cành đu đủ mà không gãy”.

Những ngày đầu giải phóng, Sài Gòn bình yên đến kỳ lạ, không còn nghe tiếng súng trên đường phố, ngay cả các loại tệ nạn xã hội, kể cả các băng đảng giang hồ khét tiếng cũng bỗng nhiên biến mất, cuộc sống vẫn diễn ra bình thường như chưa hề có chiến tranh. Thành phố đã bình yên nhưng lòng người còn bất ổn, đa số những người nghèo sinh sống bằng lao động tự do, buôn bán nhỏ và công nhân không có mối liên hệ trực tiếp với chế độ cũ thì tỏ ra vui mừng đón nhận cuộc sống hòa bình, nhanh chóng hưởng ứng sự điều hành của chính quyền mới và thân thiện với quân giải phóng. Một bộ phận thuộc giới trung lưu, trí thức, doanh nhân giàu có thì lo lắng có bị tịch thu tài sản, nhà cửa và đi lao động cải tạo hay không. Một bộ phận nhỏ hơn nhưng có người ruột thịt tham gia chính quyền và quân đội Sài Gòn dù đã đi nước ngoài hay còn ở lại thì rất hoang mang, lo sợ sẽ có một cuộc trả thù “tắm máu” đối với những người đã làm việc cho Mỹ mà trong “kế hoạch hậu chiến” phía Mỹ và chính quyền Sài gòn đã khẳng định là sẽ diễn ra.

Ai đã ở Sài Gòn thời “quân quản” sẽ cảm nhận được tâm trạng người dân thành phố lúc đó là như thế. Biểu hiện rõ nhất của tâm trạng bất an đó là số người vượt biên ngày càng nhiều. Dòng người ra nước ngoài tưởng chừng như không thể dừng lại. Đến mức có người nói, “nếu cây cột đèn biết đi thì nó cũng đi…”. Nói cách khác là sự nghiệp giải phóng lãnh thổ đã hoàn thành trọn vẹn, non sông đã thu về một mối nhưng sự nghiệp giải phóng tâm trạng bất an và lòng tin của toàn dân vẫn còn phải tiếp tục.

Họ còn là sứ giả hòa bình

Sự nghiệp giành lại niềm tin của nhân dân trong hòa bình không thể bằng cách dùng những chiếc xe tăng hay các đơn vị quân đội, mà phải từ mặt trận văn hóa, nhân văn với các chủ trương công khai về “chính sách hòa hợp dân tộc”.

Tuy nhiên, đó là ở tầng quản lý xã hội vĩ mô, còn làm sao để từng người dân cảm nhận được sự tốt đẹp của một nền văn hóa, xã hội mới thì phải thể hiện ở rất nhiều lĩnh vực hoạt động cụ thể của chính quyền mới. Nhất là khi tiếp xúc trực tiếp với người dân sẽ thể hiện tinh thần hòa hợp dân tộc như thế nào. Riêng lĩnh vực này, các anh lính quân giải phóng thế hệ “bộ đội cụ Hồ” đã làm thay đổi cách nhìn của người dân Sài Gòn về cách mạng và hòa hợp dân tộc. Hãy theo chân một cánh quân tiến vào Sài gòn từ hướng Nam để nghe những câu chuyện ấy.

Chiến dịch Hồ Chí Minh đã bắt đầu, quân ta đã áp sát phía Nam thành phố, sức kháng cự của quân Sài Gòn đã suy yếu. Một nhóm quân giải phóng toàn anh em miền Bắc dừng lại tạm nghỉ ở một ngôi nhà ven làng, chủ nhà thấy họ chỉ có vài bao gạo, bó rau và cá khô. Nên bà chủ nhà ngập ngừng nói, “nhà không có gì, các chú bắt con chó này làm thịt”. Anh cán bộ trong nhóm nói, “con chó khôn lắm, má để nuôi, chúng con không bắt nó đâu”. Bà má cúi xuống gầm giường gọi, “con ơi ra đi các chú thương không bắt con đâu”. Nếu là người dân vùng giải phóng thì các má sẽ gọi bộ đội một cách thân mật là “tụi bay”. Nhưng là dân Sài Gòn nên còn cảm thấy xa cách nhưng có lẽ họ đã nhận ra quân giải phóng khác với quân Sài Gòn khi đi càn thường tự ý bắt gà vịt của dân.

Tối hôm đó một tổ trinh sách đi ngang một con lộ đất đỏ, nghe thấy tiếng khóc trong căn nhà nhỏ ven đường nên ghé vào thăm hỏi. Người thiếu phụ kể lại câu chuyện đứa em còn là học sinh đã bị một sĩ quan bên “quốc gia” cưỡng bức và bắn chết rồi bỏ chạy khi quân giải phóng tiến đến. Và chính các anh bộ đội đã giúp cô đưa thi thể đứa em về nhà. Người thiếu phụ nói trong nghẹn ngào, “nếu sớm biết các anh tốt như thế thì hôm nay chị em tôi đã không chạy về phía có “lính quốc gia”… Sáng hôm sau, trên đường tiến quân truy kích địch, ban chỉ huy một tiểu đoàn của ta dừng lại trong sân một nhà dân có cây vú sữa rất cao để tổ thông tin dựng cột ăng ten. Đến tối, khi đơn vị thu quân chuẩn bị di chuyển, ông chủ nhà mới nói với một anh cán bộ: “Tôi biết chú làm lớn lắm nhưng sao bên giải phóng hiền thế? Nếu ở bên quốc gia thì hét ra lửa đấy”…

Cái ngày bộ đội tiếp quản Sài Gòn được tổ chức ăn mừng chiến thắng ở một nhà dân có sân rộng. Nhóm bộ đội ở đó mượn chén đĩa của dân để bày hai bàn tiệc. Một bàn dành cho các anh lính trẻ và một số thanh niên gần đó. Một bàn mời những người lớn tuổi, phần lớn là gia đình binh sĩ Sài Gòn. Anh sĩ quan đứng lên nói: “Hôm nay bộ đội được tổ chức ăn mừng chiến thắng 30 tháng 4 và mời nhân dân cùng tham dự. Có lẽ chỉ có ở Việt Nam mới có tiệc mừng chiến thắng như thế này. Vì không phải miền Bắc thắng miền Nam mà là người Việt Nam thắng quân Mỹ xâm lược”. Sau câu nói ngắn gọn, giản dị và chân thành đó mọi người cùng nâng ly và bữa tiệc mừng chiến thắng diễn ra tự nhiên, vui vẻ không còn những ánh mắt e dè.

Vào một buổi chiều trong bệnh viện, một nữ bác sĩ ngồi nói chuyện với một bệnh nhân là sĩ quan quân đội ở ghế đá ngoài hành lang. Cô bác sĩ hỏi, “khi vào tiếp quản Sài Gòn, các anh có cảm thấy tự hào mình là người chiến thắng không? Anh bộ đội trả lời: “có chứ!”. Bác sĩ nói, “đó, chính vì cái vẻ mặt như thế mà mấy người bạn gái chúng tôi bảo nhau, sẽ đặt các anh ra ngoài tầm mắt”. Anh bộ đội từ tốn nói: “Có lẽ cả hai bên đều có những người nhầm lẫn. Chúng tôi tự hào đã đánh thắng quân Mỹ, chứ đâu có lên mặt với dân. Còn các chị có đánh nhau với chúng tôi đâu mà có người mặc cảm là bên thua trận?”. Như nhận ra điều gì, cô bác sĩ nói: “Phải chi có người nói với tôi điều này sớm hơn”. Những người lính dạn dày trận mạc đã góp công sức xương máu giải phòng miền Nam, đồng thời, họ còn là sứ giả của hòa bình, hòa hợp dân tộc một cách tự nhiên, giản dị nhưng hiệu quả như thế.

Nhớ lại những câu chuyện của một thời Sài Gòn và miền Nam thời quân quản, để hiểu rõ hơn vì sao thời đó dòng người vượt biên tuy rất đông, có đến triệu người. Nhưng vẫn chỉ là số nhỏ so với những người ở lại và ngày nay xu hướng đó đã đổi chiều. Rất nhiều người ra đi ngày ấy, nay trở về thăm lại quê hương vẫn được chào đón trong tình đồng bào. Và nhà nước Việt Nam đã xác định “kiều bào là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”. Đó là giá trị bao dung, nhân ái trong văn hóa truyền thống Việt Nam. Đồng thời là sức mạnh và phẩm giá để Việt Nam tự tin “làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Đó là thành quả vĩ đại nhìn từ góc độ văn hóa của cuộc trường kỳ kháng chiến kéo dài 30 năm. Thành quả văn hóa ấy càng làm cho thắng lợi của cuộc kháng chiến trở nên trọn vẹn và mang tầm vóc của thời đại. 

TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top