Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Hội thảo “Hợp tác hàng không- du lịch: Giải pháp thu hút khách quốc tế”

Chủ Nhật 23/04/2023 | 13:45 GMT+7

VHO- Ngày 25.4, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Báo Văn Hóa (Bộ VHTTDL) phối hợp với Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL), Sở Du lịch Khánh Hòa và các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo “Hợp tác hàng không – du lịch: Giải pháp thu hút khách quốc tế”.

Lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa, Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa đón khách quốc tế tại sân bay Cam Ranh trên chuyến bay của Vietnam Airlines

Hội thảo sẽ có sự tham dự của lãnh đạo Bộ VHTTDL, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, lãnh đạo Tổng cục Du lịch và khoảng 250 đại biểu đại diện các Sở quản lý du lịch, Hiệp hội du lịch Việt Nam, Hiệp hội du lịch các địa phương, các chuyên gia du lịch, chuyên gia kinh tế; đại diện doanh nghiệp du lịch, các hãng hàng không, nhà đầu tư du lịch, các cảng hàng không.... Trong đó, có các doanh nghiệp hàng không, du lịch nổi tiếng: Vietnam Airlines, Vietravel, Saigontourist, Hanoi Tourism, Vietjet Air, Bamboo Airways, Lux Group, Tập đoàn Mường Thanh...

Hàng không và du lịch bắt tay hút khách quốc tế

Đây là hội thảo kết nối ngành Du lịch với Hàng không đầu tiên sau Hội nghị toàn quốc về du lịch do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì ngày 15.3, có ý nghĩa quan trọng, là một trong những hoạt động triển khai cụ thể chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay.

Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng phát triển du lịch Việt Nam, hợp tác giữa ngành Hàng không và Du lịch, đặc biệt là việc thu hút khách quốc tế trở lại Việt Nam sau dịch Covid-19, phù hợp với tình hình mới. Đồng thời, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tiếp nối sự thành công của Hội thảo “Hợp tác hàng không- du lịch: Kết nối điểm đến toàn cầu” tổ chức ngày 17.12.2022 cũng do Báo Văn Hóa tổ chức tại TP Đà Nẵng, Ban tổ chức mong muốn tổ chức một chuỗi Hội thảo về Hợp tác hàng không- du lịch nhằm nhìn nhận bức tranh tổng thể ngành Du lịch và Hàng không Việt Nam trong những năm qua, đặc biệt từ sau khi Việt Nam mở cửa du lịch hoàn toàn.

Hội thảo là cơ hội để lãnh đạo các cơ quan, bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương, các hiệp hội gặp gỡ, thảo luận, từ đó tiếp tục hoàn thiện chặt chẽ hơn hệ thống chính sách, pháp luật cho ngành Du lịch, Hàng không; tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp và du khách. Cùng với sự nhận định của các chuyên gia, chia sẻ của các doanh nghiệp vận tải trong lĩnh vực hàng không và du lịch, thông qua Hội thảo sẽ đưa ra những giải pháp liên kết, hợp tác giữa ngành Hàng không và Du lịch.

Khách nước ngoài rất thích điểm đến Nha Trang, Khánh Hòa

Đặc biệt là sự phối hợp của 2 ngành để tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới. Mở cửa bầu trời, kết nối đường bay thẳng đến những thị trường nguồn, thị trường mới, thị trường quốc tế tiềm năng. Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng bao gồm đường sá giao thông, với đủ các tiêu chuẩn an toàn và dễ tiếp cận cho khách du lịch để thực hiện việc di chuyển nhanh chóng, an toàn và thuận tiện. Tăng cường phổ biến pháp luật trong nước và pháp luật quốc tế tới từng doanh nghiệp nhằm ngăn chặn, trừng phạt những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gian lận, làm ăn phi pháp, phi văn hoá gây tổn hại tới các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực Du lịch, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh đất nước trong mắt khách du lịch quốc tế. Đề xuất những giải pháp để du lịch phục hồi bền vững và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã đề ra.

Hội thảo chia làm 2 phiên. Trong phiên 1, sau phần phát biểu khai mạc của Lãnh đạo Bộ VHTTDL, phát biểu chào mừng của Lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa, báo cáo đề dẫn của Lãnh đạo Tổng cục Du lịch, các diễn giả, đại biểu sẽ trình bày thảo luận về việc: Hợp tác hàng không- du lịch: Mở cửa bầu trời, kết nối các đường bay quốc tế; Kinh nghiệm quốc tế phục hồi du lịch quốc tế trong bối cảnh mới; Đề xuất các giải pháp thu hút khách quốc tế đến Việt Nam; Liên kết, hợp tác trong và ngoài nước để thu hút khách từ các thị trường quốc tế trọng điểm; Tăng cường quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch tới khách quốc tế sau dịch Covid-19; Cơ chế đặc thù, linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và hàng không phục hồi; Hợp tác giữa doanh nghiệp du lịch và hàng không để phục hồi du lịch.

Trong Phiên thảo luận trực tiếp do PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam điều phối, các diễn giả, đại biểu sẽ làm rõ thực tế thu hút khách quốc tế ở các địa phương và giải pháp của địa phương để thu hút khách; Xây dựng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường trong tình hình mới; Quảng bá xúc tiến du lịch tới đối tác trong và ngoài nước; Tìm kiếm thị trường mới; Xúc tiến du lịch tới các thị trường quốc tế trọng điểm; Xây dựng các gói sản phẩm có giá cạnh tranh...

Hội thảo có sự đồng hành của Công ty Cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex (Petrolimex Aviation) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Du khách quốc tế được chào đón nồng nhiệt ở Khánh Hòa

Tạo mọi thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam

Hội đồng Lữ hành và Du lịch Thế giới (WTTC) nhận định, trước đại dịch Covid-19, du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng, đóng góp 10,4% vào GDP toàn cầu, tương đương 9,2 nghìn tỉ USD, tạo ra 333 triệu việc làm, tương đương 10,6% tổng số việc làm trên thế giới. Tuy nhiên, du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của đại dịch Covid-19. Năm 2020, ngành Du lịch thất thoát khoảng 4,5 nghìn tỉ USD, tổng thu toàn ngành chỉ đạt 4,8 nghìn tỉ USD, sụt giảm 49,1%; đóng góp của ngành vào GDP toàn cầu chỉ đạt 5,3%. Ngành Du lịch mất đi khoảng 62 triệu việc làm, chi tiêu của khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa giảm lần lượt là 69,4% và 45%.

Việt Nam là một trong 5 quốc gia khu vực Châu Á- Thái Bình Dương và là quốc gia khu vực Đông Nam Á mở cửa hoàn toàn du lịch sớm nhất. Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), chỉ số về năng lực phát triển du lịch của Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp hạng 52/117 nền kinh tế. Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, du lịch Việt Nam là 1 trong 3 nước có mức tăng trưởng cao nhất. Bên cạnh đó, Du lịch Việt Nam nhận 16 giải thưởng du lịch tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới năm 2022 - khu vực châu Á và châu Đại Dương đã tiếp tục khẳng định thương hiệu và vị thế của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2022, việc phục hồi du lịch quốc tế của Việt Nam vẫn chưa được như mục tiêu đề ra.

Một số nghiên cứu của UNWTO đã chỉ ra, khách du lịch đang có nhiều thay đổi về hành vi du lịch, đòi hỏi các doanh nghiệp và điểm đến phải thích ứng như: Linh hoạt hơn trong việc lập kế hoạch và đặt dịch vụ để có thể dễ dàng thay đổi nếu cần thiết; Ưu tiên các điểm đến ven biển, nông thôn đề tránh đám đông; Giới hạn quy mô du lịch ở nhóm nhỏ chỉ có gia đình, bạn bè; Lựa chọn chỗ ở có sự riêng tư để giảm thiểu tương tác với người lạ; Quan tâm nhiều hơn đến các hoạt động tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần; Tìm cách giảm thiểu chi phí tổng thể bằng cách so sánh và đặt dịch vụ trực tuyến; Tỉ trọng khách trẻ tuổi nhiều hơn do lứa tuổi này nhận thức tốt hơn về việc giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh….

Đoàn khách Kazakhstan đến du lịch Nha Trang (Khánh Hòa, Việt Nam) những ngày đầu năm mới 2023

Theo báo cáo thường kỳ, công bố hồi tháng 1.2023 của UNWTO, ngành Du lịch thế giới đã phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng mạnh hơn dự kiến trong năm 2022 nhờ các nước đã tích cực mở cửa biên giới, nới lỏng các hạn chế đi lại và nhu cầu du lịch của công dân toàn cầu tăng cao sau đại dịch. Đã có hơn 900 triệu lượt khách du lịch quốc tế vào năm 2022, gấp đôi so với năm 2021 mặc dù vẫn giảm hơn 37% so với năm 2019. Du lịch quốc tế phục hồi 63% so với trước đại dịch, phù hợp với các kịch bản của UNWTO công bố vào tháng 5 năm 2022.

Trong đó, Châu Âu là khu vực điểm đến lớn nhất thế giới, đón 585 triệu lượt khách vào năm 2022 đạt gần 80% mức trước đại dịch (-21% so với năm 2019). Các nước Trung Đông có mức tăng mạnh nhất giữa các khu vực vào năm 2022 với lượng khách đến tăng, đạt 83% so với trước đại dịch (giảm -17% so với năm 2019). Châu Phi và Châu Mỹ đều phục hồi khoảng 65% so với trước đại dịch, trong khi Châu Á- Thái Bình Dương chỉ đạt 23%, do nhiều thị trường gửi khách chưa mở cửa hoàn toàn.

Khảo sát của Hội đồng chuyên gia UNWTO chỉ ra rằng, 72% số người được hỏi mong đợi sự phục hồi tốt hơn trong 2023. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia (65%) cũng tin rằng du lịch quốc tế sẽ không trở lại mức năm 2019 cho đến năm 2024 hoặc muộn hơn.

Dựa trên các kịch bản của UNWTO cho năm 2023, Châu Âu và Trung Đông có thể đạt 80% đến 95% lượng khách du lịch quốc tế so với mức trước đại dịch trong năm nay. Tuy nhiên, những rủi ro quan trọng vẫn còn ở phía trước, đặc biệt là dịch bệnh, chiến tranh, suy thoái kinh tế và bất ổn chính trị vẫn đang diễn ra ở một số nơi trên thế giới. Khách du lịch có xu hướng tìm kiếm những tour, sản phẩm du lịch xứng đáng với đồng tiền họ bỏ ra và đi du lịch gần nhà để phù hợp với môi trường kinh tế đầy khó khăn. Sự khác biệt về thủ tục nhập cảnh, y tế giữa các quốc gia; thiếu hụt nguồn nhân lực trong ngành du lịch và những ảnh hưởng khác của tình hình thế giới.

Sau đại dịch, các Chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng và khách du lịch đã nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển bền vững, giảm thiểu các ảnh hưởng xấu của du lịch tới môi trường hội và xã hội; quan tâm hơn tới công tác ứng phó với biến đổi khí hậu; ý thức xây dựng các kế hoạch dài hạn, quản trị rủi ro, tập trung phát triển công nghệ để chuẩn bị sẵn sàng cho các cuộc khủng hoảng có thể hiện ra trong tương lai. Khách du lịch cũng có yêu cầu cao hơn với chất lượng trải nghiệm, mức độ bền vững và có trách nhiệm đối với tất cả các mặt của ngành du lịch như hàng không, lưu trú, ẩm thực.

Đại dịch Covid-19 cũng đòi hỏi công tác chuyển đổi số trong ngành Du lịch được thực hiện nhanh hơn để bắt kịp với những yêu cầu mới của của thị trường. Nhiều quốc gia đã đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh và ứng dụng công nghệ thông tin để tạo ra các trải nghiệm "không chạm" và thông suốt cho khách du lịch, giúp tiết kiệm thời gian cũng như hạn chế tương tác trực tiếp trong giai đoạn đại dịch (quét sinh trắc học, sử dụng thẻ đi lại số, check-in phòng ở và nhận chìa khóa phòng trên app di động, sử dụng robot dọn dẹp và vận chuyển hành lý...).

Đoàn khách đầu tiên từ Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc) trên chuyến bay thẳng của Vietjet tới sân bay quốc tế Cam Ranh (Nha Trang, Khánh Hoà) 

Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng mang lại một số thách thức mới cho ngành Du lịch, đặc biệt là nhiệm vụ bảo vệ không gian mạng và kiểm soát rủi ro về tài chính, uy tín và thể chế do những tội phạm mạng gây ra.

Hầu hết, các điểm đến trên thế giới đã dần được mở cửa, mọi hoạt động trở lại bình thường như khi chưa có dịch. Theo đó yêu cầu về cách ly, y tế, test Covid cũng được đơn giản hóa hơn để đi lại thông suốt (seam-less travel), nâng cao trải nghiệm của du khách. Gần đây nhất, ngày 8.1.2023, Trung Quốc- thị trường du lịch lớn nhất thế giới tuyên bố mở cửa, bình thường hoá quan hệ du lịch đã đem lại nhiều hy vọng và cơ hội cho ngành Du lịch các nước trên thế giới.

Hiện nay, du khách quan tâm hơn đến yếu tố an toàn và tốt cho sức khoẻ, điều kiện y tế của điểm đến khi đi du lịch, đồng thời chú ý đến việc mua bảo hiểm du lịch và xem xét các chính sách hoãn hủy chuyến do đại dịch. Các sản phẩm du lịch bền vững, du lịch xanh, du lịch sinh thái được tìm hiểu nhiều hơn, khách du lịch có xu hướng lựa chọn các khu vực ngoài trời, thông thoáng khi đi nghỉ dưỡng. Các sản phẩm du lịch ẩm thực được chứng nhận tốt cho sức khoẻ, sử dụng nguyên liệu hữu cơ cũng trở thành lựa chọn phổ biến hơn.

Bên cạnh các xu hướng trên là sự trở lại và thay đổi của du lịch công vụ; Sự nổi lên của các điểm đến mới; Xu hướng khám phá lại du lịch nội địa và xu hướng khách du lịch trẻ đang ngày một tăng đặt ra yêu cầu mới đối với đội ngũ lao động trong ngành Du lịch, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục giải bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch sau dịch và chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch bằng nhiều giải pháp.

NGUYỄN ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top