Khai hội Điện Huệ Nam

VHO- Ngày 21.4, Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Ban Bảo trợ di tích Điện Huệ Nam đã khai mạc lễ hội Điện Huệ Nam. Qua đó, tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.

Khai hội Điện Huệ Nam - Anh 1

Lễ cung nghinh từ Thánh đường Thiên Tiên Thánh giáo ngược dòng sông Hương để đến Điện Huệ Nam

Lễ hội bắt đầu với lễ cung nghinh từ Thánh đường Thiên Tiên Thánh giáo tại số 352 Chi Lăng, TP.Huế đến Điện Huệ Nam (hay còn gọi là Điện Hòn Chén, tại xã Hương Thọ). Lễ cung nghinh được thực hiện trên đường sông, với gần 30 bằng, án và khoảng 2000 người tham gia. Tại di tích Điện Huệ Nam, sẽ diễn ra lễ cung nghinh, khai hội và lế cáo yết, cùng các hoạt động

Trong ngày 22.4, chương trình sẽ tiếp tục với các chương trình: Bao sám lễ, lễ chánh tế, sinh hoạt hội tại các bằng, án. Tiếp đó là cung thỉnh và đoàn rước di chuyển về lại Thánh đường Thiên Tiên Thánh giáo để thực hiện lễ hồi loan, lễ cầu nguyện quốc thái dân an.

Điện Huệ Nam nằm núi Ngọc Trản, bên bờ sông Hương, là nơi thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Đây là công trình di tích nằm trong hệ thống Quần thể di tích Cố đô Huế.

Lễ hội Điện Huệ Nam được tổ chức vào tháng 3 và tháng 7 âm lịch hàng năm, là dịp sinh hoạt truyền thống mang yếu tố văn hóa tâm linh của một bộ phận dân cư tại Thừa Thiên Huế và các tỉnh, thành lân cận. Năm 2023, lễ hội Điện Huệ Nam là một trong những chương trình của Festival Huế mùa Hạ.

Khai hội Điện Huệ Nam - Anh 2

Các thanh đồng, tín nữ tham gia lễ hội

Nghệ nhân ưu tú Lê Văn Ngộ, Trưởng ban Bảo trợ di tích Điện Huệ Nam, Chủ tịch Chi hội di sản văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu tại Thừa Thiên Huế, cho biết: Lễ hội Điện Huệ Nam khơi dậy bản sắc văn hóa về tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, lễ hội đã từng được các vua Nguyễn sắc phong để cho người dân tổ chức. Thông qua lễ hội, chúng tôi mong muốn quần chúng nhận thức đúng đắn về bản sắc văn hóa của dân tộc Việt về tín ngưỡng thờ Mẫu và cùng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận.

Được biết, hiện nay tại Thừa Thiên Huế đã có 5 nghệ nhân thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu được phong tặng nghệ nhân ưu tú.

S.THÙY; ảnh: Đ.HOÀNG

Ý kiến bạn đọc