Hướng đến mỗi ngày đều là Ngày Sách và văn hóa đọc

VHO- Trao đổi với Văn Hóa, nhiều người làm công tác thư viện khẳng định, nhờ có Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam, phong trào đọc sách được khơi dậy mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên.

Hướng đến mỗi ngày đều là Ngày Sách và văn hóa đọc - Anh 1

 Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cùng các đại biểu cắt băng khai mạc chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam 2023

Thế nhưng, bên cạnh những tín hiệu đáng mừng, không ít ý kiến cho rằng cách thức tổ chức sự kiện này cần có sự đổi mới mạnh mẽ hơn để không chỉ dừng lại ở khái niệm ngày, lễ kỷ niệm.

Luồng sinh khí mới cho văn hóa đọc

Chào mừng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam (21.4), Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23.4), vừa qua tại Hà Nội, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và văn hóa đọc năm 2023. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy tới dự và cắt băng khai mạc sự kiện.

Bà Kiều Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) cho biết, 2023 là năm ghi nhận có sự đổi mới trong công tác tổ chức. Cụ thể, với chủ đề Sách cho tôi, cho bạn, ngoài các hoạt động tọa đàm, giao lưu tác giả, tác phẩm; thi vẽ tranh; triển lãm… chuỗi sự kiện còn có hoạt động mới như huấn luyện trí tuệ đọc sách, khám phá thư viện số, đọc sách sáng tạo, trò chơi trí tuệ mang tên Mảnh ghép tri thức… Tất cả hướng tới thông điệp: Càng đọc nhiều, càng biết nhiều, càng học nhiều, càng đi nhiều! Hãy cầm sách lên và đọc, cả thế giới sẽ mở ra trước mắt bạn!

TS Vũ Dương Thúy Ngà, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL), người khởi xướng, điều hành chương trình và kênh Cùng bạn đọc sách đánh giá, so với những năm trước, đây đều là những hoạt động có tính đổi mới, sáng tạo; lấy bạn đọc làm trung tâm để phát triển các hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc. Nhờ có sự đổi mới, bạn đọc cảm thấy hứng khởi và tìm đến sách với mong muốn được tiếp cận với những tri thức mới, hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ.

“Nhờ đổi mới hoạt động trong Ngày Sách Việt Nam, và sau này là Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam, văn hóa đọc tại nước ta như có được “luồng sinh khí” mới. Các hoạt động khuyến đọc từng bước đi vào chiều sâu và ngày càng có sức lan tỏa. Sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương với công cuộc phát triển văn hóa đọc cũng rõ nét hơn. Cũng kể từ khi có Ngày

 Sách và văn hóa đọc tại Việt Nam, chúng ta ghi nhận nhiều câu chuyện cảm động trong phát triển văn hóa đọc. Như tại Phú Yên, tôi được biết có câu chuyện phạm nhân sau khi ra tù, họ quay lại cảm ơn cán bộ thư viện vì đã mang sách đến cho họ đọc. Nhờ sách, họ thức tỉnh để tu tâm cải tạo, sớm tái hòa nhập cộng đồng. Hay tại Ninh Bình, bạn Lê Thị Minh Ngọc khi còn là cô học trò nhỏ đã quyết tâm mở ra không gian đọc miễn phí phục vụ cộng đồng”, TS Vũ Dương Thúy Ngà chia sẻ.

Để không đơn thuần chỉ là lễ kỷ niệm

Bên cạnh những điều đã làm tốt, TS Vũ Dương Thúy Ngà nhận định việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam đã đến lúc cần có bước ngoặt. Không phải chỉ khi cao điểm sự kiện diễn ra, các hoạt động hưởng ứng cần được tổ chức xuyên suốt trong năm. “Thay vì gói gọn các hoạt động trong vòng nửa tháng hay một tháng, các cấp, các ngành, địa phương và bản thân các thư viện phải nghiên cứu, thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động khuyến đọc. Ngày ở đây phải được hiểu là mỗi ngày chứ không phải chỉ một ngày. Chẳng hạn, các thư viện có thể nghiên cứu giảm, hoặc miễn phí cấp thẻ thư viện vào nhiều thời điểm trong năm để thu hút bạn đọc. Với nhà trường, giáo viên có thể lồng ghép hoặc tổ chức riêng các hoạt động đọc sách cho học sinh trong mỗi tiết học. Hoạt động như vậy không chỉ hưởng ứng sự kiện về lâu dài mà còn đổi cách dạy học, không còn tình trạng “cô đọc, trò chép” mà khuyến khích học sinh tự tìm hiểu kiến thức”, TS Vũ Dương Thúy Ngà đề xuất.

Bà Kiều Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) cho biết, để các hoạt động đạt hiệu quả cao, có tính bền vững, các thư viện trên cả nước phải xác định những hoạt động này phải được tổ chức thường xuyên, liên tục, không chỉ nhân lễ kỷ niệm. Mở rộng ra, mọi người dân phải xác định xây dựng văn hóa đọc là nhiệm vụ xuất phát từ mỗi gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức…

“Thực tế, Điều 30 Luật Thư viện đã thể hiện rõ sự quan tâm với văn hóa đọc khi chỉ rõ ngày 21.4 là Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chương trình, đề án, văn bản chỉ đạo về phát triển văn hóa đọc, nhất là nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS và miền núi. Do đó, chúng tôi rất mong muốn toàn xã hội sẽ có nhận thức đúng, đủ về tầm quan trọng của việc đọc sách để có những hành động cụ thể. Qua đó thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để đóng góp vào sự nghiệp phát triển văn hóa đọc. Trên tinh thần đó, Bộ VHTTDL thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức; cũng như đề nghị các địa phương tăng mức đầu tư cho thư viện để cải thiện khả năng phục vụ, hấp dẫn bạn đọc. Việc tăng cường bổ sung các nguồn sách cho đồng bào DTTS, miền núi… cũng sẽ được Vụ Thư viện tập trung triển khai để bà con có thể hưởng ứng mạnh mẽ hơn Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam, cũng như các hoạt động khác của phong trào đọc sách”, bà Kiều Thúy Nga nêu.

Quyền Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam Nguyễn Xuân Dũng thì cho rằng, để Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam đa dạng hơn về hoạt động, các thư viện nên sáng tạo thêm các hoạt động phát triển đọc trên môi trường số: “Người lớn thường than phiền giới trẻ ngày càng lười đọc, nhưng khi nhìn một người trẻ dùng điện thoại hay máy tính bảng, đừng vội phán xét họ chỉ chat hay lướt mạng xã hội. Có thể họ đang đọc bản điện tử của một đầu sách mới ra. Đây cũng là môi trường lưu trữ lâu dài, giúp bạn đọc có thể đọc sách, tìm kiếm tài liệu bất cứ khi nào cần. Cùng với việc “hiện đại hóa”, phát triển các hoạt động văn hóa đọc với sách, báo in, tài liệu truyền thống vẫn phải được quan tâm để không làm mất đi một nét đẹp văn hóa…”.

Về phía thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, anh Phùng Bá Hưng, quản lý Thư viện Dương Liễu đề xuất, bên cạnh Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam, hoàn toàn có thể tổ chức thêm ngày để tặng sách cho nhau. Khi trao tặng những món quà tinh thần, cùng nhau ngồi xuống lật mở từng trang sách, tình yêu với văn hóa đọc sẽ được nhân lên và lan tỏa mạnh mẽ. 

 ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc