Bão cát ảnh hưởng đến nhiều di tích cổ đại

VHO- Nhiều di tích cổ đại Iraq đang đối mặt với nguy cơ bị tàn phá và vùi lấp dần trong các trận bão cát do biến đổi khí hậu gây ra.

Bão cát ảnh hưởng đến nhiều di tích cổ đại - Anh 1

Thành phố Umm al-Aqarib của người Sumer cổ đại đang bị cát vùi lấp khá nhiều Ảnh: SAMAA ENGLISH

Iraq là quốc gia có những thành phố cổ xưa nhất thế giới. Đây từng là nơi sinh sống của người Assyria, người Sumer, người Babylon và là nơi tìm thấy những bằng chứng đầu tiên về chữ viết của con người. Tuy nhiên, Iraq lại là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Năm 2022, Iraq đã phải hứng chịu hơn 10 trận bão cát mạnh khiến bầu trời khi đó biến thành màu cam, ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày và sức khỏe người dân. Giới chức Iraq đang nâng cao cảnh báo về tần suất xảy ra các trận bão cát trong những năm gần đây, mà mức độ ngày càng trầm trọng hơn do lượng mưa thấp kỷ lục, sa mạc hóa và biến đổi khí hậu. Tình trạng khai thác bừa bãi nguồn nước, thiếu quy hoạch, nạn chăn thả gia súc bừa bãi và chặt phá rừng được cho là nguyên nhân khiến bão cát xuất hiện thường xuyên hơn.

Liên Hợp Quốc đánh giá Iraq là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu. Giáo sư khảo cổ học Jaafar al-Jotheri tại Đại học Al Qadisiyah cho rằng, tình trạng sa mạc hóa trầm trọng do lượng mưa thấp kỷ lục đã làm tăng thêm sức mạnh của các cơn bão cát. Điều này khiến tình trạng hạn hán và cát bao phủ các địa điểm khảo cổ trở nên nghiêm trọng hơn, do đất bịbỏ hoang tiếp xúc với gió nhiều hơn, theo đó nhiều mảnh trầm tích bịgió cuốn tới các địa điểm khảo cổ, gây ra hiện tượng phong hóa vật lý và phá hủy các công trình.

Nếu như trước đây, mối đe dọa lớn nhất đối với các di tích cổ đại là hành vi cướp bóc các cổ vật tại các địa điểm khảo cổ. Đến nỗi, giới chức địa phương ở tỉnh Samawa đã nhiều lần cầu cứu quân đội Mỹ giúp bảo vệ những khu vực khảo cổ quý giá ở Babylon. Nhưng đến nay, do những thay đổi thời tiết và tác động của khí hậu đối với đất đai, đặc biệt là tình trạng sa mạc hóa ngày càng tăng đã làm thêm nhiều mối đe dọa đối với các di tích ở Iraq.

Theo nhà khảo cổ học Aqeel al-Mansrawi ước tính trong 10 năm tới, cát có thể bao phủ 80-90% diện tích các địa điểm khảo cổ tại Iraq. Những cơn bão cát đang dần đảo ngược kết quả khai quật khảo cổ nhiều năm nay khi cát mịn phủ lên các ngôi đền và nhiều cổ vật quý giá, trong đó có thành phố Umm al-Aqarib của người Sumer cổ đại ở tỉnh Dhi Qar, miền Nam Iraq. Các nhà khảo cổ đã phải thường xuyên xúc cát ra khỏi di tích, nhưng hiện tại lượng cát ngày càng tăng.

Theo ông Aqeel al-Mansrawi, sau một thập kỷ bão cát dữ dội, thành phố Umm al-Aqarib của người Sumer cổ đại đang bịcát vùi lấp khá nhiều. Thành phố cổ đại này có từ khoảng năm 2.350 trước Công nguyên, rộng hơn 5 km2. Nhiều di chỉ khảo cổ huyền thoại của nền văn minh Babylon ở Iraq, đã được các nhà khảo cổ bỏ nhiều công sức khai quật, nay lại biến mất dần dưới các trận bão cát.

Giáo sư khảo cổ học Mark Altaweel tại Đại học College London thì cho rằng, vấn đề trở nên trầm trọng hơn do quá trình nhiễm mặn. Ông giải thích trong điều kiện thời tiết khô cùng với nhiệt độ cao, nước nhanh chóng bốc hơi và để lại cặn muối trên bề mặt và bão cát có thể cuốn lượng muối này đến các công trình khảo cổ gây ra hiện tượng phong hóa hóa học.

Giới chức ngành khảo cổ tỉnh Dhi Qar cho biết, chính phủ đang nỗ lực giải quyết vấn đề phức tạp này, theo đó ngăn chặn sự hình thành các đụn cát bằng cách trồng “vành đai xanh” với chi phí khoảng 3,8 triệu USD. 

 HOÀNG MINH

Ý kiến bạn đọc