Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Hội diễn Nghệ thuật quần chúng Ca khúc cách mạng: Ngân vang giai điệu tự hào

Thứ Sáu 21/04/2023 | 11:17 GMT+7

VHO- Tối 19.4 tại Vĩnh Phúc, Hội diễn nghệ thuật quần chúng Ca khúc cách mạng với chủ đề “Tự hào giai điệu Tổ quốc” do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức đã chính thức khai mạc. Dự buổi lễ có Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, lãnh đạo UBND, Sở VHTTDL các tỉnh trong cụm thi đua Đồng bằng sông Hồng, các tỉnh có đoàn tham gia hội diễn.

Mang đến nhiều cung bậc cảm xúc, Hội diễn Nghệ thuật quần chúng ca khúc cách mạng có sự tham gia của 28 đoàn nghệ thuật quần chúng thuộc Trung tâm Văn hóa các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

 Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy tặng hoa chúc mừng các đoàn tham dự hội diễn

Những ca khúc đi cùng năm tháng

Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) Ninh Thị Thu Hương, Trưởng BTC Hội diễn cho biết, Hội diễn Nghệ thuật quần chúng Ca khúc cách mạng là hoạt động văn hóa hướng tới chào mừng kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam. Thông qua Hội diễn nhằm tuyên truyền sâu rộng truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của dân tộc; giáo dục tư tưởng chính trị, lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, khắc sâu đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương nhấn mạnh, lịch sử dựng nước và giữ nước được hun đúc từ lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc trải suốt hàng ngàn năm lịch sử. Trong thời đại Hồ Chí Minh, các giá trị văn hóa Việt Nam đã khơi dậy khát vọng đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, trở thành động lực tinh thần to lớn, góp phần chuyển hóa thành sức mạnh vật chất để làm nên chiến thắng. Giá trị văn hóa đó được thể hiện trong từng lời ca, tiếng hát của các ca khúc cách mạng, được hình thành và phát triển từ khi có phong trào yêu nước do Đảng lãnh đạo; từ những năm 30 của thế kỷ XX, với Cùng nhau đi hồng binh của tác giả Đinh Nhu; Cờ Việt Minh của Vương Gia Khương, Du kích ca của Đỗ Nhuận, Phất cờ Nam tiến của Hoàng Văn Thái, Tiến quân ca của Văn Cao, Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi… Những ca khúc khẳng định dấu son trên đường phát triển của dòng ca khúc cách mạng Việt Nam.

Trong kháng chiến chống Pháp, chủ đề của các ca khúc cách mạng Việt Nam được mở rộng. Nhiều ca khúc về Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời. Hình ảnh vị Cha già dân tộc gần gũi, thân thương được khắc họa trong Ca ngợi Hồ Chủ tịch. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam được nhạc sĩ Đỗ Minh thể hiện trong Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam… Không khí hào hùng và lạc quan, tự hào bởi chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang đã ùa vào hàng loạt ca khúc năm 1954 như: Chiến thắng Điện Biên; Quê tôi giải phóng; Hát mừng anh hùng Núp; Ngày về; Ta lớn lên... Các ca khúc Sẽ về Thủ đô của nhạc sĩ Huy Du và Tiến về Hà Nội của nhạc sĩ Văn Cao được viết rất sớm, nhưng lại dự cảm được không khí hùng tráng, niềm vui ngút ngàn thắng lợi của năm 1954.

Trong kháng chiến chống Mỹ, nhiệm vụ cổ vũ chiến đấu, giải phóng miền Nam là đề tài chính của âm nhạc, nhiều ca khúc đi cùng năm tháng ra đời. Đây là giai đoạn ca khúc cách mạng Việt Nam nở rộ. Năm 1960, khi miền Nam bắt đầu vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, ca khúc Giải phóng miền Nam ra đời, mở đầu cho hàng loạt sáng tác về đề tài chống Mỹ cứu nước. Cho đến bước ngoặt mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, các nhạc sĩ ghi lại sự kiện này bằng những ca khúc thời sự, có giá trị về nghệ thuật - tư tưởng, trở thành những bài ca truyền thống cách mạng sau này: Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân giải phóng; Cô gái Sài Gòn đi tải đạn; Nổi lửa lên em; Anh ở đầu sông em cuối sông; Chia tay hoàng hôn.

Dấu ấn của ca khúc giai đoạn trước, trong và sau thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh, với một dàn hợp ca hát mừng đất nước thống nhất: Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng; Đất nước trọn niềm vui; Mùa Xuân trên thành phố Hồ Chí Minh; Tổ quốc chưa đẹp thế bao giờ… Các ca khúc Việt Nam lan tỏa, hòa cùng với âm nhạc thế giới, phản ánh cuộc chiến tranh, kêu gọi hoà bình, thúc giục đấu tranh giành độc lập, tự do.

Sau chiến thắng mùa Xuân năm 1975, các ca khúc cách mạng lại vang khúc khải hoàn cùng dân tộc, tiếp tục sự nghiệp xây dựng con người mới, xã hội mới. “Âm nhạc không chỉ đóng góp to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ mà còn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thời kỳ mới - xã hội chủ nghĩa. Âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng tư tưởng tình cảm, định hướng thị hiếu thẩm mỹ và lối sống của công chúng. Ca khúc cách mạng ngày nay không còn đóng khung trong những bài ca thuộc giai đoạn trường kỳ kháng chiến mà đã mở rộng, phát triển thành dòng nhạc mang tinh thần tập thể, tiếng nói dân tộc, tiếp thêm động lực cho quân dân ta trong những trận tuyến mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương nhấn mạnh.

 Hội diễn mang đến nhiều cảm xúc với những ca khúc đi cùng năm tháng

Tự hào giai điệu Tổ quốc

Trong nhiều ngày qua, các nghệ sĩ, diễn viên thuộc các đoàn nghệ thuật quần chúng các tỉnh, thành phố đã nỗ lực chuẩn bị, dàn dựng, tập luyện để mang đến Hội diễn nhiều tiết mục đặc sắc, được dàn dựng công phu, hoành tráng. Các tiết mục có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, tình yêu quê hương đất nước, biển, đảo Việt Nam; ca ngợi truyền thống đấu tranh, tinh thần cách mạng kiên cường, bất khuất của dân tộc trong các cuộc kháng chiến và trong công cuộc xây dựng đất nước; những thành tựu đã đạt được trong lao động, sản xuất; khát vọng cống hiến của nhân dân trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới và hội nhập.

Những ca khúc tự hào, những giai điệu đẹp được khắc họa trong từng tiết mục. Thông qua Hội diễn nhằm tuyên truyền thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến cứu nước, giáo dục lòng tự hào dân tộc, lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, biết ơn các anh hùng đã chiến đấu anh dũng vì độc lập tự do, hoà bình và thống nhất Tổ quốc. Đây cũng là dịp để các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công trên khắp mọi miền đất nước thể hiện tài năng, sáng tạo, niềm đam mê nghệ thuật, từ đó, trau dồi kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa nghệ thuật ở cơ sở.

Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc Bùi Hồng Đô cho biết, Hội diễn nghệ thuật quần chúng ca khúc cách mạng toàn quốc năm 2023 được tổ chức đúng vào dịp tỉnh Vĩnh Phúc đang rốt ráo triển khai, tổ chức thực hiện và cụ thể hóa Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; triển khai các cơ chế, chính sách cho văn hóa, tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là triển khai xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu...

Những giai điệu tự hào của các bài hát được ngân vang, các cung bậc cảm xúc đầy nhiệt huyết, thấm đẫm ân tình sẽ được thể hiện thông qua các chương trình đặc sắc do 28 đoàn nghệthuật quần chúng đến từ các vùng miền dàn dựng vàthểhiện. Hội diễn diễn ra đến 22.4 tại Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc. 

 28 đoàn nghệ thuật quần chúng thuộc các tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia Hội diễn với các chương trình ca - múa - nhạc tổng hợp, dàn dựng theo hình thức nhóm ca khúc cách mạng, trong đó chương trình ca lựa chọn các thể loại ca khúc, tổ khúc, trường ca, hợp xướng với hình thức biểu diễn đơn ca, song ca, tốp ca, hợp ca; chương trình múa lựa chọn các thể loại kịch múa, thơ múa, sử dụng âm nhạc mang âm hưởng, giai điệu của các ca khúc cách mạng có lời hoặc không có lời với hình thức biểu diễn múa đơn, múa đôi, múa tập thể; chương trình nhạc lựa chọn các thể loại độc tấu, song tấu, hòa tấu.

Trong thời gian diễn ra hội diễn, các đoàn nghệ thuật sẽ lưu diễn phục vụ nhân dân vào các ngày 20.4 tại huyện Vĩnh Tường và TP Phúc Yên, ngày 21.4 tại thị trấn Tam Đảo.

P. NGÂN

MINH NGỌC; ảnh: TUẤN LINH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top