Đà Nẵng: Phát triển ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc trưng

VHO-Nhằm tạo sản phẩm du lịch mới hấp dẫn để thu hút du khách, Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết đơn vị đã có kế hoạch phát triển ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc trưng giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2030.

Kế hoạch cũng định hướng các thị trường, đối tượng, thị hiếu khách cụ thể theo từng giai đoạn, đồng thời xây dựng hệ thống tiêu chí của sản phẩm dịch vụ ẩm thực theo 5 nhóm gồm: tiêu chí đặc trưng, chuẩn vị của món ăn, thức uống; tiêu chí dinh dưỡng, bảo đảm chất lượng về nguyên liệu; tiêu chí chất lượng cao về dịch vụ, đặc sắc về giá trị giải nghiệm; tiêu chí an toàn thực phẩm; tiêu chí bền vững (thân thiện với môi trường).
Mục tiêu đến năm 2025, hình thành các sản phẩm du lịch ẩm thực có chất lượng và đặc sắc theo 3 nhóm và 3 phân khúc theo định hướng phát triển và đáp ứng các tiêu chí của sản phẩm, dịch vụ ẩm thực. Đến năm 2030, tiếp tục phát triển hệ thống sản phẩm du lịch ẩm thực đặc sắc, chuyên nghiệp, chất lượng cao theo 3 nhóm và 3 phân khúc định hướng...

Đà Nẵng: Phát triển ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc trưng - Anh 1

Các hội chợ ẩm thực du lịch được tổ chức thường xuyên góp phần quảng bá cho ngành Du lịch địa phương

Theo Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh, kế hoạch phát triển ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc sắc tên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn năm 2023 đến năm 2030 nhằm đa dạng hóa, hình thành hệ thống sản phẩm du lịch thu hút khách trong nước và quốc tế đến Đà Nẵng.
Theo đó, định hướng phát triển Đà Nẵng thành điểm đến du lịch ẩm thực đặc sắc, chất lượng cao, có thương hiệu và nổi bật của Việt Nam và khu vực. Đến năm 2030, Đà Nẵng là trung tâm du lịch ẩm thực quốc tế đặc sắc, chất lượng cao của Việt Nam và khu vực, nơi hội tụ ẩm thực truyền thống và hiện đại, địa phương và quốc tế.

Tại buổi làm việc giữa Sở Du lịch TP với UBND TP Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến đánh giá cao ý tưởng đưa ẩm thực lên tầm cao mới. Khẳng định đây sẽ là một dịch vụ hay, hiệu quả, là cách nâng tầm giá trị món ăn, đưa sự đặc trưng của món ăn địa phương đến quảng bá với bạn bè quốc tế. Tuy nhiên theo bà Yến, cần chi tiết những vấn đề như: sự đặc sắc, chất lượng của sản phẩm, xác định các phân khúc khách hàng cụ thể; tư duy dịch vụ cho các chủ cơ sở dịch vụ hiện có để tạo được sự đặc sắc, xây dựng các “câu chuyện ẩm thực”.

Đà Nẵng: Phát triển ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc trưng - Anh 2

Tại các khu du lịch, nghỉ dưỡng, nâng cao chất lượng ẩm thực là một vấn đề quan trọng trong phục vụ du khách

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến cũng thống nhất quan điểm của Sở Du lịch, dịch vụ nào có sẵn thì nâng cấp lên. Tùy theo quan điểm, xu hướng ở từng thời điểm để hỗ trợ cho các cơ sở dịch vụ có trước. Hiện nay, nếu chưa có các địa điểm cố định thì nên đề xuất với thành phố về những địa điểm có thể kêu gọi để tổ chức các sự kiện về ẩm thực trong từng thời điểm, sự kiện cụ thể cho phép để thực hiện.

Tại buổi làm việc, đại diện các quận, huyện cũng góp ý về việc hình thành các sản phẩm ẩm thực cụ thể dựa trên thị hiếu của du khách cũng như sản phẩm đặc trưng của địa phương, trong đó có các sản phẩm OCOP; chuẩn hóa về chất lượng sản phẩm; tạo được sự đặc trưng…  Đơn cử như sản phẩm OCOP, từ tháng 4.2023, thành phố Đà Nẵng đã đồng thời đưa vào hoạt động hai điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của thành phố tại chợ Hàn và các chợ đêm Sơn Trà. Tại khu vực chợ Hàn, điểm giới thiệu và bán sản phẩm hàng Việt, sản phẩm OCOP tại chợ đặt ngay tại vị trí trung tâm, bắt mắt nhất (cổng phía Đông đường Bạch Đằng) trưng bày, giới thiệu hơn 100 loại sản phẩm của gần 20 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và các tỉnh thành. Các sản phẩm tại quầy hàng là sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm lưu niệm du lịch, sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm khởi nghiệp. Tương tự, tại chợ đêm Sơn Trà cũng triển khai và đưa vào hoạt động 8 ki-ốt giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của thành phố và sản phẩm đến từ một số tỉnh thành lân cận.
Bà Nguyễn Thị Thúy Mai - Phó Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cho biết, việc hình thành các điểm bán trên tại nơi thu hút khách du lịch sẽ góp phần tạo điều kiện cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu... có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến rộng rãi người dân và du khách trong nước, quốc tế. 

MINH CHÂU

Ý kiến bạn đọc