Cuộc chiến vì tương lai loài người ở biên giới mới của quyền lực

VHO - Lấy các công ty công nghệ khổng lồ đại diện tiêu biểu của chủ nghĩa tư bản giám sát là ba tập đoàn hùng mạnh Google, Facebook và Microsoft làm trung tâm phân tích, cuốn sách Kỷ nguyên chủ nghĩa tư bản giám sát: Cuộc chiến vì tương lai loài người ở biên giới mới của quyền lực của tác giả Shoshana Zuboff vừa được Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành bản tiếng Việt.

Cuộc chiến vì tương lai loài người ở biên giới mới của quyền lực - Anh 1

Trong thời đại ngày nay, nền kinh tế - xã hội kỹ thuật số với sự phát triển mạnh mẽ, không giới hạn của công nghệ thông tin đã khiến cho loài người phải đối mặt với nhiều mối đe dọa và thách thức về quyền tự chủ của mình, khi mà thông tin cá nhân, dữ liệu hành vi của mỗi con người trở thành một nguồn tài nguyên quý giá được thu thập lại, bị khai thác, kiểm soát và được sản xuất như một dạng hàng hóa đặc biệt nhằm phục vụ cho mục đích lợi ích của những người khác. Đây chính là mấu chốt tạo nên một hình thức quyền lực chưa từng có được đặt dưới cái tên “chủ nghĩa tư bản giám sát”.

Nhằm cung cấp cho bạn đọc, các nhà lãnh đạo, nhà lập pháp, các nhà khoa học những tài liệu nghiên cứu cụ thể, ví dụ thực tế và đánh giá, phân tích những mức độ nghiêm trọng mà chủ nghĩa tư bản giám sát gây ra đối với sự tồn tại của nền dân chủ và quyền tự chủ cơ bản của con người, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản lần thứ hai cuốn sách Kỷ nguyên chủ nghĩa tư bản giám sát: Cuộc chiến vì tương lai loài người ở biên giới mới của quyền lực của tác giả Shoshana Zuboff - giáo sư Đại học Harvard, nhà tâm lý xã hội học và nhà triết học.

Cuốn sách lấy các công ty công nghệ khổng lồ đại diện tiêu biểu của chủ nghĩa tư bản giám sát là ba tập đoàn hùng mạnh Google, Facebook và Microsoft làm trung tâm phân tích, nhằm tổng hợp thông tin để thấu hiểu được các khía cạnh chưa từng có của hoạt động tư bản giám sát và mức độ nghiêm trọng cũng như những hậu quả mà nó đang gây ra cho cuộc sống chúng ta. Cuốn sách được chia thành ba phần. Phần I gồm 5 chương, đề cập đến nền tảng của chủ nghĩa tư bản giám sát: nguồn gốc ra đời và sự phát triển ban đầu của nó. Phần II gồm 5 chương, theo dõi sự phát triển của chủ nghĩa tư bản giám sát từ thế giới trực tuyến sang thế giới thực. Phần III gồm 6 chương, xem xét và phân tích quyền lực công cụ cho một giai đoạn hiện đại thứ ba. Phần Kết luận cho ta thấy chủ nghĩa tư bản giám sát như là một cuộc đảo chính từ bên trên: không phải là một cuộc lật đổ nhà nước mà là một cuộc lật đổ chủ quyền của người dân.

Cuốn sách là một tài liệu tham khảo hữu ích đối với các nhà lãnh đạo, nhà lập pháp, các nhà khoa học và độc giả nói chung.

MINH HÀ

Ý kiến bạn đọc