Chuyện sắc phong bị mất và đấu giá ở nước ngoài: Đau đáu nỗi lo “chảy máu” cổ vật

VHO- Những sắc phong của đền Quốc Tế xã Dị Nậu (huyện Tam Nông, Phú Thọ) bị đánh cắp từ năm 2021 nay bất ngờ được rao bán công khai trên mạng ở Trung Quốc, cùng nhiều sắc phong khác của các làng xã Việt Nam không chỉ khiến người dân địa phương, nơi có những sắc phong bị đánh cắp mất ăn mất ngủ, mà còn đặt ra những lo lắng về vấn nạn đánh cắp sắc phong, cổ vật tại các di tích.

Chuyện sắc phong bị mất và đấu giá ở nước ngoài: Đau đáu nỗi lo “chảy máu” cổ vật - Anh 1

Sắc phong thần tài đền Quốc Tế bị mất cắp tháng 5.2021, ba tháng sau đã bị đấu giá thành công tại Trung Quốc

PGS.TS Bùi Xuân Đính viết trên Facebook cá nhân: “Mất sắc phong cùng cổ vật là mất mát lớn, tác hại lớn, một vấn đề hệ trọng, nghiêm trọng cần có giải pháp ngăn chặn”.

Vấn đề nghiêm trọng cần giải pháp ngăn chặn

Theo PGS.TS Bùi Xuân Đính, hiện tượng mất sắc phong trong các đình, đền, miếu đã diễn ra từ đầu thập niên 1990 chứ không phải vào những năm gần đây. Ông thường về đình, đền, miếu, chùa các làng xã sưu tầm tài liệu, thấy các cụ để sắc phong sơ hở và thường xuyên nhắc các cụ, các cán bộ thôn, xã có biện pháp bảo vệ. Nhưng rồi, nhiều nơi vẫn bị kẻ gian lợi dụng lúc sơ hở để lấy cắp những di sản giá trị này.

“Một ngày tháng 6.1995, tôi đang làm việc với Đảng ủy xã Đông La (huyện Hoài Đức, khi đó thuộc Hà Tây), về việc xuất bản cuốn Lịch sử cách mạng xã thì một cụ ở làng Đông Lao hốt hoảng vào phòng họp báo mất 25 đạo sắc phong tối qua. Rồi vài ngày sau, cán bộ xã lại báo với tôi, làng Thọ Vực (xã Yên Nghĩa, ở làng bên (nay là phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) cũng mất hết 7 đạo sắc…”, PGS.TS Bùi Xuân Đính điểm một vài ví dụ.

Trở lại vụ việc, thông tin đăng tải trên mạng xã hội của anh Trần Ngọc Đông, một thành viên tích cực của cộng đồng bảo vệ di sản Việt về những đạo sắc phong Việt Nam bị rao bán tại Trung Quốc khiến dư luận thực sự… giật mình. Vấn nạn đã tồn tại từ rất lâu này đến nay hiển hiện thành nguy cơ mất vĩnh viễn những di sản văn hóa tinh thần quý giá. Sắc phong là văn bản của vua ban để phong chức tước cho quan chức, khen thưởng những người có công hoặc phong thần và xếp hạng cho các vị thần, Thành hoàng được xây dựng trong các đình, làng. Trong các loại sắc phong thì sắc phong thần được coi là quan trọng nhất. “Đây là tài sản chung của cả làng, cả xã nên thường được lưu giữ tại đình đền. Xưa kia sắc phong có ý nghĩa to lớn với làng xã về mặt tinh thần và tâm linh, vì thế được toàn dân giữ gìn cẩn thận, coi như bảo vật. Nếu chẳng may sắc phong thần bị hỏng thì cả làng phải chịu tội…”, theo tác giả Trần Ngọc Đông.

Anh Đông cũng xót xa, trải qua những biến động của lịch sử, qua thời kỳ chiến tranh, đình làng bị phá hủy mà những sắc phong thần ấy cũng phần nhiều đã hóa thành cát bụi. Sau này, khi di tích hồi sinh, giá trị của những sắc phong được chú ý nhiều hơn thì sinh ra nạn trộm cắp ở các di tích của làng quê, nhiều sắc phong bị lấy trộm rồi bán giá rẻ cho những con buôn và một phần đã tuồn ra nước ngoài. Những đạo sắc phong thiêng liêng ấy được dân làng bao năm gìn giữ trở thành những món đồ mua qua bán lại như vật phẩm tầm thường. Trong số rất nhiều sắc phong bị đánh cắp, đáng chú ý có loạt sắc phong ở Dị Nậu. Ngôi đền Quốc Tế đã từng nổi tiếng là nơi giữ nhiều đạo sắc phong có giá trị nhất tỉnh Phú Thọ. Tháng 5.2021, kẻ gian đã đột nhập vào ngôi đền lấy đi 40 đạo sắc phong là báu vật của làng. Trải qua nhiều thời gian tìm kiếm, gần hai năm sau những sắc phong lại đang được rao bán trên mạng ở Trung Quốc.

Phó Chủ tịch UBND xã Dị Nậu (huyện Tam Nông, Phú Thọ) Đoàn Văn Lực đã có văn bản gửi UBND huyện Tam Nông về việc này. Theo đó, năm 2021, khi phát hiện sắc phong bị mất, UBND xã Dị Nậu đã báo cáo các cơ quan chức năng xác minh, điều tra giúp địa phương. Căn cứ thông tin trên, UBND xã Dị Nậu đã báo cáo, đề nghị UBND huyện Tam Nông và các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, điều tra giúp xã Dị Nậu sớm tìm ra, nhận lại được số sắc phong đã bị mất.

Xót xa trước vấn nạn này, anh Trần Ngọc Đông đã kỳ công thực hiện các thống kê, cung cấp thông tin về những sắc phong Việt Nam bị mang bán đấu giá tại Trung Quốc, trong đó có nhiều sắc phong triều Nguyễn, sắc phong triều Lê - Tây Sơn, sắc phong đền Quốc Tế có thông tin trên web đấu giá… Trong bài đăng gần nhất, Trần Ngọc Đông thông tin về danh sách sắc phong thần của Việt Nam có lịch sử đấu giá tại website Công ty đấu giá Dương Minh Thượng Hải. Hiện có tới 101 sắc phong thần đã từng có mặt tại trang đấu giá, trong đó có một sắc phong có thể là giả, hoặc chép lại nên không đúng lề lối.

Đau đáu nỗi lo đạo sắc phong bị đánh cắp

Sau công văn của Cục Di sản văn hóa đề nghị xác minh tính xác thực của các sắc phong hiện đang rao bán trên có nguồn gốc tại các di tích, bảo tàng và các địa điểm liên quan ở địa phương, nhiều chuyên gia về di sản, văn hóa tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ. Câu hỏi được đặt ra nhiều trong những ngày qua là làm thế nào để ngăn chặn nạn mất trộm cổ vật, bao gồm các sắc phong đã tồn tại nhiều năm qua. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều di tích đình, đền chùa khi thiếu người trông coi, biện pháp bảo vệ sơ sài…

Giám đốc Sở VHTTDL Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy cho biết, những thông tin về việc đấu giá sắc phong được cho là của đền Quốc Tế đã được Sở báo cáo ngay UBND tỉnh Phú Thọ, đề nghị Công an tỉnh, Sở Ngoại vụ thống nhất xác minh thông tin. “Chúng tôi đề nghị xác minh thông tin xem đó là sắc phong thật hay giả. Trường hợp sắc phong thật, chúng tôi đề xuất Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải (Trung Quốc) can thiệp để ngăn chặn tình trạng bán đấu giá tài sản của Việt Nam trên mạng. Công an địa phương báo cáo Bộ Công an để thống nhất phương án hợp tác quốc tế trong việc xử lý hiện vật bị đánh cắp”, theo ông Thuỷ. Về phương án hồi hương các đạo sắc phong bị rao bán, Giám đốc Sở VHTTDL Phú Thọ nêu quan điểm chọn con đường ngoại giao văn hóa, hợp tác quốc tế để xác định nguồn gốc, đưa hiện vật bị đánh cắp trả lại cho cộng đồng sở hữu.

Nhiều kỳ vọng được đặt ra. Thế nhưng, con đường “hồi hương” những sắc phong quý giá chắc chắn sẽ còn không ít những khó khăn. Cũng theo các chuyên gia văn hóa, lâu nay, chuyện mất cổ vật ở trong các đình, đền, chùa diễn ra khá nhiều nhưng chế tài xử phạt lại rất nhẹ. Các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương cũng đã có giải pháp như lắp chuông báo động, camera… nhưng tình trạng mất mát vẫn diễn ra. Anh Trần Ngọc Đông cho rằng, việc bảo quản các sắc phong hiện khá thô sơ, sơ sài… Đa số các địa phương đều giao việc giữ gìn, bảo vệ cổ vật cho BQL là những cụ cao niên của làng trông nom. Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng mất cổ vật cần thay đổi phương pháp quản lý di tích. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của người trông coi, bảo vệ cổ vật, quá trình tiến hành kiểm soát, kiểm kê cổ vật cũng cần được quan tâm, chú trọng nhiều hơn.

Sự sơ hở trong trông coi, bảo quản cổ vật, sắc phong dường như đã mở rộng thêm cánh cửa để các nhóm buôn cổ vật tiếp tục “săn lùng” ở Việt Nam. Thực tế nhiều năm qua, rất nhiều sắc phong được thu gom với giá rẻ và bán lại cho các nhà đấu giá Trung Quốc. Trước thực tế đó, theo PGS.TS Bùi Xuân Đính, chính quyền, BQL di tích cấp xã và tiểu ban quản lý di tích ở các thôn làng… cần có giải pháp để bảo vệ nguồn tài liệu trở thành báu vật của cộng đồng. 

 HÀ PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc