Xung quanh việc tháo dỡ những ngôi đình, nhà thờ cổ đem bán: Ngăn chặn ngay hiện tượng phi văn hóa

VHO-Sau khi Văn Hóa khởi đăng loạt bài điều tra về sự tàn nhẫn đối với di sản của tiền nhân qua việc tháo dỡ những ngôi đình, nhà thờ cổ đem bán, chúng tôi đã nhận được ý kiến phản hồi tích cực từ giới chuyên gia, nhà nghiên cứu, quản lý và đông đảo bạn đọc…

Xung quanh việc tháo dỡ những ngôi đình, nhà thờ cổ đem bán: Ngăn chặn ngay hiện tượng phi văn hóa - Anh 1

Đa số đều nhấn mạnh đến việc báo đã kịp thời gióng lên hồi chuông cảnh báo về một hiện tượng bất nhẫn với di sản, đồng thời đề nghị cần phải truy trách nhiệm đến cùng.

Qua hiện tượng này nổi lên nhiều vấn đề

Xung quanh việc tháo dỡ những ngôi đình, nhà thờ cổ đem bán: Ngăn chặn ngay hiện tượng phi văn hóa - Anh 2

“Tôi đã đọc loạt bài của Văn Hóa phản ánh tình trạng một số địa phương buông lỏng quản lý để cho người dân tự ý tự quyền hạ giải đem toàn bộ cấu kiện gỗ của đình đi bán, lấy thêm chút tiền xây dựng mới đình bằng vật liệu bê tông cốt thép. Qua hiện tượng này tôi thấy nổi lên một số vấn đề cần quan tâm.

Đình làng là ngôi nhà chung của cả cộng đồng dân làng. Có thể nói cho đến nay tuy không còn mang đầy đủ các chức năng xưa kia, nhưng đình vẫn là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng làng xã. Vì thế việc hạ giải, đem bán những cấu kiện gỗ của đình vốn đã tồn tại cùng với thời gian, đó là chưa nói đến ở đấy chứa đựng nhiều giá trị điêu khắc, phản ánh một giai đoạn của lịch sử mỹ thuật truyền thống, là điều rất khó chấp nhận. Chúng ta hoàn toàn tôn trọng quyền làm chủ của người dân, cụ thể ở đây là các cụ cao tuổi, nhưng không vì thế được phép làm trái những điều mà pháp luật quy định. Tôn trọng quyền làm chủ của người dân trong việc ra quyết định tu bổ đình, nhưng cũng cần phải tôn trọng quy định của Luật Di sản văn hóa. Vì thế trong thời gian tới các cấp chính quyền, cơ quan chức năng cần làm thế nào để cho người dân, nhất là người cao tuổi hiểu được giá trị của di sản, để từ đó họ có cách ứng xử, bảo vệ đối với di tích.

Qua hiện tượng khó chấp nhận này, cơ quan chức năng cần phải vào cuộc tích cực để điều tra làm rõ có hay không một nhóm người lợi dụng người cao tuổi đang có ý định tu bổ, tôn tạo đình chùa để gạ gẫm, rủ rê, thậm chí là mua chuộc để người dân hạ giải, đem bán cấu kiện gỗ rất có giá trị. Cần làm rõ trong quá trình mua bán có thuế khóa không? Cạnh đó, chính quyền, cơ quan chức năng ở đâu khi để xảy ra sự việc vô cùng đáng tiếc này? Ai phải chịu trách nhiệm trong khi những ngôi đình ấy vẫn còn nguyên giá trị hiểu theo đúng nghĩa của nó. Cơ quan quản lý di sản từ Trung ương đến địa phương cần phải thấy đây là vấn đề nghiêm trọng chứ không còn là hiện tượng cá biệt, vì thế cần biện pháp mạnh mẽ hơn trong việc nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ di sản văn hóa”.

(Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC)

Công tác quản lý di tích ở địa phương còn lỏng

Xung quanh việc tháo dỡ những ngôi đình, nhà thờ cổ đem bán: Ngăn chặn ngay hiện tượng phi văn hóa - Anh 3

“Rõ ràng, qua vụ việc và hiện tượng mà Văn Hóa nêu cho phép chúng ta nghĩ rằng, công tác quản lý, bảo vệ di tích còn có nhiều vấn đề, nói đúng ra còn lỏng lẻo. Theo thời gian, nhiều di tích trong đó có những ngôi đình sẽ bị xuống cấp cần phải tu bổ, tôn tạo. Đó là điều đương nhiên, nhưng khi tiến hành đánh giá hiện trạng sự xuống cấp của ngôi đình thì ai cũng thấy rõ ở trong đó còn có những mảng điêu khắc, chạm trổ rất có giá trị về nghệ thuật. Điều này không phải khi nào người dân cũng nhận ra mà phải có sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền xã, huyện, Phòng VHTT. Vậy họ ở đâu trong những vụ việc này?

Tôi cho rằng việc người dân tự ý hạ giải khi chưa có ý kiến của cơ quan chức năng, rồi chưa được cơ quan chuyên môn tiến hành đánh giá cấu kiện gỗ của ngôi đình mà tự ý quyết định đem bán là không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vi phạm đạo đức, bởi đây là hiện tượng phản văn hóa. Chính vì vậy, đề nghị Sở, ngành và các nhà chuyên môn cần phải vào cuộc kiểm tra và có biện pháp chấn chỉnh ngay, tránh hiện tượng này lan sang những tỉnh, thành khác”.

(PGS.TS ĐẶNG VĂN BÀI, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam)

Đây là một bài học lớn

Xung quanh việc tháo dỡ những ngôi đình, nhà thờ cổ đem bán: Ngăn chặn ngay hiện tượng phi văn hóa - Anh 4

“Có thể nói vụ việc này là một trong những hiện tượng phi văn hóa, vì nếu biết trân trọng, giữ gìn, bảo vệ di sản của tiền nhân thì không ai đem bán những cấu kiện gỗ mang trong mình nó nhiều giá trị như vậy. Nhân đây tôi cũng có khuyến cáo rằng, hiện đang có xu hướng bê tông hóa nhiều công trình di tích lịch sử, mang lại dáng vẻ khô cứng, trong khi đó vẻ đẹp mềm mại, uyển chuyển của những ngôi đình lại ngày càng mất đi. Đây là điều đau xót.

Trở lại với câu chuyện đình làng Thanh Khê, chúng ta hoàn toàn tôn trọng ý kiến của cộng đồng, nhất là những người cao tuổi, vì họ là chủ thể của di sản cả vật thể và phi vật thể. Tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa chúng ta ủng hộ cách làm trái với quy định của pháp luật, cụ thể là Luật Di sản văn hóa. Đáng lẽ họ cần tôn trọng ý kiến của cơ quan chuyên môn, chính quyền để làm sao công việc tu bổ, tôn tạo đình vừa đúng với quy định, vừa đảm bảo giữ được tính nguyên gốc của di tích. Trước hiện tượng này, chính quyền và cơ quan chức năng không thể vô can, nói cách khác họ không gần cơ sở, không bám sát cơ sở nên mới để xảy ra câu chuyện như thế. Đây là một bài học lớn, vì chúng ta buồn một phần về ý thức, nhận thức của các cụ ở đình làng Thanh Khê, nhưng càng buồn và đáng trách hơn về cách quản lý của chính quyền, cơ quan chức năng. Tôi nghĩ cần phải có biện pháp ngăn chặn ngay tình trạng này”.

(PGS.TS PHẠM MAI HÙNG, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam)

Có rất nhiều nguyên nhân của hiện tượng này

Xung quanh việc tháo dỡ những ngôi đình, nhà thờ cổ đem bán: Ngăn chặn ngay hiện tượng phi văn hóa - Anh 5

“Hiện tượng mua bán các bộ khung, kết cấu gỗ của các công trình kiến trúc truyền thống như đình, chùa, đền, miếu, nhà ở truyền thống... có giá trị đã diễn ra từ hàng chục năm nay. Ngoài tác động chung của quá trình đô thị hóa thì một số nguyên nhân chính là: Do nhận thức còn yếu kém hoặc do hoàn cảnh khó khăn của chủ sở hữu vì không hiểu đúng giá trị đặc biệt của loại hình kiến trúc gỗ, chỉ mong bê tông hóa để nhằm “hiện đại và bền vững” cho công trình; Do lòng tham của người bán, kẻ mua; Do sự quản lý yếu kém của chính quyền địa phương và các ngành liên quan...

Để khắc phục hiện tượng này thì trước hết cần đẩy nhanh việc kiểm kê các di sản văn hóa, trong đó có loại hình kiến trúc truyền thống; ban hành các chính sách chặt chẽ để quản lý; tăng cường công tác thanh, kiểm tra để xử lý các vi phạm, và để gìn giữ các di sản một cách bền vững “sâu rễ bền gốc” thì cần tăng cường giáo dục về di sản, nâng cao nhận thức cho cộng đồng và chính quyền địa phương”.

(TS PHAN THANH HẢI, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia)

 

 Di tích đình Thanh Khê không được quản lý, bảo vệ theo quy định

T rong một diễn biến mới nhất, theo một nguồn tin chúng tôi mới nhận được, Bảo tàng tỉnh, cơ quan chức năng quản lý di tích trên địa bàn tỉnh Nam Định, vừa có Báo cáo số 24/BC-BT về Kết quả khảo sát, xác minh việc hạ giải, xây mới di tích đình Thanh Khê (xã Yên Nghĩa, huyện Ý Yên) gửi Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh.

Trong Báo cáo này có hai điểm rất đáng chú ý, đó là “Ban Khánh tiết đã bán 8 cột gỗ và một số chạm khắc của các bộ vì nóc, vì nách cho người dân ở huyện Hải Hậu, một số cấu kiện khác được sử dụng trong quá trình thi công công trình”. Và “Đình Thanh Khê là di tích nằm trong Danh mục kiểm kê được UBND tỉnh phê duyệt, công bố năm 2017, 2023, vì vậy di tích được bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hóa 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009”. Cũng theo Báo cáo của Bảo tàng tỉnh Nam Định, căn cứ quy định phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh Nam Định ban hành theo Quyết định số 19/2017/QĐ-UBND ngày 7.7.2017 của UBND tỉnh Nam Định, di tích đình, phủ Thanh Khê thuộc trách nhiệm quản lý của UBND xã Yên Nghĩa.

Căn cứ vào Báo cáo này, chúng tôi nhận thấy trong quá trình điều tra đã tiến hành xác minh từ phía cơ quan chức năng rằng đình Thanh Khê thuộc diện kiểm kê hay đã xếp hạng? Tuy nhiên, tại thời điểm xác minh chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời từ phía đại diện của cơ quan chức năng, đình Thanh Khê vẫn chưa thuộc diện đưa vào Danh mục kiểm kê di tích. Thế nhưng trong Báo cáo trên của Bảo tàng tỉnh Nam Định lại thừa nhận, đình Thanh Khê đã được vào Danh mục kiểm kê di tích, trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc về UBND xã Yên Nghĩa. Vậy trách nhiệm của các bên liên quan như thế nào? Hiện vụ việc này đã được Thanh tra Sở VHTTDL vào cuộc làm rõ, UBND huyện Ý Yên đang chỉ đạo các phòng, ban báo cáo giải trình, đồng thời kiểm điểm trách nhiệm. Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) cũng đề nghị Sở VHTTDL Nam Định báo cáo cụ thể.

Văn Hóa sẽ trở lại vụ việc khi có những thông tin mới. N.T.S

NGUYỄN THANH SƯƠNG (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc