Hân hoan trong​​​​​​​ ngày hội lớn

VHO- Cuối tuần qua, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã diễn ra chuỗi hoạt động hấp dẫn, sôi động, đặc sắc nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19.4), thu hút đông đảo du khách tới tham quan, trải nghiệm…

Hân hoan trong​​​​​​​ ngày hội lớn - Anh 1

 Lễ cúng ché của dân tộc Ê Đê, tỉnh Đắk Lắk

Hấp dẫn các hoạt động

Đến với “Ngôi nhà chung” dịp này, du khách được hoà mình vào các lễ hội truyền thống và thưởng thức những tiết mục nghệ thuật độc đáo của đồng bào như: Trình diễn giai điệu Tây Nguyên Giấc mơ đại ngàn tại Không gian làng dân tộc Ê Đê; giao lưu Ngày hội vùng miền các dân tộc phía Bắc tại Không gian làng dân tộc Thái; tái hiện Tết Chôl Chnăm Thmây của dân tộc Khmer tại Làng dân tộc Khmer; tái hiện nghi lễ nông nghiệp truyền thống Mang lúa về kho của dân tộc Mạ, Lâm Đồng; tái hiện Lễ cúng ché của dân tộc Ê Đê, Đắk Lắk… Cùng với đó là chương trình giao lưu Chung một niềm tin của các nhóm đồng bào Nùng, Tày, Dao, Thái, Mông, Mường, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer… đang hoạt động hằng ngày tại Làng.

Điểm nhấn của chuỗi các hoạt động là tái hiện Lễ Chá Mùn của dân tộc Thái, Thanh Hóa. Nghệ nhân Vi Văn Thưa, bản Ngàm, xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh chia sẻ: “Lễ Chá Mùn được người Thái đen xã Yên Thắng tổ chức 3 năm một lần, đây được xem là một nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng quan trọng của cộng đồng chúng tôi, với ước mong được thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, sức khỏe dồi dào, bản làng yên vui. Lễ hội cũng là nơi hội tụ các giá trị truyền thống tốt đẹp, đồng thời xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Sau phần lễ, bà con thường tổ chức các trò chơi, trò diễn dân gian như khắp, múa sạp, khua luống, cồng chiêng, vui hội rượu cần và múa hát xung quanh cây bông...”.

Cũng theo nghệ nhân Vi Văn Thưa, lễ Chá Mùn gồm nghi lễ mời Ông Then trên Mường Trời và linh hồn các thầy Mo đã quá cố về dự lễ hội; gọi vía người bệnh và mọi người tới tham gia; đón khách; tổ chức các trò chơi, trò diễn và cuối cùng là tiễn Pó Then, các linh hồn Mo Mùn trở về Mường Trời, chia tay lễ hội và hẹn mùa sau.

Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh Thanh Hóa thông tin thêm: “Lễ Chá Mùn là một trong những lễ hội văn hóa tín ngưỡng của người Thái đen ở xã Yên Thắng. Đây là dịp để đồng bào các dân tộc cùng hội tụ giao lưu, hiểu biết lẫn nhau, khơi dậy niềm tự hào truyền thống văn hóa, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ xã Yên Thắng tổ chức lễ Chá Mùn nhằm giáo dục ý thức, trách nhiệm cho các thế hệ trẻ trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của ông cha. Đồng thời, đưa lễ hội này trở thành sản phẩm du lịch tâm linh độc đáo của huyện Lang Chánh”.

Hân hoan trong​​​​​​​ ngày hội lớn - Anh 2

Du khách tham gia các trò chơi truyền thống của đồng bào

Tưng bừng trẩy hội

Trong những ngày này, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã đón hàng ngàn du khách đến tham quan và thưởng thức các hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc của đồng bào.

Thường tổ chức cho gia đình đi chơi vào dịp cuối tuần, chị Ngô Thị Thúy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, cả nhà chị ai cũng thích đến “Ngôi nhà chung” để thưởng thức ẩm thực truyền thống của các địa phương do chính tay những đồng bào đang sinh sống tại đây thực hiện. “Chúng tôi đã tham gia các phiên chợ nổi, chợ vùng cao, thưởng thức các chương trình tái hiện lễ hội của đồng bào, một ngày trải nghiệm các hoạt động tại đây giống như được đi cả hành trình dài, khám phá văn hóa các vùng miền trên cả nước”, chị Thuý hồ hởi.

Với anh Nguyễn Trường Sơn (TP Từ Sơn, Bắc Ninh) thì “không phải ai cũng có khả năng, điều kiện đi đến nhiều nơi để chiêm ngưỡng bản sắc văn hóa của bà con, thế nhưng khi đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, du khách có thể trải nghiệm và tìm hiểu những nét đặc sắc của 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S”. Cũng theo anh Sơn, bên cạnh việc tái hiện những nghi lễ truyền thống, đồng bào đang sinh hoạt tại đây còn giới thiệu nhiều hoạt động, trò chơi dân gian, các nghề thủ công truyền thống, các món ẩm thực độc đáo.

Cùng bạn bè tham quan Làng dịp này, anh Vũ Kim Mười (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhận xét: “Công tác tổ chức tiếp đón rất chu đáo, thân thiện, tạo cho chúng tôi một cảm giác yên tâm, phấn khởi. Những hoạt động của bà con là cơ hội giúp du khách trải nghiệm và tìm hiểu sâu hơn về cuộc sống và đặc biệt là những sắc màu văn hóa của từng dân tộc trên đất nước mình”.

Chia sẻ cảm xúc trong dịp này, nghệ nhân Đinh Bri, dân tộc Ba Na đến từ xã Tơ Tung, huyện Kbang (Gia Lai) hồ hởi: “Tôi rất vui khi những nét đặc trưng về di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc anh em được hòa chung. Đặc biệt hơn cả, nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, chúng tôi được trực tiếp tham gia vào việc quảng bá, thể hiện sự tự hào về văn hóa truyền thống của chính mình. Cũng nhờ đó, đồng bào dân tộc thiểu số từ khắp mọi miền Tổ quốc có dịp được cùng nhau hội tụ tại “Ngôi nhà chung”, cùng nhau phô diễn những đặc trưng riêng có, hòa vào niềm vui chung của ngày hội lớn”. 

 ĐÌNH NGUYÊN; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc