Sách “event” ở ta và hội chợ ở Tây

VHO- Chừng vài năm trở lại đây, trong đời sống văn chương Việt Nam, việc tổ chức ra mắt giới thiệu sách đã trở thành một hoạt động khá phổ biến. Ta tạm gọi bằng một từ tiếng Anh: Event, nghĩa là “sự kiện”. Cứ hễ có sách mới, dù tác giả là người đã thành danh hay kẻ lần đầu nhập cuộc chữ nghĩa, đều có thể là hạt nhân cho một cuộc ra mắt sách.

Sách “event” ở ta và hội chợ ở Tây - Anh 1

 Sách Việt tại Frankfurt Book Fair, Hội chợ sách quốc tế lớn nhất thế giới diễn ra hằng năm tại TP Frankfurt (Đức)

Khiêm tốn hay “hoành tráng” thì còn phụ thuộc vào nhu cầu và khả năng của người tổ chức, nhưng điều dễ thấy là mật độ các cuộc ra mắt sách càng ngày càng dày, và khá nhiều chuyện đáng bàn cũng xảy ra từ đó…
“Event” ở ta
Hiện nay, như chúng ta đều biết, xuất bản là một ngành kinh doanh, sách, kể cả sách văn học, được coi là một sản phẩm hàng hóa, mà đã là hàng hóa thì nó phải được đưa ra thị trường, phải được tiêu thụ, phải đem lại lợi nhuận cho người sản xuất. Tuy nhiên, theo một cách nói đã quá quen thuộc, sách là một sản phẩm hàng hóa đặc biệt, thứ hàng hóa làm phong phú đời sống tinh thần của con người, và đôi khi có thể có sức mạnh khiến cuộc đời một người biến đổi đến bất ngờ. Bởi thế, thiết nghĩ, những cuộc ra mắt sách không nên chỉ mang nội dung của hoạt động tiếp thị/ quảng cáo sản phẩm thông thường, mà nó cần thiết phải trở thành một sinh hoạt văn chương, nơi tác giả và độc giả có dịp đối thoại trực tiếp; nơi những quan điểm khác nhau được va chạm, cọ xát; nơi có thể làm bật nảy những ý tưởng mới mẻ và mang tinh thần khai phóng. 
Để đạt được mục đích ấy, điều kiện tiên quyết là cuốn sách phải… được đọc, càng nhiều người đọc càng tốt, trước khi diễn ra “event”. Nhưng éo le thay, phần lớn những người làm sách thường không đủ kiên nhẫn để cuốn sách có thời gian sống một khoảng đời sống của nó trong người đọc. Sách “xuất xưởng” không bao lâu thì đã tổ chức ra mắt, giới thiệu. Event diễn ra, người tham dự hầu hết chưa kịp đọc sách nên không thể có ý kiến gì cả, vì thế, chỉ còn là dịp để tác giả kể lể, trải lòng và là dịp để một số ít người có điều kiện đọc tác phẩm từ khi nó còn ở dạng bản thảo tung ra những lời khen ngợi, đôi khi quá mức thành ra quá lố. Không có đối thoại thực sự, những cuộc ra mắt giới thiệu sách trở nên nhàm chán, đã đành; mà từ đó, khi nhiều điều tiếng cho rằng cuộc nọ cuộc kia chỉ là những cuộc… tâng bốc, thì không phải là không có lý!
Nhưng không chỉ có thế, các cuộc ra mắt giới thiệu sách rất có thể và trên thực tế là đã nhiều phen, tạo nên hiệu ứng “gây nhiễu” trong đời sống văn chương. Cứ tin vào những gì “người ta” nói như rồng như phượng về cuốn sách trong “event” - sau đó được cánh phóng viên nhanh nhảu viết lại trên báo giấy, báo mạng - độc giả sốt sắng tìm mua, đọc, và rồi… thất vọng. Rất nhiều cuốn sách, thơ cũng như văn, ở mức tầm thường và dưới mức tầm thường. Không thể trách độc giả nhẹ dạ được, vì những “người ta” nói lời sặc sỡ tô điểm cho tác phẩm nọ thường lại là những cây bút, cả sáng tác lẫn nghiên cứu, phê bình, khá có tiếng trên văn đàn. 
Dĩ nhiên, từ quan điểm kinh doanh thuần túy, người làm sách cần đến những tên tuổi để “bảo chứng” cho sản phẩm của họ trước khi đưa nó ra thị trường. Nhưng từ phía lợi ích của độc giả và sự vận hành lành mạnh của một đời sống văn chương, thì rõ ràng rất bất ổn. Phải chăng là năng lực thẩm định chất lượng tác phẩm của “người ta” đã suy thoái đến mức không còn biết thế nào là hay là dở, là “đọc được” hay chỉ như một sự “xúc phạm tới văn chương”? Phải chăng, do những quan hệ ràng buộc đặc biệt nào đó, “người ta” trở nên cả nể đến mức đánh cược uy tín của mình vào một cuốn sách bất kỳ, nếu có lời nhờ vả?
Hội chợ ở Tây
Đó là chuyện ở ta, còn “event” sách ở Tây thì sao? Để trả lời câu hỏi này, theo tôi, tốt nhất chúng ta hãy tham khảo nhà văn Hồ Anh Thái, người - có lẽ là một trong số cực ít những nhà văn Việt Nam - liên tục được đi nước ngoài, liên tục tham gia các hội thảo văn chương, các hội chợ sách quốc tế và có mối quan hệ rất rộng với nhiều nhà văn thuộc nhiều quốc tịch khác nhau. Những chuyện về sách vở “ở Tây” đều đã được ông viết lại khá kỹ trong tập sách Họ đã trở thành nhân vật của tôi (NXB Trẻ, 2012). Không thấy Hồ Anh Thái nói tới trường hợp một cuốn sách cụ thể nào đó được người ta tổ chức ra mắt giới thiệu khi nó vừa xuất bản. Có lẽ đây là việc không cần thiết, khi giới xuất bản phương Tây, như chúng ta biết, là những bậc thầy về cái gọi là “quan hệ công chúng”: Thông tin về tác phẩm được họ cập nhật thường xuyên, ngay từ khi tác giả khởi thảo, đến lúc sách xuất bản thì người đọc chỉ còn việc… đi mua, nếu thấy được thuyết phục. Với những nhà văn ăn khách như Haruki Murakami, Dan Brown hay K. Rowling… bản thân việc tác phẩm mới của họ được xuất bản đã là cả một sự kiện, người ta sẵn sàng xếp hàng rồng rắn chờ đợi cả đêm chỉ để được sở hữu những ấn bản đầu tiên từ nhà in chuyển đến. 
Nhưng, ông nói nhiều đến “event” sách trong khuôn khổ các hội thảo văn chương và đặc biệt, các hội chợ sách quốc tế. Người đọc có lẽ sẽ rất thú vị khi, nhân viết về nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần, Hồ Anh Thái đã “tạt ngang” để kể một chi tiết trong Hội chợ sách quốc tế 2007 ở thành phố cảng Gothenburg, Thụy Điển: “Trong quầy sách của một nhà xuất bản gieo trồng, người ta để bên cạnh sách hướng dẫn trồng cây những giỏ táo, giỏ cam trồng theo phương pháp sạch, thân thiện môi trường. Khách vào Hội chợ được nhặt táo ăn miễn phí” (Thế giới hoàng tử bé, sđd, tr219). Thực sự là một cách làm “event” rất giàu tính sáng tạo. 
Đó là sách về trồng trọt, còn sách văn chương thì sao? Thì đây: Cũng tại Hội chợ sách quốc tế Gothenburg, có quy mô lớn nhất Bắc Âu, và chỉ chịu đứng hàng thứ hai ở châu Âu, sau Hội chợ sách quốc tế Frankfurt của nước Đức - nhưng trước đó bốn năm, vào năm 2003, Hồ Anh Thái cho biết về một hoạt động đặc trưng của Hội chợ, đó là các cuộc đọc sách. Đã là hội chợ sách quốc tế thì phải có các cuộc đọc sách của những nhà văn nước ngoài được mời tham dự. Năm ấy, trong danh sách khách mời có những tên tuổi rất lớn của văn đàn thế giới: Imre Kertesz, nhà văn Hungary đoạt giải Nobel 2002; Paulo Coelho, tiểu thuyết gia hàng đầu của văn học Brazil đương đại; Pramoedya Ananda Toer, nhà văn lão thành người Indonesia, ứng cử viên Nobel số một của châu Á vào thời điểm đó… Cuộc đọc sách của bốn nhà văn Việt Nam (Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê, Phan Thị Vàng Anh) được xếp trùng giờ với cuộc đọc sách của Imre Kertesz. Lẽ ra, nó đã có thể bị nhà văn người Hung “vét” hết khách nếu không có một nhân tố: Người đọc/ diễn giả - nhà văn Sara Lidman, một tên tuổi được kính trọng bậc nhất trên văn đàn Thụy Điển. 
Thoạt tiên, bà Sara Lidman đọc diễn cảm bằng tiếng Thụy Điển vài trích đoạn tác phẩm của các nhà văn Việt Nam. Cử tọa chăm chú lắng nghe. Sau đó mới đến phần đối thoại. Rất sôi nổi (Đọc sách cùng Sara Lidman, sđd, tr236-237). Tôi không tin chỉ cần nhờ thế mà người đọc Thụy Điển có một sự hiểu biết cụ thể về văn chương Việt Nam đương đại. Nhưng ít nhất, nhờ thế mà những viên gạch đầu tiên của sự thông hiểu văn chương đã được đặt xuống. Công ấy, hẳn rồi, trước hết thuộc về những người tổ chức Hội chợ sách. Rõ ràng, họ biết cách để sự kiện không chỉ là một hoạt động kinh doanh của ngành xuất bản - nơi người ta đến để thương thảo bản quyền, ký kết các hợp đồng làm ăn, để bán và để mua - mà hơn thế, phải là một hoạt động văn hóa, nơi sách vở chữ nghĩa được tôn vinh đến hết mức. 
Dĩ nhiên, đã là hội chợ sách ắt phải có việc bán sách với giá ưu đãi. Nhưng ở các hội chợ sách quốc tế do Tây tổ chức, việc bán sách với giá ưu đãi bao giờ cũng bị điều kiện hóa: Người ta chỉ có thể được mua sách ưu đãi khi đã phải móc hầu bao cho vé vào cửa. “Ngày khai mạc, vé vào cửa là 200 sek, tương đương 30 USD, chưa bao gồm phí tham gia những cuộc hội thảo. Giá vé chung cho bốn ngày hoạt động chính từ 2000 đến 2500 sek, chưa tính 25% thuế VAT…”, Hồ Anh Thái đã mô tả như thế về Hội chợ sách quốc tế Gothenburg năm 2010 (Bắc Âu và hành trình sách, sđd, tr511-512). Ở Hội chợ năm này, tác giả tâm điểm là Nadine Godimer, nữ văn sĩ Nam Phi đoạt giải Nobel 1991. Ngoài bà ra, còn có 799 tác giả đăng đàn trong 400 cuộc giao lưu, mỗi cuộc khoảng 50 phút, cuộc này nối sang cuộc khác. Cách làm “event” sách như thế, cách người ta đến với sách nô nức, hân hoan và đầy sự trân trọng như thế, nếu chỉ căn cứ vào các hội chợ sách như chúng đã thực sự diễn ra ở Việt Nam, quả thực là một điều không tưởng!
Trên một phương diện nào đó, trình độ văn minh của một xã hội được phản ánh trực tiếp ở cách người ta ứng xử với sách. Vậy thì, liệu có “đáng ngờ” chăng, khi - tôi muốn dùng chi tiết này để làm vĩ thanh cho bài viết, không kèm bình luận - trong cuộc đọc sách của các nhà văn Việt Nam tại Hội chợ sách Gothenburg 2003 đã nói ở trên, lúc đối thoại với độc giả, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ngậm ngùi: “Tôi nhìn hàng nghìn người đến Hội chợ sách này mà ái ngại cho thế hệ trẻ Thụy Điển. Họ trân trọng sách và chữ nghĩa, nhưng chữ nghĩa viết ra mười phần thì chín phần nhảm nhí và vô dụng” (Đọc sách cùng Sara Lidman, sđd, tr236). 
 

HOÀI NAM

Ý kiến bạn đọc