Xây dựng và nhân rộng mô hình Trường học hạnh phúc

VHO- Mô hình Trường học hạnh phúc đã được ngành giáo dục nhiều địa phương trong nước triển khai và bước đầu nhận được những kết quả tích cực. Đây là quá trình lâu dài nên việc nhân rộng, lan tỏa mô hình này cần sự chung tay, đồng hành của nhiều phía, cả gia đình, xã hội và cộng đồng.

Xây dựng và nhân rộng mô hình Trường học hạnh phúc - Anh 1

 Chương trình sinh hoạt lớp tại trường học ở Huế về chủ đề hạnh phúc Ảnh: Mai Lan

Mới đây, tại Hội nghị quốc tế chuyên đề về Trường học hạnh phúc do Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) và Học viện Eurasia vì Hạnh phúc và An lạc (ELI) tổ chức, nhiều chuyên gia, diễn giả của Việt Nam và các nước như Thụy Sĩ, Đức, Bhutan… đã có những chia sẻ, thông tin, kinh nghiệm về xây dựng Trường học hạnh phúc.

Theo đó, năm 2014, UNESCO đã khởi xướng dự án Trường học hạnh phúc, và đến năm 2016 đã đưa ra 22 tiêu chí đánh giá về Trường học hạnh phúc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. UNESCO đã xác định rằng, hạnh phúc của trẻ em và học sinh là ưu tiên quan trọng cho tất cả các nước thành viên, tập trung vào sự an lạc của giáo viên và học sinh là một bước tiến mạnh mẽ hướng đến việc tái tư duy về hệ thống giáo dục.

Tại Việt Nam, việc xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc còn chậm, song đó là bước “khởi động” làm cơ sở, rút ra những kinh nghiệm thực tế để triển khai và nhân rộng.

GS Hà Vĩnh Thọ, nhà sáng lập Học viện Eurasia vì Hạnh phúc và An lạc, nguyên Giám đốc chương trình của Trung tâm Tổng hạnh phúc Quốc gia tại Bhutan, nhấn mạnh: Giáo dục không chỉ có nhiệm vụ chuẩn bị lực lượng lao động mà còn phải xây dựng những công dân tương lai có đóng góp cho hạnh phúc của người khác và cho xã hội, trước hết là phải biết nuôi dưỡng, kiến tạo cho hạnh phúc của chính mình. Để xây dựng và nhân rộng mô hình Trường học hạnh phúc tại Việt Nam, cần quan tâm phát triển những chính sách ở tầm quốc gia và ở các cấp cơ sở để hỗ trợ phát triển hạnh phúc của con người. Đồng thời, tập trung đào tạo cho lực lượng giáo viên, phát triển chương trình đào tạo cho những tập huấn viên nòng cốt để xây dựng năng lực cho mọi người.

Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương của cả nước thụ hưởng chương trình của dự án Trường học hạnh phúc. Từ năm 2018, dự án được ELI, Trường Đại học Sư phạm Huế và Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai, đến nay đã có hơn 181 giáo viên và hơn 4.100 học sinh của 9 trường học được thụ hưởng chương trình.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Thời gian qua địa phương rất quan tâm về đổi mới giáo dục, nhiều mô hình về giáo dục truyền thống văn hóa Huế đã được triển khai có hiệu quả. Việc xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc rất phù hợp với hướng phát triển của Thừa Thiên Huế và bước đầu đã có những hiệu quả tích cực. Từ mô hình thí điểm 5 năm qua, chúng tôi kỳ vọng rằng các chuyên gia, học giả sẽ có những hiến kế, ý kiến thiết thực tham vấn cơ chế chính sách, giải pháp giúp địa phương về việc triển khai môi trường giáo dục hạnh phúc”. 

SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc