Hà Nội và chuyện nghịch lý thừa, thiếu công viên (Bài 4): Cần tư duy văn hóa thấm trong quản trị đô thị

VHO- Loạt bài “Hà Nội và chuyện nghịch lý thừa, thiếu công viên” được Văn Hóa đăng tải đã nhận được sự quan tâm, theo dõi và đồng tình, ủng hộ từ nhiều chuyên gia quy hoạch, kiến trúc đô thị, văn hóa và dư luận…

 "Phải coi công viên là một phần của văn hóa đô thị"

Hà Nội và chuyện nghịch lý thừa, thiếu công viên (Bài 4): Cần tư duy văn hóa thấm trong quản trị đô thị - Anh 1

Hà Nội đang trong thực trạng rất thiếu những công viên, vườn hoa; hoặc có nhưng lại không được sử dụng đúng chức năng, lãng phí và kéo dài nhiều năm. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, khi lập quy hoạch đều có diện tích dành cho công viên, vườn hoa, cây xanh, thảm cỏ, hồ nước… Quy hoạch đã có từ nhiều năm, có tầm nhìn, tuy nhiên tầm nhìn đó không đầy đủ. Khi dân số tăng lên, hạ tầng phát triển không kịp, chất tải đô thị quá mật độ cho phép... thì chúng ta càng thấy rõ sự thiếu thốn những không gian công viên, vườn hoa. Các dự án khu đô thị cũng đều có đất dành cho không gian công cộng, nhưng thực tế nhiều nơi chủ đầu tư vi phạm quy hoạch, chỉ chú trọng xây nhà để bán.

Chủ trương của thành phố về cải tạo các công viên cũ và xây mới một số công viên rất tốt. Nhưng từ chủ trương đến thực tế lại là một vấn đề. Chúng ta đã để lãng phí quá nhiều không gian công viên, không biến chúng thành không gian sáng tạo. Công viên không chỉ để trồng hoa, tập thể dục mà cần xác định là một phần của văn hóa đô thị, có ký ức, có niềm vui. Ở nhiều nước, người dân đến công viên để giao lưu, múa hát, có những nhóm nhạc biểu diễn… Nhưng công viên của ta không làm được điều đó. Khi môi trường xã hội ngày càng hối hả, tắc nghẽn, ô nhiễm…, nếu không có một “máy lọc không khí tốt” thì sẽ càng gia tăng sự ô nhiễm đó.

Lâu nay, chúng ta mới chỉ nhìn thấy bề nổi mà chưa thấy rằng công viên là thành tố quan trọng để nâng cao văn hóa đô thị cho người dân. Về phía chính quyền, cần phải tăng cường trách nhiệm quản lý đô thị, coi công viên là một phần của văn hóa đô thị. Những công viên để hoang lâu năm cần khẩn trương xem lại quy hoạch, nếu cần thì cưỡng chế, di dời, quy trách nhiệm rõ ràng. Dự án khu đô thị mới cần phải đảm bảo được diện tích không gian công cộng, công viên, vườn hoa theo quy hoạch. Đặc biệt, những công viên “treo” đến 10 năm thì cũng xem xét thu hồi, bởi đó không phải nơi chiếm dụng đất, giữ chỗ để chờ được giá… Tóm lại, rất cần tư duy văn hóa thấm trong quản trị đô thị. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ số trong quản lý đô thị và công viên, vườn hoa; đưa công viên, vườn hoa thành những không gian sáng tạo…

(KTS. PHẠM THANH TÙNG, Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam)

 “Đầu tư xứng đáng để trả lại giá trị cho công viên, vườn hoa…”

Hà Nội và chuyện nghịch lý thừa, thiếu công viên (Bài 4): Cần tư duy văn hóa thấm trong quản trị đô thị - Anh 2

Công viên, vườn hoa là câu chuyện kéo dài nhiều năm qua nhưng đến giờ vẫn là vấn đề nhức nhối ngay giữa Thủ đô. Những công viên cũ không được tôn tạo, bảo vệ, phát huy giá trị; trong khi lại có nhiều đề xuất xây mới, dự án “treo”, công viên bỏ hoang, không đưa vào sử dụng… Trước thực trạng này, cần có cái nhìn tổng thể về quy hoạch công viên, đánh giá hiệu quả và giải pháp khắc phục.

Phải thấy rằng, những không gian công cộng này là nơi nuôi dưỡng tinh thần, nghỉ ngơi, cảnh quan đẹp… Tuy nhiên, quỹ công viên, vườn hoa đó hiện sử dụng chưa tốt. Vai trò công viên bị coi nhẹ một thời gian dài, nhiều nơi bị xâm lấn, hàng quán “xẻ thịt”. Thời gian này, Hà Nội cần phải dành kinh phí, đầu tư xứng đáng để trả lại giá trị đúng nghĩa cho những không gian công viên, vườn hoa. Đây là câu chuyện không dễ dàng, đỏi hỏi có tư duy khoa học để chuẩn hóa, định vị lại hệ thống các công viên, đưa lên tầm thức mới để sử dụng, phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân. Có những khu vực, giai đoạn chúng ta sai lầm trong phát triển, đó là khi ở nội đô tiến hành di dời các xí nghiệp vừa và nhỏ, nhưng sau đó lại chỉ hăm hở xây nhà cao tầng, siêu thị, trung tâm thương mại. Trong khi đó là cơ hội để tạo nên những không gian công cộng giá trị như công viên, vườn hoa, giảm tải phần nào sự ngột ngạt về không khí, môi trường…

Việc cần làm hiện nay là rà soát, kiểm chứng thực tế, giải quyết bài toán quy hoạch đô thị. Đặc biệt, cần phát triển hệ thống công viên một cách tích cực nhất trong các “khoảng trống” đang có, tạo thành những không gian tiện ích cho cộng đồng. Tư duy chỉ hăm hở xây nhà để bán là cái nhìn lệch về kinh tế mà thiếu sự chú trọng đúng đắn, cần thiết với các yếu tố văn hóa, xã hội. Hà Nội hiện đang quyết tâm làm “sống lại” những không gian công viên, vườn hoa. Đây là một quyết tâm cần được ủng hộ, người dân cũng đặt nhiều kỳ vọng, đòi hỏi các nhà quản lý cần nhìn nhận toàn diện, tổng thể, đưa ra những giải pháp trên cơ sở rút kinh nghiệm từ những thất bại trước đây. Tôi cho rằng, nhà quản lý, quản trị đô thị trước bối cảnh này cần phải đổi “công thức”, tăng cường hợp tác công tư, lắng nghe tiếng nói và nguyện vọng của người dân về những không gian công cộng.

(TS.KTS NGÔ DOÃN ĐỨC, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Trãi)

"Bỏ hàng rào tư duy trong quản lý công viên"

Hà Nội và chuyện nghịch lý thừa, thiếu công viên (Bài 4): Cần tư duy văn hóa thấm trong quản trị đô thị - Anh 3

 Hệ thống công viên, vườn hoa của Hà Nội hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội và đời sống tinh thần, sức khoẻ của người dân. Công viên ở đâu cũng thế, phải là không gian công cộng, của tất cả mọi người chứ không phải là nơi để quây lại, bán vé thu tiền. Gần đây, Hà Nội đã có chủ trương “hồi sinh” các công viên, có công viên đã được bỏ hàng rào, không thu tiền vé nữa. Tôi cho là rất đúng.

Quan trọng ở đây chính là bỏ đi những hàng rào trong tư duy và cách hiểu về công viên. Nếu cứ nghĩ đến chuyện 48 ha công viên ở Thống Nhất dùng để xây chung cư, biệt thự thì để như bây giờ quá là lãng phí. Nhưng không phải, công viên là “lá phổi xanh”, là độ giãn của đô thị, nơi người ta có thể tìm sự cân bằng của cuộc sống. Công viên có trẻ em vào chơi trò chơi, người trẻ vào tập thể dục, người già có khi chỉ cần ngồi lặng lẽ ở một góc nào đó trong công viên thôi. Trong sự bình yên đó, họ có thể tìm được cảm hứng mới, năng lượng mới cho cuộc sống.

Quản lý công viên cũng không thể bằng tư duy hành chính hóa được. Nhưng cũng không thể áp đặt tư duy cứ công viên là phải nhà nước làm. Việc xã hội hóa trong xây dựng, vận hành công viên là rất cần thiết, tạo ra những không gian thụ hưởng và sáng tạo mới. Nhưng xã hội hóa như thế nào, giao cho ai, ý tưởng như thế nào? Tất cả những việc đó phải công khai, minh bạch, đặt lợi ích của cộng đồng lên trên hết, tránh lợi ích nhóm. Chứ không như hiện nay, nhiều công viên giao đất đối ứng xong không làm công viên nữa, hoặc làm công viên nhưng không ai vào. Rất nhiều công viên đang không phát huy được chức năng, thực hiện được mục tiêu, ý nghĩa ban đầu hoặc chỉ có trên giấy, ví dụ như: Công viên Hoà Bình, công viên Yên Sở, Công viên văn hóa nghìn năm… Hoặc công viên xây dựng lên nhưng toàn cho thuê làm quán bia, hàng ăn, chỗ để xe…

Từ năm 1998 chúng tôi đã trình thành phố đề án xây dựng Công viên văn hóa nghìn năm ở Mỹ Đình (huyện Từ Liêm cũ) trên diện tích 64 ha với mong muốn tạo ra một công trình mang dấu ấn nghìn năm của Thủ đô. Trong đó, có nhiều khu chức năng như: Cung văn hóa, Nhà hát nhân dân, Khách sạn văn hóa, bãi biển nước ngọt…, rất nhiều thứ miễn phí cho người dân, để người giàu hay người nghèo, già hay trẻ cũng vào được công viên. Thời điểm đó cũng đã làm quy hoạch 1/2000 rồi. Đáng tiếc sau này không thực hiện được. Mong rằng với chủ trương làm “hồi sinh” các công viên, các công viên sẽ phát huy vai trò như nó vốn phải như thế và là sân chơi chung của tất cả người dân.

(TS NGUYỄN VIẾT CHỨC, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTNNĐ của Quốc hội)

 Bài cuối: Cần cuộc tổng rà soát hệ thống công viên ở Hà Nội

THU TRANG - THÚY HÀ

Ý kiến bạn đọc