“Hà Nội không vội được đâu”?

VHO- Loạt bài Hà Nội và chuyện nghịch lý thừa, thiếu công viên đang dần đi đến hồi cuối, qua đó đã cung cấp cho chính quyền, bạn đọc những lát cắt, dù mỏng, về thực trạng đầy nhức nhối của một thiết chế văn hóa đô thị rất đỗi quan trọng này. Thật ra, Văn Hóa không phải là cơ quan báo chí đầu tiên và có lẽ cũng chưa phải là tờ báo cuối cùng đề cập một cách sâu rộng, đa chiều về thực trạng công viên, vườn hoa ở Hà Nội, nhưng nói như vậy để thấy rằng, hơn thập niên qua, dư luận cứ mãi lặp đi lặp lại điệp khúc buồn kiểu như “biết rồi, khổ lắm nói mãi”, thế rồi mọi chuyện sau đó đâu vẫn hoàn đấy, ít thấy sự chuyển biến dù nhỏ trên thực địa.

Nói đến câu chuyện này, người viết nhớ lại cuộc trò chuyện với một vị nguyên lãnh đạo thành phố Hà Nội khi ông cho ra mắt cuốn sách, trong đó có đề cập đến vấn đề mang nặng tâm tư của ông, đó là “Hà Nội không vội được đâu”. Đại ý ông nói rằng, công việc ở Hà Nội nhiều như nước sông Hồng, không bao giờ là hết, còn câu “Hà Nội không vội được đâu” phần nào cũng có ý đúng, nhưng không phải là bản chất. Ở Hà Nội làm cái gì cũng đòi hỏi thận trọng, cần phải lắng nghe ý kiến đa chiều của các chuyên gia, nhà nghiên cứu; ý kiến thẩm định của các Bộ, ngành sau đó mới quyết định được. Chính vì lẽ đó dẫn đến không phải dự án, công trình nào cũng có thể đẩy nhanh lên được. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận có nhiều việc triển khai còn chậm, hình như cấp dưới còn có tâm lý sợ trách nhiệm, đùn đẩy lên cấp trên, nên dư luận, rồi dân gian mới kêu ca...

Nhưng phải thẳng thật mặc dù nó có chua cay đến đâu, rằng việc cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang (chưa nói đến xây mới) hệ thống công viên, vườn hoa hiện có ở Hà Nội là quá chậm chạp, chậm đến mức có nhà văn đã phải lấy hình ảnh… “rùa lật ngửa” để diễn tả. Rùa không lật ngửa đã là chậm, còn “rùa lật ngửa” thì vô vọng đến mức nào. Đành rằng, Hà Nội việc nhiều như nước sông Hồng, song để hết năm này qua năm khác, hết nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác, và có một quan chức về hưu đã thống kê là “đã qua gần 5 nhiệm kỳ” rồi mà việc cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang vườn hoa, công viên vẫn cứ mãi ì ạch như thế.

Thế thì, nguyên nhân của sự chậm chập, ì ạch ấy là gì, trách nhiệm thuộc về ai vẫn mãi là câu hỏi được dư luận đặt ra, đồng thời mong muốn có câu trả lời dứt khoát, bao giờ Hà Nội mới “Trả lại tên cho em” theo đúng nghĩa là một công viên, vườn hoa? Có người lại đặt ngược vấn đề, vừa rồi lãnh đạo thành phố đã có chủ trương “hồi sinh” công viên, vườn hoa đấy thôi, nên cái gì cũng phải từ từ, “dục tốc thì bất đạt”. Đành rằng là như vậy, nhưng người viết cứ nghe thấy quen quen, kiểu như lần này phải quyết tâm hành động, công viên ra công viên để tiếp đón mời chào người dân, du khách. Thế mà, năm lần bảy lượt vẫn cứ là chủ trương, còn thực trạng xấu xí của công viên, vườn hoa vẫn chưa chịu thay đổi theo hướng tích cực.

“Hà Nội niềm tin và hy vọng” vậy! Cũng chỉ biết hy vọng lần này, Hà Nội sẽ quyết tâm thực sự để “trả lại tên” cho những công viên, vườn hoa, chứ không phải là “Hà Nội không vội được đâu”. 

LÂM SƠN

Ý kiến bạn đọc