Tu Mơ Rông cần tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng gắn giá trị văn hóa truyền thống

VHO- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu vừa chủ trì buổi làm việc với đoàn công tác tỉnh Kon Tum về việc hỗ trợ, định hướng công tác xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch gắn với tiềm năng của huyện Tu Mơ Rông.

Tu Mơ Rông cần tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng gắn giá trị văn hóa truyền thống - Anh 1

Toàn cảnh buổi làm việc giữa Tổng cục Du lịch và đoàn công tác của Kon Tum

Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục Du lịch, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông Võ Trung Mạnh, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Kon Tum Nguyễn Xuân Truyền, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Kon Tum Lê Thị Tiến, cùng các thành viên đoàn công tác.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông Võ Trung Mạnh, cho biết, huyện có dân số trên 29.000 người, trong đó trên 95% là đồng bào dân tộc Xơ Đăng. Tu Mơ Rông là có lợi thế rất lớn về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, một kho tàng văn hóa mang đậm bản sắc truyền thống được lưu giữ như: các bộ cồng chiêng, nhà rông, nhạc cụ truyền thống cùng các lễ hội như lễ bắc máng nước, lễ mừng lúa mới, lễ cúng lúa kho...

Khách du lịch tìm đến tham quan, khám phá Tu Mơ Rông ngày càng đông nhưng phần lớn là tự phát. Nhiều điểm tham quan, ngắm cảnh được du khách khám phá như: thác nước đa tầng tại xã Tê Xăng, thác Siu Puông, hồ thủy điện Đăk Psi, ruộng bậc thang xã Măng Ri và xã Đăk na, hồ Ba Khen ở xã Văn Xuôi cùng nhiều trải nghiệm thú vị khác như: du lịch cộng đồng, tham quan vườn sâm, tham quan vườn dược liệu ở trên những đỉnh núi cao, Di tích lịch sử cách mạng khu căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum tại Măng Ri.

Tu Mơ Rông cần tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng gắn giá trị văn hóa truyền thống - Anh 2

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu đề nghị huyện Tu Mơ Rông cần xác định rõ mục tiêu phát triển và xây dựng sản phẩm gắn với giá trị văn hóa truyền thông, cây dược liệu

Huyện xác định du lịch là một thế mạnh, có thể phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị dân tộc, phát triển vùng cây dược liệu, đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh... Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 cũng đã xác định việc khai thác tối đa tiềm năng lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa, di tích lịch sử, di sản vật thể và phi vật thể để quảng bá và cung cấp các sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút du khách đến với huyện...

Huyện Tu Mơ Rông định hướng phát triển 2 sản phẩm du lịch chính là: du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm vườn dược liệu quanh năm; du lịch trải nghiệm văn hóa và thưởng thức văn hóa ẩm thực người Xơ Đăng. Bên cạnh đó, định hướng liên kết vùng du lịch: huyện Tu Mơ Rông phối hợp với huyện Nam Trà My kết nối tour du lịch trải nghiệm từ Quảng Nam và các tỉnh miền Trung; kết nối tour với Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen đến huyện Đăk Glei; kết nối tour từ thành phố Kon Tum - Đăk Tô - Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y huyện Ngọc Hồi và ngược lại.

Với mong muốn giới thiệu tiềm năng du lịch của huyện tới các nhà đầu tư, du khách, huyện Tu Mơ Rông đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm phát triển du lịch như: ban hành đề án du lịch; tổ chức hội thảo về phát triển tiềm năng du lịch huyện; tổ chức kết nối các chương trình du lịch Caravan; tổ chức Phiên chợ sâm Ngọc Linh; tổ chức các hoạt động liên hoan cồng chiêng, ẩm thực; thi sáng tác văn học nghệ thuật về Tu Mơ Rông; tổ chức các hoạt động đẩy mạnh truyền thông, quảng bá…

Tu Mơ Rông cần tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng gắn giá trị văn hóa truyền thống - Anh 3

Đoàn công tác tỉnh Kon Tum làm việc với Tổng cục Du lịch và việc phát triển du lịch huyện Tu Mơ Rông

Tuy nhiên, cho đến nay, những tiềm năng du lịch hiện nay của Tu Mơ Rông vẫn chưa được đánh thức. Huyện vẫn còn rất thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, thiếu nhân lực làm du lịch; nhận thức, hiểu biết về du lịch của cán bộ, huyện, xã và người dân còn chưa đầy đủ.

Chủ tịch UBND huyện Võ Trung Mạnh mong muốn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Tổng cục Du lịch, tạo điều kiện cho du lịch huyện phát triển, trong đó có các nội dung liên quan đến công nhận điểm du lịch cho huyện; quy hoạch và đầu tư du lịch; lựa chọn phân khúc khách du lịch trải nghiệm phù hợp với cơ sở hạ tầng; kết nối với các hiệp hội, địa phương, doanh nghiệp trong nước; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch; nâng cao nhận thức của người dân về phát triển du lịch, trong đó chú trọng phát triển du lịch cộng đồng.

Vụ trưởng Vụ Lữ hành Nguyễn Quý Phương cho rằng, huyện cần tiếp tục khai thác tiềm năng của các dược liệu quý, nhấn mạnh với du khách về tầm quan trọng và công dụng của chúng đối với sức khỏe. Ngoài ra, cần cân đối giữa bảo tồn và phát triển tài nguyên thiên nhiên. Phát triển du lịch mang lại lợi ích kinh tế cho người dân, cho địa phương nhưng vẫn đề cao công tác bảo tồn. Về công tác xúc tiến quảng bá, cần xác định các tour tuyến du lịch đặc sắc, xây dựng bộ nhận diện điểm đến, video clip khơi dậy cảm hứng du lịch cho người xem, thu hút sự tham gia hỗ trợ của cả các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch.

Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) Hoàng Quốc Hòa cho biết, tháng 12.2022, Trung tâm Thông tin du lịch đã hỗ trợ tập huấn cho cơ quan quản lý du lịch, các địa phương và doanh nghiệp du lịch ở tỉnh Kon Tum về hoạt động chuyển đổi số. Hướng dẫn địa phương tận dụng các nền tảng số của Tổng cục Du lịch nhằm tạo sự đồng bộ, tránh chồng chéo thông tin.

Nhân dịp kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh, Trung tâm Thông tin du lịch đã phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Kon Tum xây dựng và ra mắt video clip quảng bá du lịch với chủ đề “Kon Tum - Trải nghiệm văn hóa, khám phá thiên nhiên" trên kênh YouTube của Tổng cục Du lịch, đồng thời tiếp tục truyền thông trên website https://vietnamtourism.gov.vn/ và các trang mạng xã hội của Tổng cục Du lịch. Đối với video clip quảng bá cho du lịch huyện Tu Mơ Rông trong thời gian tới, ông Hoàng Quốc Hòa đề nghị huyện cung cấp các tư liệu hình ảnh, video đẹp, các nội dung cần truyền thông để Trung tâm Thông tin du lịch phối hợp thực hiện.

Tu Mơ Rông cần tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng gắn giá trị văn hóa truyền thống - Anh 4

Thác Siu Puông ở xã Đắk Na, huyện Tu Mơ Rông

Phát biểu kết luận, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đánh giá cao những nỗ lực trong việc phát triển du lịch cũng như hướng đi đúng đắn trong việc coi du lịch là ngành tạo động lực phát triển kinh tế xã hội; khai thác các tài nguyên du lịch, lợi thế nổi bật của huyện Tu Mơ Rông. Tuy nhiên, huyện vẫn còn nhiều tiềm năng, dư địa phát triển, nhiều giá trị cần được “đánh thức”, tổ chức khai thác để tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn.

Phó Tổng cục trưởng đề nghị, huyện cần xác định định hướng chung phát triển du lịch, chọn ra những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trước mắt và nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả trong 5 năm tới. Tốt nhất là huyện tập trung xây dựng một đề án tổng thể phát triển du lịch có sự hỗ trợ, góp ý từ Tổng cục Du lịch. Trong đề án, có những dự án cụ thể, có các giải pháp, tổ chức thực hiện. Đồng thời, cần làm rõ những tiềm năng, thế mạnh, các chương trình, dự án phát triển du lịch gắn với sâm Ngọc Linh, du lịch sinh thái, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch cộng đồng gắn với tìm hiểu văn hóa bản địa. Lấy đó làm giá trị cốt lõi và các sản phẩm du lịch đặc trưng. Ngoài sâm Ngọc Linh, huyện cũng cần khai thác thêm các loài cây khác để đa dạng hóa sản phẩm, điểm tham quan cũng như trải nghiệm của du khách, đó có thể là hình thành các khu sinh quyển, vườn quốc gia, kể các câu chuyện thú vị hay chế biến các món ăn hấp dẫn gắn với sản phẩm sẵn có của địa phương…

Khai thác thêm các sản phẩm du lịch đặc trưng riêng, đó là du lịch trải nghiệm, khám phá, du lịch sức khỏe. Huyện cần kêu gọi các doanh nghiệp du lịch, các nhà đầu tư về cơ sở hạ tầng du lịch, phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch và cả sự tham gia của người dân bản địa làm du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, Phó Tổng cục trưởng đề nghị Sở VHTTDL tỉnh Kon Tum quan tâm, hỗ trợ công nhận một số điểm du lịch hấp dẫn của huyện Tu Mơ Rông để thu hút khách du lịch.

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu khẳng định, Tổng cục Du lịch sẽ quan tâm sâu sát, đồng hành cùng huyện trong quá trình định hướng phát triển và khai thác tiềm năng du lịch. Cần lồng ghép các dự án sẽ có của tỉnh, của huyện vào chương trình phát triển du lịch. Theo đó, Tổng cục Du lịch sẽ hỗ trợ Kon Tum xây dựng video clip giới thiệu du lịch, tiêu điểm là Tu Mơ Rông; hỗ trợ kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nhân lực du lịch; tổ chức chương trình famtrip khảo sát tại huyện; hỗ trợ triển khai chương trình tam giác phát triển gắn với các quốc gia lân cận.

AN

Ý kiến bạn đọc