Phát động cuộc thi Tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp khoa học của GS Đặng Văn Ngữ

VHO- Ngày 12.4, tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (Bộ Y tế) đã diễn ra lễ phát động cuộc thi "Tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp khoa học của GS, bác sĩ, Anh hùng liệt sĩ Đặng Văn Ngữ".

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, cả cuộc đời và sự nghiệp khoa học của GS, bác sĩ, Anh hùng liệt sĩ Đặng Văn Ngữ gắn liền với những công trình nghiên cứu về bệnh ký sinh trùng, sốt rét, nấm. Cuộc thi tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp khoa học của Giáo sư, bác sĩ, Anh hùng, liệt sĩ Đặng Văn Ngữ cũng là dịp để thể hiện tình cảm, trách nhiệm đối với ông - một nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực ký sinh trùng ở Việt Nam, là Viện trưởng đầu tiên của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương.

Phát động cuộc thi Tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp khoa học của GS Đặng Văn Ngữ - Anh 1

Đạo diễn Đặng Nhật Minh - con trai của cố GS Đặng Văn Ngữ chia sẻ tại Lễ phát động

Có mặt tại lễ phát động, đạo diễn Đặng Nhật Minh - con trai của cố GS Đặng Văn Ngữ chia sẻ: "Ngày xưa sự vắng mặt của cha là thường xuyên nên 56 năm vắng mặt cha, chúng tôi vẫn tưởng ông đang đi công tác ở đâu đó. Ông mất đi nhưng tinh thần và giá trị khoa học trong chăm sóc sức khỏe nhân dân còn mãi mãi".

Đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng bày tỏ sự xúc động khi những năm qua, vẫn có nhiều bài báo viết về GS Đặng Văn Ngữ. “Chứng tỏ cha tôi không chỉ tiếp tục sống trong tâm hồn con cháu trong gia đình, trong các đồng nghiệp cộng sự và thế hệ học trò, mà còn ở trong tâm tưởng của không ít người dân. Đây là niềm xúc động, tự hào và động viên với gia đình. Việc phát động cuộc thi viết về cha tôi như là mạch nguồn để ông tiếp tục sống trong lòng các đồng nghiệp, cộng sự thế hệ kế tục sự nghiệp của cha tôi...", con trai cố GS Đặng Văn Ngữ cảm động nói.

Phát động cuộc thi Tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp khoa học của GS Đặng Văn Ngữ - Anh 2

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương (giữa) và các đại biểu chụp ảnh cùng đại diện gia đình GS, bác sĩ, Anh hùng liệt sĩ Đặng Văn Ngữ

Theo TS Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – côn trùng Trung ương, cuộc thi là hoạt động mang ý nghĩa sâu sắc, thiết thực nhằm giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống về lĩnh vực phòng chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng y học nói riêng và cho toàn ngành y tế dự phòng nói chung. Cuộc thi còn góp phần khơi dậy niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, học sinh, sinh viên; nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trong hoạt động nghiên cứu khoa học, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân, để từ đó tiếp tục đẩy mạnh các phong trào học tập, nghiên cứu trong sinh viên và cán bộ ngành Y tế.

Giáo sư Đặng Văn Ngữ sinh ngày 4.4.1910 tại Huế, là con một nhà nho. Năm 1937, Đặng Văn Ngữ tốt nghiệp bác sĩ y khoa và ở lại trường làm trợ lý chứ không mở phòng mạch tư. Năm 1942, ông làm Trường phòng thí nghiệm ký sinh trùng và là giảng viên Sinh học Ban Dược. Trong thời gian này ông đã hoàn thành nhiều công trình khoa học, trong đó có công trình điều tra về loài muỗi A-nô-phen ở Việt Nam làm cơ sở cho các công trình nghiên cứu về muỗi truyền sốt rét phục vụ chương trình phòng chống sốt rét sau này.

Năm 1943-1948, ông sang Nhật Bản tu nghiệp với tư cách phái viên của trường Đại học Y - Dược Hà Nội. Tại đây, được sự khuyến khích của các giáo sư người Nhật, ông cũng đã tìm được một giống nấm có thể tiết ra chất penicilin.

Vào cuối năm 1949, ông trở về Tổ quốc, lập tức có mặt ở chiến khu Việt Bắc. Tất cả tài sản ông đem về nước chỉ có hai bộ quần áo và vài ống giống nấm penicilin cùng với một tấm lòng, một trí tuệ sẵn sàng cống hiến cho cuộc kháng chiến của dân tộc. Được sự động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với sự giúp đỡ của Bộ Y tế, ông Đặng Văn Ngữ đã bắt tay ngay vào việc cấy nấm sản xuất penicilin. Chính những liều thuốc penicilin này đã có mặt khắp các chiến trường, cứu nguy cho không biết bao nhiêu chiến sĩ, đồng bào khỏi  tử thần do nhiễm trùng vết thương.

Đến khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, ông Đặng Văn Ngữ lại cùng các đồng nghiệp được giao trọng trách phục hồi và phát triển trường Đại học Y Hà Nội. Riêng ông tham gia giảng dạy cùng lúc ba bộ môn: sinh lý học, sinh vật học và ký sinh trùng học. Ông còn được Đảng giao cho nhiệm vụ nghiên cứu để sớm thành lập Viện Sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng. Năm 1957, Viện này đã ra đời, chỉ 2 năm sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức phát động chương trình tiêu diệt sốt rét trên toàn thế giới và ông cũng là Viện trưởng đầu tiên cho tới ngày  hy sinh tại chiến trường Bình Trị Thiên - Huế, trong khi đang mải mê nghiên cứu về bệnh sốt rét.

GS Đặng Văn Ngữ đã được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động cùng Giải thưởng Hồ Chí Minh về 2 công trình bào chế dung dịch penicilin sử dụng chữa vết thương trong kháng chiến chống Pháp và điều tra về loài muỗi sốt rét ở Việt Nam.

 

Q.HOA; ảnh: NGỌC ANH

Ý kiến bạn đọc