Đưa Bảo tàng Văn học Việt Nam trở thành “địa chỉ đỏ” của công chúng yêu văn chương

VHO- Chiều 12.4 tại Hà Nội, Bảo tàng Văn học Việt Nam đã tổ chức buổi Lễ tri ân và hiến tặng hiện vật năm 2023.

Buổi Lễ là dịp để Bảo tàng Văn học Việt Nam gửi lời tri ân đến thân nhân gia đình các nhà văn, nhà thơ đã hiến tặng hiện vật, tài liệu cho Bảo tàng; giúp những người yêu văn chương có thêm cơ hội tìm hiểu về sự nghiệp của nhiều cây viết, đời sống văn học của nước nhà…

Đưa Bảo tàng Văn học Việt Nam trở thành “địa chỉ đỏ” của công chúng yêu văn chương - Anh 1

Toàn cảnh buổi Lễ

Từ năm 2021 đến nay, Bảo tàng Văn học Việt Nam đã tiếp nhận hơn 900 hiện vật, tư liệu của các tác giả nổi tiếng như nhà thơ Lưu Trọng Lư, nhà thơ Tế Hanh, nhà thơ Quang Dũng, nhà văn Nguyễn Minh Châu, nhà văn Triệu Bôn…  Theo nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam, nhiều năm qua, Bảo tàng Văn học Việt Nam đã không ngừng nỗ lực trong công tác sưu tầm hiện vật, tài liệu; cũng như thuyết phục thân nhân gia đình các nhà văn, nhà thơ gửi tặng kỷ vật của các cây viết cho Bảo tàng.

“Kể từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến nay, Bảo tàng Văn học Việt Nam đã tổ chức nhiều đợt sưu tầm tài liệu, hiện vật để xây dựng và bổ sung trưng bày của Bảo tàng. Ngoài những tài liệu, hiện vật đã nhận được trong thời gian qua, thời gian tới, Bảo tàng Văn học Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa tài liệu, hiện vật để bảo quản, trưng bày và giới thiệu đến công chúng. Không những vậy, Bảo tàng đang có kế hoạch số hóa những tài liệu, hiện vật để chúng trường tồn với thời gian. Đồng thời, giúp Bảo tàng Văn học Việt Nam trở thành “địa chỉ đỏ” của công chúng yêu văn chương”, Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam Nguyễn Thị Thu Huệ cho biết.

Đưa Bảo tàng Văn học Việt Nam trở thành “địa chỉ đỏ” của công chúng yêu văn chương - Anh 2

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều và Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam Nguyễn Thị Thu Huệ trao bằng ghi công cho thân nhân các nhà văn, nhà thơ đã hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng

Cũng theo lãnh đạo Bảo tàng, với số tài liệu, hiện vật tiếp nhận lần này, Bảo tàng Văn học Việt Nam ngoài công tác lưu giữ sẽ tích cực quảng bá trên trên các phương tiện thông tin truyền thông, đưa vào tour du lịch văn học nhằm giới thiệu đến công chúng yêu văn chương về sự đồ sộ của văn học nước nhà, lan tỏa tình yêu với văn học Việt Nam đến đông đảo người dân trong nước và bạn bè quốc tế.

Phát biểu tại buổi lễ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: “Không phải công chúng không quan tâm đến văn chương mà do chúng ta chưa biết cách khơi dậy tình cảm ấy trong mỗi người. Những hiện vật, tài liệu được hiến tặng cho Bảo tàng Văn học Việt Nam đều là những tài sản vô giá của lực lượng nhà văn, nhà thơ qua mỗi thời kỳ. Tiếp nhận hiện vật không phải chỉ để lưu giữ, “cửa đóng, then cài” mà phải biết cách mở ra những giá trị để công chúng tiếp cận, được tìm hiểu và yêu hơn văn học Việt Nam. Yêu văn học cũng chính là cách con người hướng đến các giá trị chân – thiện – mỹ, chống lại thói vô cảm. Đây là những giá trị mà nền văn hóa Việt Nam đang hướng tới”.

Đưa Bảo tàng Văn học Việt Nam trở thành “địa chỉ đỏ” của công chúng yêu văn chương - Anh 3

Đưa Bảo tàng Văn học Việt Nam trở thành “địa chỉ đỏ” của công chúng yêu văn chương - Anh 4

Nhiều tư liệu, hiện vật, kỷ vật được hiến tặng cho Bảo tàng

Nằm trên mảnh đất trước kia là Trường Viết văn Quảng Bá thuộc Hội Nhà văn Việt Nam (số 20B ngõ 275 Âu Cơ, Hà Nội), Bảo tàng Văn học Việt Nam là nơi sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu các di sản văn hóa, phản ánh quá trình hình thành và phát triển của văn học Việt Nam. Không gian trưng bày trong nhà của Bảo tàng gồm 3 tầng. Không gian bên ngoài của bảo tàng là những bức phù điêu bằng gốm giới thiệu về nền văn học dân gian Việt Nam và 20 bức tượng danh nhân văn học thời kỳ cổ - trung đại. Để được đông đảo công chúng biết đến, Bảo tàng Văn học Việt Nam đã triển khai hình thức trải nghiệm mới qua tour du lịch văn học với chủ đề Chữ Tâm, chữ Tài.

Qua tour du lịch, khách tham quan không chỉ được ngắm nhìn khối lượng hiện vật đồ sộ về văn học của Bảo tàng mà còn được nghe thuyết minh, tìm hiểu câu chuyện của mỗi hiện về qua lời kể và màn diễn xuất tái hiện lại trích đoạn từ tác phẩm văn học. Từ đó, du khách sẽ có những suy tư sâu lắng về cuộc sống, đời văn của tác giả, về giá trị nền văn học nước nhà.  Những di sản văn chương cũng vì thế đến gần với công chúng hơn, sống trong đời sống đương đại.

ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc