Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Hà Nội và chuyện nghịch lý thừa, thiếu công viên (Bài 3): Trông người, lại ngẫm đến ta

Thứ Tư 12/04/2023 | 10:29 GMT+7

VHO-  Sẽ là khập khiễng khi đối sánh giữa nhiều công viên ở các nước với những công viên, vườn hoa đang tồn tại nhiều năm qua giữa Thủ đô Hà Nội.

 Một góc công viên ở thủ đô Mỹ - Ảnh: ISTOCK

Ở Thái Lan, nhiều công viên nổi tiếng thế giới chứ không phải chỉ ở đất nước chùa Vàng. Ngoài phục vụ người dân Thái Lan, những công viên này cũng thu hút đông đảo khách du lịch quốc tế đến tham quan, khám phá. Chatuchak là quà tặng của hãng đường sắt quốc gia Thái Lan cho Bangkok nên bên trong công viên có một bảo tàng xe lửa, tuy nhỏ nhưng cực kỳ thông thoáng, thích hợp với những du khách thích tò mò và yêu khám phá, muốn tìm hiểu về lịch sử đường sắt của đất nước chùa Vàng.

Công viên… nước người ta

Được xây dựng vào năm 1975, rộng 304m2, công viên Chatuchak là một trong những công viên lâu đời nhất ở Thái Lan, nơi người dân địa phương và du khách thoải mái hít thở bầu không khí trong lành, sạch sẽ và cảm nhận hơi thở chậm rãi của TP Bangkok đông đúc. Khắp nơi trong công viên, người ta chụp ảnh, ngắm hoa, cho bồ câu ăn, nghe chim hót, nhìn sóc chuyền cành, trải khăn ngồi ăn nhẹ trên bãi cỏ, dưới những hàng cọ cao lớn, đạp xe quanh hồ hay đi xe đạp nước hình thiên nga, đi bộ thể dục ngắm cảnh....

Những hình ảnh yên bình, thân thiện và mang đến cảm giác thoải mái cho bất kỳ ai. Du khách nước ngoài như chúng tôi cảm giác rất gần gũi, ấm áp, như ngay trên đất nước mình. Nằm giữa Thủ đô Bangkok, công viên Lumphini còn được gọi là Lumpinee hoặc Limpini trong tiếng Thái, nằm tại cuối đại lộ Ratchadamri, ngay giao điểm với đại lộ Rama IV, là một sân vui chơi công cộng và là “lá phổi xanh” của cư dân thành phố. Được hình thành bằng tài sản hoàng gia vào năm 1920 theo lệnh của hoàng tử Rama VI, công viên được đặt theo tên Lumbini, nguồn gốc của Đức Phật ở Nepal. Người dân Thái Lan và du khách nước ngoài có thể thỏa thích vui chơi bên trong công viên, dưới những tán cây xanh tươi và sân chơi rợp bóng mát. Buổi sáng, người dân thong thả vào công viên tập thể dục, ngắm bình minh lên. Chiều xuống, mọi sinh hoạt trong công viên đều ngừng lại lúc 18 giờ, khi quốc ca Thái Lan cất lên và mọi người đều trang nghiêm tỏ lòng yêu nước.

Trông người lại ngẫm đến ta. Khung cảnh yên bình ấy không mấy khi người dân Hà Nội được thưởng thức, được trải nghiệm trong những không gian công viên, vườn hoa đang có. Một lần ở cổng Công viên Thống Nhất (phía đường Trần Nhân Tông), chúng tôi bắt gặp cảnh một người đàn ông nước ngoài hốt hoảng đuổi theo một thanh niên xăm trổ đầy người, luôn miệng hét lên: “Stop, stop. Help me, help me”. Không đuổi được thanh niên kia, người đàn ông này quay lại công viên để báo cho “nhà chức trách”. Thì ra, anh này đến Việt Nam du lịch, vừa quen một cô người Việt Nam và đi vào công viên... chơi. Sau đó, anh phát hiện mình bị mất túi, trong đó có toàn bộ tiền và hộ chiếu.

Chắc chắn, vị khách người nước ngoài này sẽ rất nhớ chuyến đi Việt Nam vì… ấn tượng xấu xí. Hình ảnh điểm đến Việt Nam cũng vì thế mà bị tổn thương nghiêm trọng, có thể khiến khách nước ngoài không muốn quay trở lại.

 Và một góc công viên Thủ Lệ ở Hà Nội Ảnh: TRẦN HUẤN

Nơi khơi nguồn cảm hứng

Khi nói đến công viên, vườn hoa công cộng, ít thành phố nào có thể sánh được Washington DC (Mỹ). Bất kể mùa nào, thành phố này cũng ngập tràn hoa và tuyệt đẹp. Pierre L’Enfant, nhà quy hoạch đô thị đầu tiên của Washington DC đã thiết kế “Thành phố liên bang”, được làm đẹp bởi những khu vườn công cộng và đó cũng là niềm tự hào của nước Mỹ đến ngày nay. Du khách sẽ dễ dàng tìm thấy cảnh quan tuyệt đẹp xung quanh National Mall và vẻ đẹp tự nhiên trong Công viên Rock Creek, cùng với hàng chục vườn hoa và công viên trong thủ đô của Mỹ.

Công viên National Mall rợp bóng cây xanh trải dài, nơi tọa lạc các đài tưởng niệm mang dấu ấn riêng, trong đó có Đài tưởng niệm cựu tổng thống Lincoln và Washington. Đầu phía đông công viên là Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ và về phía bắc là Nhà Trắng. Bảo tàng Smithsonian nằm liền kề công viên với những bãi cỏ và lối đi nhộn nhịp các nhóm học sinh, người chạy bộ và các đội bóng. Gần đó là hồ chứa nước Tidal Basin nổi tiếng với những cây hoa anh đào nở rộ khoe sắc.

Công viên Rock Creek được thành lập vào năm 1890 theo Đạo luật của Quốc hội, tổng diện tích là 1.700 mẫu Anh. Công viên đô thị lớn này là một môi trường sống thịnh vượng cho các loài bản địa. Vườn thú quốc gia trong công viên mở cửa miễn phí chào đón tất cả mọi người. Có hơn 400 loài động vật khác nhau ở đây và được các bạn nhỏ rất yêu thích với các hoạt động đào tạo động vật, cho động vật ăn. Các công trình lịch sử như: Pháo đài Stevens, một phần của lực lượng phòng thủ trong Nội chiến Washington; Pierce Mill và Đài tưởng niệm Francis Scott Key ở Georgetown là các điểm được nhiều du khách, người dân ghé thăm ở công viên.

Ở Mỹ, người dân địa phương gọi là Công viên Malcolm X là Công viên đồi Meridian. Đây là công viên đô thị phong cảnh tân cổ điển rộng 12 mẫu Anh, được thành lập vào năm 1912. Được chỉ định là Di tích lịch sử quốc gia, công viên này có quang cảnh thanh bình, nhiều cây cối, thác nước xếp tầng, các bức tượng đáng chú ý của Joan of Arc, Dante và một đài tưởng niệm Tổng thống James Buchanan. Công viên Lincoln trên Đồi Capitol được thành lập 11 năm sau khi Tổng thống Lincoln qua đời. Công viên có hai bức tượng đáng chú ý đối diện nhau: Tổng thống Lincoln với một người đàn ông da đen, thể hiện cho Tuyên bố Giải phóng, và tượng Mary McLeod Bethune, tôn vinh nhà hoạt động dân quyền. Vườn chiến thắng (vườn Victory) trong khuôn viên của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Hoa Kỳ có các loài thực vật đặc trưng có nguồn gốc từ Mỹ. Đây là những loại thảo mộc và rau có các mùa phát triển khác nhau. Sự thật ít người biết, Khu vườn được lấy cảm hứng từ lịch sử Hoa Kỳ. Người ta đã trồng chúng trong hai cuộc chiến tranh thế giới khi lương thực thiếu thốn. Vườn Victory luôn miễn phí vào cửa cho tất cả công chúng.

Kể ra như thế để thấy, những công viên, vườn hoa công cộng của thủ đô Washington luôn mang lại cảm hứng mãnh liệt cho công chúng và nó thực sự phục vụ cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Bà Trần Nam Hương (Hà Nội) cho biết: “Gia đình tôi năm nào cũng có các chuyến đi du lịch nước ngoài tới Mỹ, châu Âu. Ngoài những điểm du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng, quen thuộc, thực sự những vườn hoa ở đó gây ấn tượng mạnh với chúng tôi. Đó là nơi chúng tôi có thể nạp năng lượng cho cuộc sống, gắn kết các thành viên trong gia đình hoặc cảm nhận một cách bình yên, chậm rãi những gì đang diễn ra quanh mình”. Theo www. washington.org, hệ thống công viên ở Thủ đô Washington xếp vị trí số 1 tại Mỹ. Ước tính, 98% cư dân Thủ đô nước Mỹ sống cách công viên chỉ 10 phút đi bộ và có tới 21% diện tích thành phố được dành cho công viên.

Công viên, vườn hoa ở các nước chính là bộ mặt đô thị và phản ánh tình trạng phát triển của nước đó, thành phố đó. Ở Dubai, không chỉ có những tòa nhà hoành tráng, thành phố này còn có những điểm đến đầy thú vị. Riverland Dubai là cửa ngõ dẫn đến công viên và khu nghỉ dưỡng Dubai. Những trải nghiệm ở đây giống như một chuyến du hành xuyên thời gian mà người dân và du khách tới thành phố này đều muốn thử một lần. Riverland có liên kết với công viên giải trí ở Dubai mà người dân và du khách có thể vào cửa miễn phí. Vì thế, nó trở nên cực kỳ phổ biến với những ai đang tìm kiếm những địa điểm vui chơi thoải mái, vừa túi tiền với tất cả mọi người trong thành phố. Riverland Dubai là nơi tái hiện các địa điểm đẹp như tranh vẽ từ các vùng khác nhau trên thế giới, với những con đường rải sỏi, quán rượu nhỏ quyến rũ và thậm chí là dòng sông nhân tạo quanh co. Công viên này được cho là địa điểm hoàn hảo để thư giãn, nạp năng lượng cho những người sống ở Jebel Ali và nơi nghỉ dưỡng cuối tuần lý tưởng cho các gia đình.

Trong khi đó, điểm lại 63 công viên, vườn hoa hiện có giữa Thủ đô, người Hà Nội dường như không có được một không gian khơi nguồn cảm hứng một cách đúng nghĩa. Chị Phạm Hồng Thu (Hà Nội) kể: “Nhà tôi ở ngay cạnh Công viên Indira Gandhi (quận Đống Đa) nhưng rất hiếm khi tôi vào công viên. Nơi này xuống cấp nhiều, công tác vệ sinh môi trường kém. Hà Nội nghìn năm văn hiến thường được xếp vào danh sách những điểm đến hấp dẫn nhưng lại chưa có một công viên nào được đầu tư xứng tầm, được xem là điểm đến không thể thiếu trong hành trình khám phá Thủ đô của du khách. Thực tế này khác hẳn với hệ thống công viên, vườn hoa ở nhiều thành phố trên thế giới…”. 

 THÚY HÀ - THU TRANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top