Phát triển đồng đều giữa du lịch nội địa và quốc tế, tập trung nâng cao chất lượng, chi tiêu của du khách

VHO- Ngày 10.4, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đã làm việc với Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) về việc thực hiện chính sách, pháp luật về du lịch (giai đoạn 2021 - 2023). Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng và Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt chủ trì buổi làm việc.

Phát triển đồng đều giữa du lịch nội địa và quốc tế, tập trung nâng cao chất lượng, chi tiêu của du khách - Anh 1

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng phát biểu

Tham dự buổi làm việc còn có các Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; Đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương; các chuyên gia nguyên là Phó chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội và toàn bộ lãnh đạo Tổng cục Du lịch, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục Du lịch.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Phan Viết Lượng đề nghị Tổng cục Du lịch tập trung báo cáo 4 nhóm vấn đề chính: Tổ chức bộ máy, kết quả mở cửa du lịch từ ngày 15.3.2022, việc thực hiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực du lịch, hoàn thiện chính sách pháp luật và đề xuất giải pháp giải quyết những bất cập trong quá trình thực hiện các chính sách đó.

“Những kiến nghị, đề xuất của Tổng cục Du lịch sẽ giúp Ủy ban Văn hóa, Giáo dục có căn cứ để báo cáo trước diễn đàn Quốc hội kỳ họp tới liên quan đến việc phát triển du lịch”, Phó Chủ nhiệm Phan Viết Lượng nhấn mạnh.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết: “Trong bối cảnh các nước trên thế giới đang khôi phục lại hoạt động du lịch sau khi chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, toàn ngành Du lịch đã kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ chuẩn bị từ sớm, từ xa để bắt kịp xu hướng chung của thế giới. Với sự chỉ đạo sâu sát đó, cùng sự phối hợp của các Bộ, ngành và nỗ lực toàn ngành, hoạt động du lịch giai đoạn 2021- 2023 đã dần khôi phục trở lại, đặc biệt là du lịch nội địa”. 

Phát triển đồng đều giữa du lịch nội địa và quốc tế, tập trung nâng cao chất lượng, chi tiêu của du khách - Anh 2

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt phát biểu

Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Du lịch, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Chỉ số về năng lực phát triển du lịch của Việt Nam tăng 8 bậc so với năm  2019, xếp hạng 52/117 nền kinh tế. Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, du lịch Việt Nam là 1 trong 3 nước có mức tăng trưởng cao nhất. Tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới năm 2022 - khu vực châu Á và châu Đại Dương, du lịch Việt Nam nhận 16 giải thưởng du lịch và tiếp tục khẳng định thương hiệu, vị thế của du lịch Việt Nam trên thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, ngành Du lịch vẫn  còn gặp phải đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế. Đến nay, du lịch chưa thuộc danh mục ngành nghề khuyến khích đầu tư, không có trong danh mục lĩnh vực được thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) theo Luật Đầu tư năm 2020.

Việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế ban đêm gắn với thu hút khách du lịch còn vướng các quy định của pháp luật về an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, lao động... Tình trạng đứt gãy nguồn nhân lực sau 2 năm đóng băng do dịch bệnh khiến ngành Du lịch đối mặt với khủng hoảng thiếu nhận lực. Việc gián đoạn, đứt gãy liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam và các doanh nghiệp lữ hành đối tác ở nước ngoài cũng gây khó khăn trong hoạt động du lịch, nhất là lĩnh vực inbound (đón khách nước ngoài vào Việt Nam). Sự liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành, vận tải, lưu trú còn nhiều bất cập. 

Phát triển đồng đều giữa du lịch nội địa và quốc tế, tập trung nâng cao chất lượng, chi tiêu của du khách - Anh 3

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu

Tổng cục Du lịch cho rằng, chính sách visa có nhiều đổi mới, tiến bộ song trong triển khai chưa thực sự sát thực tế, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến và kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu ở Việt Nam, chưa đáp ứng yêu cầu cạnh tranh so với các nước trong khu vực.

Hiệu quả liên kết giữa các vùng, các địa phương, các ngành còn thấp, nhiều hoạt động liên kết còn hình thức. Sản phẩm du lịch chưa thực sự đa dạng, hấp dẫn đối với một số thị trường khách du lịch trong bối cảnh mới. 

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Tổng cục Du lịch đã đề nghị Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo thẩm quyền chỉ đạo xây dựng khung khổ pháp lý, tạo điều kiện cho du lịch phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 16.1.2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, kiến nghị điều chỉnh Luật Du lịch 2017, sửa đổi tên gọi từ “Tổng cục Du lịch” thành “Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam” để phù hợp với các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ VHTTDL theo Nghị định số 01/2023/NĐ-CP của Chính phủ nhằm không làm gián đoạn thủ tục cấp phép cho doanh nghiệp du lịch thuộc thẩm quyền của Tổng cục Du lịch và các hoạt động quản lý nhà nước về du lịch tại Luật Du lịch 2017.

Phát triển đồng đều giữa du lịch nội địa và quốc tế, tập trung nâng cao chất lượng, chi tiêu của du khách - Anh 4

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn phát biểu

Đề nghị xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo hướng đưa du lịch thành ngành nghề ưu đãi, khuyến khích đầu tư, là lĩnh vực được triển khai phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP).

Xem xét, sửa đổi Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (2017) và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tạo điều kiện thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại nước ngoài. 

Tổng cục Du lịch cũng đề xuất xem xét, sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan để triển khai được Đề án phát triển kinh tế ban đêm. 

Kiến nghị sớm ban hành Nghị quyết về chính sách thị thực trong đó, nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ; nâng cấp thời hạn chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 lên 45 ngày.

Phát triển đồng đều giữa du lịch nội địa và quốc tế, tập trung nâng cao chất lượng, chi tiêu của du khách - Anh 5

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Trần Việt Anh phát biểu

Xem xét, ban hành Nghị quyết về điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất theo tinh thần Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị, giúp các đơn vị giảm chi phí đầu vào trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn hiện nay.

Đồng thời, xem xét, ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân  lực du lịch và nhân lực chất lượng cao phù hợp với các thoả thuận thừa nhận lẫn nhau của Việt Nam và các nước về nhân lực ngành Du lịch. 

Đề nghị tăng cường hơn nữa công tác giám sát thực hiện các quy định của Luật Du lịch 2017.

Phát triển đồng đều giữa du lịch nội địa và quốc tế, tập trung nâng cao chất lượng, chi tiêu của du khách - Anh 6

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy phát biểu

Các thành viên đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã đề nghị Tổng cục Du lịch làm rõ hơn một số vấn đề liên quan việc thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, Luật Du lịch 2017 và những chính sách pháp luật khác liên quan đến du lịch. Các nội dung về thống kê du lịch, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch; làm rõ việc Việt Nam mở cửa trước nhưng lại chưa đạt được kết quả như mong muốn, thua kém so với các nước trong khu vực; du lịch đã chưa được quan tâm để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; cần có những đầu tư, ưu đãi gì để du lịch phát triển... đã được các thành viên đoàn công tác quan tâm

Đại diện các đơn vị trực thuộc Tổng cục Du lịch đã báo cáo, làm rõ các nội dung đoàn công tác đặt ra.

Phát triển đồng đều giữa du lịch nội địa và quốc tế, tập trung nâng cao chất lượng, chi tiêu của du khách - Anh 7

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc phát biểu

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết: “Những thay đổi về cơ cấu, tổ chức bộ máy, từ Tổng cục Du lịch thành Cục Du lịch quốc gia Việt Nam khiến cán bộ, người lao động ngành Du lịch có nhiều tâm tư, không ít nguyện vọng. Thời gian qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chính sách, chỉ đạo tạo điều kiện cho du lịch phát triển. Trong công tác quản lý nhà nước về du lịch, lãnh đạo Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch đều xác định không chạy theo số lượng mà tập trung nâng cao chất lượng khách, chi tiêu của khách du lịch. Đồng thời xác định phát triển “bằng cả 2 chân”, đồng đều giữa du lịch nội địa và quốc tế. Ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Đảng, Chính phủ về các giải pháp phát triển, những cơ chế, chính sách phát triển du lịch. Đồng thời, chỉ đạo toàn ngành thực hiện tốt các chương trình phục hồi du lịch thời gian tới, Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, Luật Du lịch 2017, Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 và các chính sách thúc đẩy du lịch phát triển”.

Phó Chủ nhiệm Phan Viết Lượng đánh giá Tổng cục Du lịch đã nỗ lực triển khai các nhiệm vụ với khối lượng công việc lớn, kịp thời so với tình hình phát triển nói chung của đất nước và đạt được những kết quả nhất định. Đặc biệt, dù chưa đạt được kết quả khách quốc tế như mục tiêu đề ra năm 2022 nhưng việc ngành tham mưu cho Chính phủ mở cửa hoàn toàn du lịch từ 15.3.2022 là quyết định rất đúng đắn, thể hiện rõ vai trò tham mưu, quản lý nhà nước của Bộ.

Ông Phan Viết Lượng cho rằng, đang có rất nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về du lịch nhưng có những nội dung, chính sách chưa thực hiện được. Trong đó, có nhiều nội dung tại Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị; Quyết định số 1685/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Cơ cấu lại ngành Du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn"; Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.... nếu được thực hiện sẽ giúp đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

THÚY HÀ; ảnh: THẾ PHI

Ý kiến bạn đọc