Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Về phương án mới bán​​​​​​​ vé tham quan đô thị cổ Hội An: Đừng để ảnh hưởng thương hiệu thành phố nhân tình, thuần hậu

Thứ Sáu 07/04/2023 | 10:28 GMT+7

VHO-  Dư luận đang hết sức quan tâm và đưa ra ý kiến nhiều chiều trước Phương án số 610/PA-UBND của UBND TP Hội An về việc “Tăng cường công tác quản lý hoạt động Hướng dẫn tham quan Khu phố cổ Hội An” (gọi tắt Phương án), trong đó có nội dung: Từ ngày 15.5, mọi du khách trong nước và quốc tế tham quan Khu phố cổ phải mua vé tham quan tại các quầy vé trước khi vào phố cổ Hội An.

 Ca sĩ Ueno Yuuka (Nhật Bản) mua vé tham quan phố cổ

Trước vấn đề này Văn Hóa đã ghi nhận những ý kiến của “người trong cuộc” và nhà quản lý, du khách… để có thể nhận diện đầy đủ hơn về chủ trương mới của TP Hội An.

Nếu làm theo cách đó sẽ thành chuyện “chặn đầu vặt lông”

Theo tôi, phải hiểu cho đúng là người dân và du khách không hề phản đối việc “lấy di tích nuôi di tích” mà Hội An đã nỗ lực thực hiện trong bao năm qua. Từ năm 1995, Hội An chính thức bán vé cho du khách vào tham quan khu vực I phố cổ. Thời điểm đó, tôi làm Chủ tịch UBND TP Hội An và lúc đó chủ trương bán vé tham quan cũng gặp không ít khó khăn.

Hội An luôn nhất quán bán vé tham quan là việc phải làm để góp phần trùng tu, tôn tạo di tích và đầu tư vào các hoạt động khác cho dân. Việc đó là cần thiết, nhưng không phải là yếu tố số một. Phải làm sao để người dân ở trong đó được hưởng lợi từ di sản mới là bền vững chứ không phải việc bán vé để thu ngân sách là bền vững. Thực tế là từ nhiều năm qua nguồn thu từ bán vé tham quan đã hỗ trợ rất nhiều cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích. Hội An có cơ chế, di tích dù thuộc sở hữu tư nhân, tùy theo từng loại di tích được xếp hạng mà mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để trùng tu từ 30-75%, thậm chí có trường hợp 100%. Có nhiều nhà cổ, tiền hỗ trợ trùng tu lên đến cả 2-3 tỉ đồng từ nguồn bán vé tham quan. Có thể khẳng định, từ nhiều năm qua, nguồn thu từ bán vé tham quan dùng để trùng tu di tích rất có hiệu quả.

Tuy nhiên, vì sao việc bán vé tham quan phố cổ Hội An đã thực hiện từ lâu, nhưng khi đưa ra phương án mới lại gặp nhiều ý kiến phản đối? Tôi cho rằng dư luận không phản ứng chuyện bán vé tham quan phố cổ. Điều dư luận phản đối chính là chuyện Phương án đang trong quá trình xây dựng, lấy ý kiến nhưng khi giải thích cho báo chí thì lại chưa rõ ràng khiến nhiều người nghĩ rằng, ai đi vào Hội An cũng bị chặn mua vé. Nếu làm theo cách tất cả du khách đến tham quan phố cổ Hội An đều phải mua vé; rồi cách Hội An dự kiến phân luồng 2 lối tại một số đường chính vào khu phố cổ để phân biệt du khách và người dân địa phương; “dùng người phố cổ để nhận diện người phố cổ”; bố trí lực lượng kiểm tra đa phần là người Hội An để “nhận diện” nhau… sẽ khiến việc bán vé tham quan thành chuyện “chặn đầu vặt lông” và tận thu.

Hội An vẫn phải bán vé nhưng nên tập trung bán vé theo các khách đi tour, khách đoàn, khách nước ngoài,… Còn khách lẻ đến Hội An chỉ vì yêu mến, muốn chụp tấm hình, ăn tô cao lầu, uống ly nước… trong không gian phố cổ thì không nhất thiết bắt mua vé. Phố cổ Hội An là di tích sống, khác hoàn toàn với các di tích như Mỹ Sơn, Cố đô Huế… Điểm xuất phát của du lịch Hội An bắt đầu từ phố cổ, từ các giá trị văn hoá, do đó khi ứng xử với Hội An là phải ứng xử với một di sản văn hoá rồi sau đó mới nói đến việc ứng xử với một điểm đến du lịch. Đã là một điểm đến văn hóa thì đừng tính toán đến chuyện thất thu.

(Ông NGUYỄN SỰ, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An)

Cần tham vấn ý kiến trước khi đưa ra phương án

Thật ra, việc “lấy di tích nuôi di tích” như Hội An mong muốn là để quản lý tốt hơn chuyện bán vé tham quan, có thêm nguồn thu để hỗ trợ việc bảo tồn, tôn tạo di tích… đang là vấn đề khá nhạy cảm. Bởi nếu triển khai không khéo léo, không tạo được sự đồng thuận sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu của thành phố nhân tình, thuần hậu trong mắt du khách, vì thực tế du khách tiêu tiền vào các dịch vụ ở địa phương cũng là đã đóng góp cho di tích.

Kinh phí dành cho tu bổ di tích không phải 100% từ vé tham quan mà còn phần lớn là ngân sách của Nhà nước. Đơn cử như Nghị quyết số 13 của HĐND tỉnh Quảng Nam quy định cơ chế hỗ trợ đầu tư, tu bổ các di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, trong đó nguồn vốn thực hiện các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia từ nguồn kinh phí ngân sách tỉnh. Đối với các di tích cấp tỉnh, nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, nguồn đối ứng từ ngân sách địa phương và nguồn vốn xã hội hóa. Từ nguồn ngân sách của tỉnh, trong đó chỉ có một phần là phí tham quan, còn lại là thuế thu từ lưu trú, dịch vụ ăn uống, bán hàng... Thu phí tham quan chỉ là phần nhỏ trong doanh thu từ du lịch.

Đương nhiên không thể không thu phí tham quan, nhưng thu với đối tượng nào và thu như thế nào cho hợp lý thì lẽ ra TP Hội An cần tham vấn ý kiến nhân dân, các chuyên gia, những người làm công tác du lịch, doanh nghiệp trước khi đưa ra phương án.

(Ông HỒ XUÂN TỊNH, nguyên Phó giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam)

Triển khai phương án bán vé sao cho khoa học để tránh việc gây phiền hà…

Phương án “Tăng cường công tác quản lý hoạt động Hướng dẫn tham quan Khu phố cổ Hội An” là thuộc thẩm quyền ban hành của Chủ tịch UBND TP Hội An. Đến thời điểm này, Sở VHTTDL cũng chỉ mới biết thông tin về Phương án đó qua báo chí và trả lời của lãnh đạo thành phố Hội An với các cơ quan truyền thông. Hiện Sở chưa nhận được Phương án cụ thể.

Quan điểm của Sở VHTTDL là ủng hộ việc bán vé tham quan phố cổ Hội An đối với các du khách nhằm tạo thêm nguồn kinh phí để trùng tu, tôn tạo phố cổ, cải thiện môi trường, dịch vụ, hạ tầng phố cổ phục vụ tham quan, công tác PCCC, phục vụ các hoạt động, sự kiện phục vụ du khách. Tuy nhiên, việc bán vé như thế nào phải đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Thời gian qua, có một số công ty lữ hành, hướng dẫn viên đã thu tiền đầy đủ của du khách nhưng khi đưa du khách đến Hội An thì lại không mua vé cho du khách mà để du khách đi tự do vào tham quan phố cổ. Trong khi đó giá vé tham quan phố cổ Hội An hiện nay ở mức vừa phải, không cao so với giá vé ở các điểm khác.

Hội An cần quan tâm tổ chức triển khai phương án bán vé sao cho khoa học để tránh việc gây phiền hà cho nhân dân sinh sống, kinh doanh trong khu vực phố cổ và những người thực hiện nhiệm vụ công vụ tại phố cổ mỗi khi ra vào phố cổ vì phố cổ Hội An là “di sản sống”. Đồng thời cần đẩy mạnh truyền thông, công khai, minh bạch về phương án để cộng đồng, du khách và doanh nghiệp nắm rõ, đồng thuận và ủng hộ.

(Ông NGUYỄN THANH HỒNG, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam)

Hoàn toàn không có chuyện Hội An dựng “barie” để tận thu

Thành phố mới đưa ra Phương án và tất cả đang nằm trong dự thảo. Kế hoạch sẽ là như vậy nhưng chắc chắn phải có lộ trình xây dựng, triển khai, phân công trách nhiệm thực hiện cụ thể đối với từng ban, ngành, đơn vị liên quan, đặc biệt là tham vấn ý kiến của chính các cư dân sinh sống trong khu phố cổ.

Thành phố không yêu cầu tất cả mọi người khi vào khu phố cổ đều phải mua vé. Hoàn toàn không có chuyện Hội An dựng “barie” để tận thu vé tham quan, tận thu với tất cả mọi người vào phố cổ Hội An với bất kỳ mục đích gì. Chẳng hạn như người dân ở Quảng Nam, Đà Nẵng đến phố cổ Hội An để chụp hình cưới, hay thăm người thân, làm mục đích kinh doanh, sản xuất, trao đổi gì đó với người thân trong khu phố cổ thì sẽ không bắt buộc phải mua vé. Mục đích của thành phố là kiểm soát khách đoàn và những người đến Hội An tham quan thực thụ. Đối với Hội An, việc nâng cao nguồn thu từ vé tham quan không phải là mục đích, mà mục đích là làm sao tạo sự công bằng giữa người mua vé và không mua vé, cũng sẽ tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp lữ hành. Nếu không, đơn vị lữ hành nào chấp hành đúng quy định trong việc mua vé tham quan cho du khách sẽ thiệt thòi so với những đơn vị chuyên dẫn khách tham quan “chui”.

Việc xây dựng và triển khai phương án trong thời gian tới là cần thiết, để tạo sự công bằng cho mọi du khách khi tham quan khu di sản. Đồng thời nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, sản phẩm, chương trình tham quan, giúp cho du khách có điều kiện thưởng ngoạn, hưởng thụ những giá trị lịch sử, văn hóa và góp phần vào việc bảo tồn di sản đô thị cổ Hội An thông qua tấm vé tham quan.

(Ông NGUYỄN VĂN SƠN, Chủ tịch UBND TP Hội An)

Luôn ủng hộ việc thu phí vào các khu di sản

Không riêng gì Hội An mà tôi luôn ủng hộ việc thu phí vào các khu di sản đã được UNESCO công nhận. Tôi tin rằng khi mua một tấm vé chúng tôi đã góp một khoản nhỏ trong nỗ lực bảo tồn di sản, không chỉ cho thế hệ bây giờ hưởng thụ mà còn là giữ gìn cho những người sau trải nghiệm vẻ đẹp của di sản. Như ở Hội An là sẽ góp phần trùng tu di tích, các ngôi nhà cổ, bảo tồn kiến trúc độc đáo của di sản văn hóa này.

Có thể việc bán vé sẽ có người ủng hộ, người phản đối, người mua, người không, đừng nghĩ tới chuyện “nhà nước thu phí” mà hãy nghĩ rằng khi đến một điểm nào đó tham quan, mua tấm vé là chung tay để cho cộng đồng nơi ấy giữ gìn, đầu tư chất lượng điểm đến, dịch vụ để mình hưởng thụ, tham quan và còn đầu tư cho tương lai của di tích ấy lâu dài. Tuy nhiên đối với người dân địa phương, cần xây dựng phương án linh hoạt, không khô cứng, máy móc trong quá trình thực hiện.

(Du khách người Hà Lan JEFF GRILLSON)

Làm tốt du khách sẽ mua vé…

Hội An có đưa con số theo khảo sát hiện nay, tỉ lệ khách mua vé tham quan so với lượng khách vào phố cổ chỉ đạt khoảng 40%. Người dân Hội An, doanh nghiệp kinh doanh sẵn lòng ủng hộ, tuyên truyền cho du khách mua vé khi vào phố cổ để góp phần cho nguồn thu ngân sách, từ đó phục vụ, hỗ trợ lại cho công tác trùng tu, bảo tồn di sản, công tác vệ sinh môi trường, cảnh quan duy tu, chỉnh trang đô thị… Nhưng người dân cũng muốn được minh bạch nguồn thu thực tế từ việc bán vé và chi trả cho công tác phục vụ trùng tu, bảo tồn, vận hành, quản lý di sản,…

Cạnh đó, phương án phân luồng sẽ như thế nào để phân biệt du khách và người dân địa phương, để người Hội An không phải băn khoăn vì bất cập, phiền toái trong việc ra vào ngay chính không gian sống của mình. Trả lời cụ thể những vấn đề ấy, người dân, du khách có thể hiểu và vui vẻ “mua vé là chung tay bảo tồn di sản”. Hội An nên bắt đầu từ chuyện nhỏ, đảm bảo môi trường du lịch, an ninh an toàn cho du khách, nạo vét lòng sông Hoài, chấn chỉnh tình trạng “chặt chém”, xô bồ, lẫn lộn giữa người mua vé với người không mua vé như hiện nay… Làm tốt trước đi, du khách sẽ sẵn sàng đến và mua vé, người dân cũng vui vẻ ủng hộ, chung tay cùng chính quyền.

(Anh NGUYỄN H.H, chủ cơ sở lưu trú - nhà hàng ở Hội An)

 

 Liên quan đến việc đề xuất mới thu phí tham quan di sản văn hóa thế giới khu phố cổ Hội An, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) vừa có văn bản đề nghị UBND thành phố Hội An, Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An cung cấp các thông tin liên quan đến việc thu phí tham quan di sản văn hóa thế giới khu phố cổ Hội An.

KHÁNH CHI (thực hiện)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top