Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Đêm nhạc tưởng nhớ 5 nhạc sĩ tài hoa

Thứ Tư 05/04/2023 | 16:12 GMT+7

VHO - Nhằm tưởng nhớ, tri ân và tôn vinh 5 nhạc sĩ tài hoa: Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Tài Tuệ, Hồng Đăng, Nguyễn An Thuyên, Nguyễn Trọng Tạo, vào ngày 14.5, Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề "Mạch nguồn Ví, giặm" tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội.

Đêm nhạc đặc biệt với chủ đề "Mạch nguồn ví, giặm" sẽ diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội

Theo thông tin từ Ban tổ chức, “Mạch nguồn Ví, giặm” với mong muốn góp phần khắc họa chân dung nghệ thuật của 5 nhạc sĩ tiêu biểu: Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Tài Tuệ, Hồng Đăng, Nguyễn Trọng Tạo và An Thuyên. Đây là những nhạc sĩ đã có nhiều tác phẩm đi cùng năm tháng và đóng góp rất lớn cho nền âm nhạc Việt Nam.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là một trong năm người đã sáng lập Hội nhạc sĩ Việt Nam. Ông là một trong những nhạc sĩ nhạc đỏ thành công với chất liệu dân ca. Những sáng tác của ông được chắt chiu và nghiền ngẫm qua những chuyến đi thực tế trong thời gian dài, nhiều sáng tác đã sử dụng khéo léo chất liệu dân ca của nhiều vùng. Âm nhạc của ông giàu chất trữ tình được thể hiện qua lời ca trau chuốt cùng với giai điệu mượt mà và bản sắc dân tộc. Một đề tài quen thuộc trong nhiều sáng tác của ông là phụ nữ với những ca khúc như Bài ca phụ nữ Việt Nam, Mẹ yêu con, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa... Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng là một nhạc sĩ có nhiều sáng tác "ngành ca": Em đi làm tín dụng, Anh đi tìm tôm trên biển cả, Chim hót trên đồng đay, Cô đi nuôi dạy trẻ, Bài ca năm tấn. Ngoài ra ông còn viết một số ca khúc thiếu nhi như Màu áo chú bộ đội, Em tập lái ô tô, Tôi là gà trống, Gà mái mơ, Út cưng... Ông còn viết nhạc cho phim hoạt hình, múa rối và một số vở chèo: Đảo nổi, Sông Hồng(1967), Nguyễn Viết Xuân (1968).

Thanh Lam sẽ thể hiện ca khúc Hoa sữa

Nhạc sĩ Hồng Đăng đã để lại cho đời hơn 1.000 tác phẩm âm nhạc với nhiều bài hát được nhiều thế hệ ưa thích. Đặc biệt, hầu hết những ca khúc nổi tiếng nhất của ông đều đến từ cái duyên của ông với phim ảnh như: Hoa sữa (ca khúc trong phim Hà Nội mùa chim làm tổ); Lênh đênh (phim Đời hát rong). Trong khi đó, bài Biển hát chiều nay được sử dụng trong rất nhiều bộ phim liên quan đến biển, đảo. Năm 2001, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật và nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đến với âm nhạc từ niềm say mê những điệu ví, câu hò quê hương và tiếp đó là những làn điệu dân ca của các dân tộc thiểu số. Với quan niệm sáng tác “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, dù không được đào tạo bài bản qua các trường âm nhạc nhưng ông lại có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Mùa xuân gọi bạn, Suối Mường Hum còn chảy mãi, Tiến hát giữa rừng Pắc Bó, Xuân về trên bản, Xa khơi

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo ghi dấu ấn qua những ca khúc đậm chất dân ca với hình ảnh con sông, bến đò,… Ông được khán giả yêu mến, ví von là “người bước ra từ ca dao”, “nhạc sĩ của đồng quê Việt Nam”. Rất nhiều ca khúc của ông được đông đảo khán giả yêu thích như: Làng quan họ quê tôi, Khúc hát sông quê, Đôi mắt đò ngang, Bản tình ca bên một dòng sông;…

NSƯT Đức Long sẽ thể hiện ca khúc Dư âm

Nhạc sĩ An Thuyên là một trong số các nhạc sĩ đã khai thác, vận dụng và phát triển vốn âm nhạc của dân ca Nghệ Tĩnh một cách rất khéo léo, tài tình. Hầu hết những bài hát nổi tiếng của ông đều mang âm hưởng dân ca ngọt ngào sâu lắng và có sức lan toả rất lớn, như: Em chọn lối này, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Neo đậu bến quê, Ca dao em và tôi, Hà Tĩnh mình thương...

Dù các nhạc sĩ đã đi xa nhưng những ca khúc của họ vẫn mãi trường tồn và ngân lên cùng năm tháng. Một chương trình nghệ thuật với 15 ca khúc mới chỉ là một phần rất nhỏ trong gia tài âm nhạc đồ sộ mà các nhạc sĩ để lại nhưng là tình cảm trân trọng, sự tri ân và tôn vinh của Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội đối với các nhạc sĩ.

Chương trình gồm 15 ca khúc,. NSND Lê Tiến Thọ sẽ làm Tổng đạo diễn chương trình. Nhạc sĩ An Hiếu, con trai cố nhạc sĩ An Thuyên làm cố vấn nghệ thuật cho chương trình, với sự góp mặt của cácnghệ sĩ: NSƯT Thanh Lam, NSƯT Phạm Phương Thảo, NSƯT Tiến Lâm, NSƯT Đức Long, Anh Thơ, Bùi Lê Mận…

Anh Thơ sẽ thể hiện ca khúc Xa khơi

Đại diện BTC cho biết, chương trình được tổ chức đúng vào dịp Hà Nội và cả nước diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890- 19.5.2023) nên Ban Tổ chức đã lựa chọn 2 bài hát về đề tài Hồ Chủ tịch, đó là Tiếng hát giữa rừng Pắc Pó (Nguyễn Tài Tuệ) và Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác (An Thuyên).

“Mạch nguồn Ví, giặm" được tổ chức quy mô, chuyên nghiệp, chú trọng đến chất lượng chuyên môn. Hội đồng nghệ thuật do TS. Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội; đạo diễn NSND Lê Tiến Thọ; Thượng tá, nhạc sĩ An Hiếu; Ban Văn nghệ Đài TH Nghệ An cùng các nhà chuyên môn, Ban Tổ chức sự kiện và đại diện 5 gia đình nhạc sĩ tuyển chọn nhạc phẩm, ca sĩ”, đại diện BTC nhấn mạnh.

Chương trình được Đài truyền hình Nghệ An truyền hình trực tiếp và được trên 40 đài khác tiếp sóng.

THANH NGỌC

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top