Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Dứt điểm những vướng mắc tại Hãng phim truyện Việt Nam (Bài 2): Giải pháp cân bằng giữa mục tiêu và lợi ích

Thứ Tư 05/04/2023 | 10:50 GMT+7

VHO- Trước những vướng mắc kéo dài và cả những tình huống chưa từng có tiền lệ tại Hãng phim truyện Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, yêu cầu các cơ quan liên quan có phương án giải quyết dứt điểm. Thông báo ngày 28.3.2023 của Văn phòng Chính phủ nêu rõ chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Thanh tra Chính phủ kiến nghị biện pháp xử lý khả thi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 25.4.2023.

 Cơ sở vật chất tại số 4 Thụy Khuê sau nhiều năm không được đầu tư đã rơi vào tình trạng xuống cấp trầm trọng, hư hỏng và hầu như không sử dụng được Ảnh: TR.HUẤN

 Cũng tại Thông báo, Văn phòng Chính phủ nêu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về nội dung Bộ VHTTDL cần có phương án củng cố, sắp xếp Hãng phim truyện Việt Nam phù hợp với tình hình và luật pháp hiện hành, thúc đẩy hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và giữ gìn, phát huy truyền thống Hãng phim.

Phương án củng cố, sắp xếp Hãng phim

Sau nhiều năm tồn tại lay lắt, hoạt động chuyên môn và đời sống của các nghệ sĩ không được đảm bảo, nhà đầu tư chiến lược không thực hiện cam kết nhằm vực dậy Hãng phim, đặc biệt là mục tiêu đầu tư cơ sở vật chất để tiếp tục làm phim, cải thiện đời sống văn nghệ sĩ…, đến thời điểm này, phương án củng cố, sắp xếp Hãng phim không chỉ là vấn đề cấp thiết mà còn là mong mỏi của các nghệ sĩ, cán bộ Hãng phim.

Cổ phần hóa là điều cần thiết, tuy nhiên, mục tiêu vực dậy sức sống của Hãng phim đã không thành hiện thực khi điều cốt lõi là những bộ phim, nhuệ khí và tâm huyết của đội ngũ nghệ sĩ điện ảnh đã bị “thui chột” do những mâu thuẫn ngày càng nặng nề với Ban lãnh đạo Công ty. Cơ sở vật chất tại số 4 Thụy Khuê sau nhiều năm không được đầu tư đã rơi vào tình trạng xuống cấp trầm trọng, hư hỏng và hầu như không sử dụng được.

Hãng phim truyện Việt Nam là doanh nghiệp có tính chất đặc thù, người lao động đa số là các văn nghệ sĩ, nhưng trong quá trình thực hiện Kết luận thanh tra cũng như phương án sản xuất kinh doanh, giữa Công ty và người lao động không có tiếng nói chung. Đây là một trong những nguyên nhân khiến Vivaso không thể triển khai được các hoạt động theo kế hoạch và cam kết ban đầu. Bên cạnh đó, thực trạng thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất phim của nhà đầu tư chiến lược khiến mục tiêu hàng đầu của quá trình cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam đã rơi vào bế tắc.

Với thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ, Công ty không thể thực hiện các hoạt động đấu thầu để được Nhà nước đặt hàng sản xuất phim, và trên thực tế, họ cũng không triển khai hoạt động gì, dù nắm giữ vị trí lãnh đạo cao nhất, có quyền quyết định chi phối mọi hoạt động điều hành, sản xuất kinh doanh. Suốt khoảng thời gian dài do vướng mắc trong việc thực hiện hoàn trả lại cổ phần đã mua cho Nhà nước, nhà đầu tư cũng không rõ ràng trong việc rời đi hay ở lại.

Những khúc mắc trong quá trình triển khai Kết luận sau thanh tra cổ phần hóa tại Hãng phim đã nhiều lần được Bộ VHTTDL chỉ rõ. Một trong những nội dung được dư luận nhiều lần đề cập là hàng nghìn mét đất vàng không được tính vào giá trị của Hãng phim lúc cổ phần hóa. Tuy nhiên trên thực tế, diện tích Hãng phim sử dụng nhiều năm qua là đất thuê lại của Nhà nước nên đương nhiên không được coi là căn cứ tính giá trị của Hãng phim. Bộ VHTTDL đã phối hợp với các đơn vị có liên quan, xử lý dứt điểm những vướng mắc về đất đai, hoàn thiện phương án sử dụng đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Bộ VHTTDL đã làm việc với UBND TP Hà Nội và UBND TP.HCM; hai cơ quan này đã ban hành quyết định thu hồi đất của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam, bao gồm Quyết định số 3608/QĐ- UBND ngày 19.7.2021 của UBND TP Hà Nội; Quyết định số 970/ QĐ-UBND ngày 4.4.2022 của UBND TP.HCM. Tại Thông báo về việc xử lý thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, Văn phòng Chính phủ nêu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: UBND TP Hà Nội, UBND TP.HCM quản lý các cơ sở đã được thu hồi và xử lý dứt điểm những vấn đề liên quan theo đúng quy định pháp luật.

Hàng loạt những vướng mắc, cùng với sự không hợp tác của Vivaso trong việc báo cáo, đưa số liệu tính toán về các chi phí, không có văn bản đề xuất cụ thể số tiền cần nhận lại để thực hiện việc hoàn trả cho nhà nước cổ phần đã mua tại Hãng phim… dẫn đến việc thực hiện Kết luận sau thanh tra chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, trong khi tiếp tục triển khai quá trình rà soát, tìm giải pháp tháo gỡ thì việc cần có phương án củng cố, sắp xếp Hãng phim truyện Việt Nam cũng là một yêu cầu bức thiết. Đồng thời, đây cũng là nguyện vọng của đội ngũ điện ảnh nước nhà, nhằm thúc đẩy hoạt động hiệu quả, phát huy truyền thống Hãng phim truyện Việt Nam phù hợp với bối cảnh mới.

Tìm giải pháp cân bằng

Lối đi nào để giải quyết dứt điểm những vấn đề ở Hãng phim truyện Việt Nam cho đến thời điểm này vẫn đang là câu hỏi lớn. Bộ VHTTDL trong suốt thời gian qua đã có nhiều văn bản xin ý kiến các Bộ, ngành về hướng giải quyết triệt để, trong đó có nêu những khó khăn, tình huống chưa từng có tiền lệ.

Tại Công văn số 1315/BTC-TCDN ngày 25.10.2021, Bộ Tài chính có ý kiến: Theo báo cáo của Bộ VHTTDL tại Công văn số 3320/ BVHTTDL-KHTC ngày 13.9.2021, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam lỗ liên tiếp trong nhiều năm. Lỗ lũy kế đến nay bằng 88% vốn góp ban đầu và Công ty còn nợ Nhà nước tiền thuê đất. Trường hợp Công ty tiếp tục kinh doanh không có hiệu quả sẽ dẫn tới khả năng Nhà nước mất toàn bộ vốn đầu tư vào Công ty và Nhà nước không thu được khoản nợ tiền thuê đất của Công ty. Do tình hình tài chính của Công ty liên tục xấu đi, Bộ Tài chính đề nghị Bộ VHTTDL đánh giá tổng thể tác động đến lợi ích của Nhà nước trong trường hợp thu hồi cổ phần và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ở một chiều cạnh khác, thời gian qua Bộ VHTTDL cũng đã nhận được nhiều đơn kiến nghị của tập thể cán bộ, công nhân viên Hãng phim truyện Việt Nam. Nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của các nghệ sĩ và căn cứ vào tình hình thực tế, Bộ VHTTDL đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành thống nhất tính pháp lý của việc thực hiện nội dung thu hồi số cổ phần đã bán, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư chiến lược. Đồng thời, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ xem xét, rà soát việc thực hiện thu hồi số cổ phần đã bán, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư nhằm tháo gỡ khó khăn, giải quyết tận gốc những vấn đề vướng mắc, sớm ổn định tình hình tại Công ty và đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo pháp luật.

Câu chuyện Hãng phim truyện Việt Nam nhận được sự quan tâm không chỉ của giới điện ảnh và còn của các chuyên gia, dư luận xã hội. “Hiến kế” gỡ rối, nhiều ý kiến cho rằng, cần tháo gỡ những rào cản về cơ chế, đồng thời cần có quy định mang tính đặc thù. Nguyên nhân của sự kéo dài những khúc mắc tại số 4 Thụy Khuê cũng bởi điện ảnh là một lĩnh vực không thuộc đối tượng theo danh mục ngành nghề nhà nước phải đầu tư để mua vốn tại các công ty cổ phần. Nguồn tiền để hoàn trả cổ phần gặp khó khăn, trong khi nhà đầu tư chiến lược lại không có đủ cơ sở tính toán mức phí để thực hiện hoàn trả cổ phần. Giới luật sư cho rằng, giải pháp trước mắt là Bộ VHTTDL tiếp tục đẩy mạnh tiến độ triển khai việc thực hiện các nội dung tại Kết luận thanh tra cũng như thực hiện những chỉ đạo cụ thể của Chính phủ.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, những sản phẩm văn hóa, trong đó có điện ảnh là “hàng hóa đặc biệt” nên cần có cách ứng xử phù hợp quy luật thị trường, nhưng cũng theo đúng giá trị, tôn vinh văn hóa. Chính vì vậy, cần sự cân bằng giữa lợi ích kinh tế và phúc lợi xã hội - lợi ích cộng đồng từ các sản phẩm văn hóa nghệ thuật. “Hoạt động cổ phần hóa phải có sự thích nghi, điều chỉnh phù hợp hơn. Đặc biệt, cần đặt mục tiêu chấn hưng điện ảnh lên hàng đầu. Với Hãng phim truyện Việt Nam, sau cổ phần hóa vẫn cần có định hướng để sản xuất những bộ phim không chạy theo xu hướng thị trường, ăn khách, đạt lợi nhuận tối đa mà tạo ra sự cân bằng cho sự phát triển điện ảnh, đồng thời tạo định hướng phù hợp về đạo đức xã hội”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định. 

 Điện ảnh là hàng hóa đặc biệt nên cần có cách ứng xử phù hợp quy luật thị trường, nhưng cũng theo đúng giá trị, tôn vinh văn hóa. Chính vì vậy, cần sự cân bằng giữa lợi ích kinh tế và phúc lợi xã hội - lợi ích cộng đồng từ các sản phẩm văn hóa nghệ thuật. Hoạt động cổ phần hóa phải có sự thích nghi, điều chỉnh phù hợp hơn. Đặc biệt, cần đặt mục tiêu chấn hưng điện ảnh lên hàng đầu. Với Hãng phim truyện Việt Nam, sau cổ phần hóa vẫn cần có định hướng để sản xuất những bộ phim không chạy theo xu hướng thị trường, ăn khách, đạt lợi nhuận tối đa mà tạo ra sự cân bằng cho sự phát triển điện ảnh, đồng thời tạo định hướng phù hợp về đạo đức xã hội.

(PGS.TS BÙI HOÀI SƠN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội)

PHƯƠNG ANH

 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top