Không thích nghi sẽ khó cạnh tranh

VHO- Mở cửa du lịch hoàn toàn sau dịch Covid-19 đã hơn một năm, nhưng du lịch Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc thu hút khách quốc tế. Đặc biệt là việc giá tour thường tăng cao vào mùa cao điểm nên khó cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Không thích nghi sẽ khó cạnh tranh - Anh 1

 Tour Thái Lan thu hút khách du lịch Việt Nam và thế giới vì giá cả hấp dẫn, cách làm chuyên nghiệp Ảnh: TẤN ĐIỀN

Đến “hẹn” lại tăng

Đang có một thực tế là giá tour, dịch vụ du lịch mùa hè này của Việt Nam tăng nhanh chóng. Nhiều khách du lịch, công ty du lịch than vãn việc giá vé máy bay quá cao, giá phòng khách sạn cũng tăng khiến giá tour tăng đáng kể. “Giá vé máy bay mùa hè này khá cao. Việc giá vé tăng là bình thường. Năm nào cũng thế, cứ đến tháng 6-8, học sinh được nghỉ hè là nhu cầu đi du lịch theo gia đình, nhóm bạn bè, cơ quan lại tăng. Do đó, giá vé máy bay, phòng khách sạn, dịch vụ du lịch tăng theo, các điểm đến quá tải là không tránh khỏi”, ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Công ty du lịch AZA cho biết. Cũng theo ông Đạt, mặt bằng giá ở Việt Nam so với các nước trong khu vực khá rẻ. Thậm chí còn được coi là điểm đến giá rẻ cho khách tự đi. Khách sạn ở Việt Nam so với khách sạn Âu, Mỹ thì hơn hẳn, vừa rẻ, vừa đẹp hơn. Tuy nhiên, giá vé máy bay đến Việt Nam và bay nội địa Việt Nam đắt, đường bay ít. So với Thái Lan thì kém cạnh tranh hơn nhiều.

Thái Lan thuộc top các nước đón khách nhiều nhất của du lịch thế giới. Thái Lan có nhiều điểm du lịch về thiên nhiên, khu vui chơi giải trí, khu phố đi bộ về đêm hay các hoạt động và điểm du lịch liên quan đến văn hóa, lịch sử... phù hợp với mọi nhóm khách tự túc hay khách đoàn. Ẩm thực của nước này cũng phong phú, hợp khẩu vị của du khách, trong đó có du khách Việt Nam. Các điểm mua sắm cũng không kém phần đa dạng về các mặt hàng, chất lượng tốt, phù hợp với nhu cầu, mức chi tiêu của du khách Việt Nam.

Khách sạn hạng cao ở Thái Lan cũng cạnh tranh so với Việt Nam. Đi lại rất thuận tiện, vé máy bay rẻ. Giá vé máy bay từ châu Âu đến Thái Lan rẻ hơn từ châu Âu đến Việt Nam. Nhiều hãng hàng không cùng bay đến sân bay của Thái Lan. Trong khi đó, hàng không của Việt Nam cứ vào mùa cao điểm là quá tải và tăng giá. Trước dịch Covid-19, các sân bay của Việt Nam thường xuyên trong tình trạng quá tải.

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, chúng ta thua cách làm du lịch của: Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc… vì họ có sự liên kết rất chặt chẽ. Hàng không, khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, dịch vụ du lịch… của các nước trong khu vực giá rất tốt. Họ bắt tay nhau thu hút khách bằng giá hợp lý, ai cũng có thể đi được. Chính sách giá của các nước này rất ổn định.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Thái Lan Tanes Petsuwan, Việt Nam là thị trường khách du lịch quan trọng của du lịch Thái năm 2022, đứng thứ 6 trong tổng số khách du lịch nước ngoài đến Thái, đạt gần 470.000 người/lượt. Trong năm 2023 Thái Lan đặt mục tiêu đón hơn 500.000 lượt khách Việt Nam và tôi tin rằng mục tiêu này hoàn toàn sẽ thực hiện được.

“Cuộc chiến” không khoan nhượng

Ngay sau khi Trung Quốc mở cửa du lịch (8.1), các điểm đến, công ty du lịch Trung Quốc đã mở chiến dịch truyền thông hút khách quốc tế, trong đó, thị trường Việt Nam rất được quan tâm. Mới đây, tuyến du lịch vàng “Hai quốc gia - sáu điểm đến” giữa Trung Quốc (Côn Minh - Châu Hồng Hà) và Việt Nam (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) đã chính thức được khởi động trở lại sau thời gian dài ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Trước đó, các công ty du lịch Việt Nam cũng phối hợp với đối tác Trung Quốc khởi động lại tour Trương Gia Giới - Phượng Hoàng cổ trấn. Đây là tour trước dịch thu hút đông nhất khách Việt Nam vì có giá phù hợp và cảnh điểm hấp dẫn. Giá của chương trình du lịch này đang rất khác nhau, tour 6 ngày 5 đêm, nếu đi đường bộ giá khoảng 6,5-7,3 triệu đồng; đi đường bộ, về bay Vietjet giá khoảng 8-8,5 triệu đồng; nếu bay khứ hồi giá khoảng 12-13 triệu đồng... Tour Côn Minh - Đại Lý - Lệ Giang; Thành Đô - Cửu Trại Câu - Nga Mi Sơn (Trung Quốc) cũng đang khởi động trở lại với giá, cảnh điểm, dịch vụ rất hấp dẫn, được nhiều công ty du lịch Việt Nam chào bán.

Ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Công ty du lịch Bàn chân Việt (Vietfoot Travel) cho biết: “Từ sau khi Việt Nam mở cửa du lịch hoàn toàn từ 15.3.2022, chúng tôi đã liên tục tổ chức các chuyến khảo sát tới các nước châu Âu, Nam Phi, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc... làm việc với các đối tác, hãng hàng không, khách sạn để kết nối các đường tour nước ngoài. Nhu cầu du lịch của khách Việt Nam đi các nước cũng tăng khá cao. Khách đi tour nước ngoài của chúng tôi tăng nhanh và rất ổn định, dù đoàn không lớn, chỉ 15-30 người/ đoàn”.

Cũng theo ông Phạm Duy Nghĩa, hiện nay nhiều công ty lữ hành quốc tế đang hình thành các liên minh cùng bán tour như: Liên minh châu Âu, liên minh Nhật Bản, liên minh Mông Cổ để cùng gom khách và phục vụ khách tốt nhất. Các đường tour quốc tế đang khởi động lại và lao vào “cuộc chiến” không khoan nhượng về giá, chất lượng dịch vụ, trải nghiệm, chính sách đãi ngộ với các công ty, đại lý du lịch. Vì thế, nếu du lịch Việt Nam không thích nghi, đổi mới sẽ khó lòng cạnh tranh. 

 VŨ AN 

 

Ý kiến bạn đọc