Dứt điểm những vướng mắc tại Hãng phim truyện Việt Nam (Bài 1): Nhìn từ quá trình cổ phần hóa

VHO - Biểu tượng của nền Điện ảnh cách mạng Việt Nam đã qua thời hoàng kim, nay rơi vào cảnh vô cùng xập xệ. Những thế hệ nghệ sĩ điện ảnh đau đáu trông về dĩ vãng, từ khi Hãng phim truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê cho ra đời nhiều bộ phim sống cùng năm tháng.

Dứt điểm những vướng mắc tại Hãng phim truyện Việt Nam (Bài 1): Nhìn từ quá trình cổ phần hóa - Anh 1

 Biểu tượng của nền Điện ảnh cách mạng Việt Nam đã qua thời hoàng kim, nay rơi vào cảnh xuống cấp nghiêm trọng Ảnh: TRẦN HUẤN

Thế nhưng, nhìn một cách công bằng thì sau giai đoạn “vàng son” và trước khi bước vào quá trình cổ phần hóa, Hãng phim đã gặp nhiều khó khăn và thua lỗ trong suốt hơn hai thập kỷ. Ở bối cảnh Hãng phim đã mất đi vai trò của mình, cổ phần hóa là xu hướng tất yếu.

Vì sao bế tắc?

Không còn giữ được vai trò cánh chim đầu đàn của nền điện ảnh cách mạng sau những năm tháng lẫy lừng, nhưng vấn đề là sau cổ phần hoá, vì sao nhà đầu tư chiến lược không thể triển khai các nội dung cam kết, và mục tiêu cuối cùng là đưa Hãng phim thoát khỏi tình trạng thua lỗ, xuống cấp trầm trọng trong suốt nhiều năm rơi vào bế tắc?

Báo cáo của Bộ VHTTDL về thực trạng của Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam trước khi cổ phần hóa cho biết, từ năm 2010, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty không hiệu quả. Năm 2012 lỗ 3,5 tỉ, năm 2013 lỗ 1,3 tỉ; 9 tháng năm 2014 lỗ 3,7 tỉ đồng, lỗ lũy kế từ năm 2004 đến thời điểm ngày 30.9.2014 là 39,6 tỉ. Doanh thu từ nguồn kinh phí đặt hàng của Nhà nước chiếm đến 90% tổng doanh thu của Công ty; trong khi doanh thu phát hành phim không đủ bù đắp chi phí, đời sống cán bộ công nhân viên, nghệ sĩ bấp bênh. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất không được đầu tư nên đã xuống cấp nghiêm trọng, không có nguồn vốn lưu động để sản xuất phim...

Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, xuất phát từ tình hình thực tế tại Công ty đòi hỏi phải tiến hành tái cơ cấu doanh nghiệp, Bộ VHTTDL ban hành Quyết định về việc cổ phần hóa và thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa Công ty. Quy trình triển khai lựa chọn nhà đầu tư chiến lược được thực hiện theo đúng quy định. Nhưng thời điểm đó, chỉ có duy nhất một nhà đầu tư quan tâm là Tổng Công ty vận tải thủy (Vivaso).

Việc đánh giá về trình tự, thủ tục của quá trình tiến hành cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam cũng như trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan đã được Thanh tra Chính phủ rà soát, kiểm tra và có Kết luận thanh tra số 447/KL-TTCP ngày 30.3.2018, Kết luận thanh tra số 1412/KL-TTCP ngày 23.8.2018 và Kết luận thanh tra số 1589/TB-TTCP ngày 19.9.2018. Nội dung Kết luận Thanh tra Chính phủ cũng ghi nhận: “Việc cổ phần hóa, sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ đã có sự chỉ đạo thống nhất của Ban cán sự và được thực hiện theo trình tự quy định của pháp luật, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành”.

Triển khai thực hiện kết luận thanh tra và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL đã chủ trì làm việc với Thanh tra Chính phủ, trao đổi nghiệp vụ với các Bộ, ngành liên quan, tham gia các cuộc họp của Văn phòng Chính phủ để báo cáo tình hình triển khai và tiếp nhận ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Nhiều cuộc làm việc với Công ty, nhà đầu tư chiến lược, người lao động được tổ chức; có rất nhiều công văn, biên bản làm việc giữa các bên... Vậy nhưng, sau 6 năm, quá trình triển khai thực hiện kết luận thanh tra vẫn gặp nhiều khó khăn, một số nội dung chưa được thực hiện dứt điểm.

Người trong cuộc và bất kỳ ai quan tâm tới sự phát triển của Điện ảnh cách mạng Việt Nam đều thấy rõ, lịch sử “vàng son” của Hãng phim chính là một phần nguyên nhân của những lùm xùm kéo dài 7 năm qua, với vô số khúc mắc, bất đồng giữa Ban lãnh đạo công ty và các nghệ sĩ điện ảnh. Vivaso mua lại 65% cổ phần của Hãng phim, trở thành nhà đầu tư chiến lược và quyết định toàn bộ việc vận hành. Thế nhưng, mâu thuẫn ngày càng gay gắt khiến những người đứng đầu Công ty “chán nản”, xin thoái vốn. Những cam kết cần thực hiện của nhà đầu tư chiến lược nhằm vực dậy Hãng phim, đặc biệt là mục tiêu đầu tư cơ sở vật chất để tiếp tục làm phim, cải thiện đời sống văn nghệ sĩ… đã không được hiện thực hóa.

 Ngày 28.3.2023, Văn phòng Chính phủ phát Thông báo số 101/ TB-VPCP, nêu rõ: Thực hiện Kết luận thanh tra số 447/KL-TTCP ngày 30.3.2018 và số 1412/KL-TTCP ngày 23.8.2018 của Thanh tra Chính phủ về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, Bộ VHTTDL và các cơ quan liên quan đã tổ chức thực hiện Kết luận thanh tra, tuy nhiên một số nội dung chưa được thực hiện dứt điểm.

Vì vậy, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm tra ngay việc thực hiện Kết luận thanh tra về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam và thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về các nội dung liên quan. Trên cơ sở đó, căn cứ quy định pháp luật về cổ phần hóa và các quy định pháp luật liên quan để kiến nghị biện pháp xử lý khả thi, đúng quy định của pháp luật, giải quyết dứt điểm việc này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25.4.2023.

Vướng mắc cần gỡ tận gốc

Một vướng mắc khác là việc xác định giá trị thương hiệu căn cứ vào yếu tố lịch sử và bề dày truyền thống của Công ty theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ VHTTDL đã chỉ đạo Công ty CP Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam (tên mới của Hãng Phim truyện Việt Nam sau cổ phần hóa) phối hợp với Công ty TNHH kiểm toán CPA Việt Nam là đơn vị thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp, nghiên cứu phương pháp tính toán giá trị thương hiệu của Hãng phim. Cuộc họp do Bộ VHTTDL tổ chức với Bộ Tài chính, Bộ KH&CN để thảo luận về phương pháp tính giá trị thương hiệu căn cứ vào yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống. Tuy nhiên đến nay việc tính toán giá trị thương hiệu dựa trên các căn cứ này vẫn chưa triển khai thực hiện được vì chưa có đầy đủ cơ sở tính toán.

Bộ VHTTDL cũng đã làm việc với nhà đầu tư chiến lược và các Bộ, ngành, Đài Tiếng nói Việt Nam để nhà đầu tư chuyển nhượng cổ phần đã mua cho Đài Tiếng nói Việt Nam theo đề xuất gửi Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, do không có đủ nguồn lực tài chính nên đề xuất này cũng không thực hiện được. Trong khi đó, Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình yêu cầu Bộ VHTTDL phải thu hồi lại số cổ phần đã bán; tuy nhiên, quy trình và hành lang pháp lý để triển khai thực hiện giữa thu hồi và rút vốn trước thời hạn khác nhau; việc thu hồi cổ phần cũng chỉ có thể thực hiện khi có sự đồng thuận của nhà đầu tư. Đến nay, dù Bộ VHTTDL đã có rất nhiều văn bản, nhiều lần làm việc với nhà đầu tư chiến lược đề nghị xác định số tiền phải hoàn trả để có văn bản gửi Bộ Tài chính theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực, song nhà đầu tư chưa có sự hợp tác trong việc triển khai thực hiện.

Mặt khác, ngành nghề đầu tư của Hãng phim truyện không thuộc đối tượng theo danh mục ngành nghề nhà nước phải đầu tư để mua vốn tại các công ty cổ phần. Trong khi đó, nhà đầu tư lại đề nghị được tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược mới theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và Điều lệ hoạt động của Tổng Công ty. Nhà đầu tư chiến lược cũng là một cổ đông của Công ty nên quy trình xin rút vốn trước thời hạn phải thực hiện theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và Điều lệ hoạt động Công ty. Đây cũng là một vướng mắc vượt khỏi thẩm quyền của Bộ VHTTDL.

Bảy năm cổ phần hóa, 6 năm kể từ khi có kết luận thanh tra nhưng quá trình triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc, mà theo Bộ VHTTDL, những khó khăn chủ yếu là: Quá trình làm việc với nhà đầu tư chiến lược; cơ sở pháp lý khi thực hiện thu hồi số cổ phần đã bán cho nhà đầu tư chiến lược; nguồn tiền để hoàn trả cổ phần; thời hạn chuyển nhượng cổ phần của cổ đông chiến lược; tình hình hoạt động nhiều khó khăn của Công ty...

Nhìn nhận một cách sòng phẳng, Vivaso cũng đã mất mát nhiều khi vừa tiếp nhận Hãng phim đã vấp phải sự “kháng cự” từ các nghệ sĩ, hoạt động thua lỗ kéo dài. Những vướng mắc khó “hạ hồi phân giải” cho thấy cần có sự chỉ đạo rốt ráo từ Thủ tướng Chính phủ với các Bộ, ngành, đặc biệt trong thống nhất tính pháp lý của việc thực hiện nội dung thu hồi số cổ phần đã bán, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư chiến lược. 

 Theo Bộ VHTTDL, nhà đầu tư chiến lược chiếm tỷ lệ 65% vốn điều lệ; nắm giữ vị trí lãnh đạo cao nhất tại Công ty cổ phần, trong suốt khoảng thời gian dài do vướng mắc trong việc thực hiện hoàn trả lại cổ phần đã mua cho Nhà nước, không rõ ràng trong việc rời đi hay ở lại để tiếp tục đồng hành với Công ty, mâu thuẫn giữa nhà đầu tư chiến lược với người lao động Công ty nên trong khoảng thời gian 5 năm vừa qua hầu như không triển khai hoạt động...

Hãng phim truyện Việt Nam là doanh nghiệp có tính chất đặc thù, người lao động đa số là các văn nghệ sĩ nhưng trong quá trình triển khai các nội dung kết luận thanh tra cũng như phương án sản xuất kinh doanh, giữa Công ty và người lao động không có tiếng nói chung, nên không thể tiến hành được các hoạt động theo kế hoạch đặt ra. Đồng thời, với thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ, Công ty cũng không thể thực hiện được các hoạt động đấu thầu để được Nhà nước đặt hàng sản xuất phim.

 PHƯƠNG ANH

Ý kiến bạn đọc