Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa

Thứ Bảy 01/04/2023 | 23:23 GMT+7

VHO -Tối 1.4, tại Quảng trường 2.4, TP Nha Trang, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa (1653 - 2023), kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng tỉnh Khánh Hòa (2.4.1975 – 2.4.2023). Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; các Uỷ viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh uỷ Khánh Hoà Nguyễn Hải Ninh; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong nước, tỉnh Khánh Hoà; các bậc lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và đông đảo các tầng lớp nhân dân tỉnh Khánh Hòa.

Phát biểu khai mạc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh: Khánh Hòa là tỉnh ven biển Nam Trung Bộ có vị trí chiến lược đặc  biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển đảo của Tổ quốc. Tỉnh có diện tích tự nhiên 5.199,6 km2, dân số hơn 1,2 triệu người với 36 dân tộc anh em cùng đoàn kết chung sống; có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có huyện Trường Sa; có mũi Đôi là điểm cực Đông trên đất liền của Tổ quốc; có Vịnh Nha Trang là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới. Biển và tiềm năng kinh tế biển là những nét nổi bật của Khánh Hòa.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự Lễ kỷ niệm

Cách đây 370 năm, vào năm Quý Tỵ 1653, Cai cơ Hùng Lộc hầu vâng mệnh Chúa Nguyễn Phúc Tần tiến hành công cuộc mở mang, khai khẩn vùng đất từ đèo Cả đến sông Phan Rang và lập nên dinh Thái Khang với 2 phủ trực thuộc là Thái Khang và Diên Ninh. Sau đó, vùng đất này được đổi tên thành dinh Bình Khang, dinh Bình Hòa, trấn Bình Hòa. Vào năm 1832, dưới thời vua Minh Mạng được đổi tên thành tỉnh Khánh Hòa và địa danh này tồn tại đến ngày nay.

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, Nhân dân Khánh Hòa đã nhất tề tham gia phong trào Cần Vương dưới sự lãnh đạo của Bình Tây Đại tướngTrịnh Phong, làm nên những chiến công oanh liệt

Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Phú Khánh (giai đoạn 1975 - 1989) và tỉnh Khánh Hòa sau này luôn phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, năng động, sáng tạo, chung sức đồng lòng, đạt được nhiều thành tích quan trọng. Giai đoạn 2016 - 2020, quy mô GRDP của tỉnh xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, là một trong 18 tỉnh có điều tiết ngân sách về Trung ương. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư, nâng cấp. Hệ thống đô thị ven biển được hình thành, tỷ lệ đô thị hóa ở mức cao. Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là trung tâm du lịch biển quốc gia, có thương hiệu quốc tế. Văn hóa, xã hội; giáo dục và đào tạo; công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân đạt được nhiều tiến bộ. Công tác dân tộc, tôn giáo và chính sách xã hội, chính sách đối với người có công được thực hiện tốt. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh giảm còn 3,2%. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng. Năm 2022, kinh tế của tỉnh đã phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19, GRDP tăng 20,7%, là mức tăng trưởng cao nhất cả nước.

Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh  phát biểu

Đặc biệt, năm 2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương, là một cực tăng trưởng, trung tâm kết nối vùng, cửa ngõ chính ra biển Đông của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.

Phát biểu  chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Khánh Hòa là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, giàu  truyền thống yêu nước và cách mạng. Trong tiến trình cha ông ta khai sơn, phá thạch, mở đất, mở nước, với việc đặt dinh Thái Khang và phân chia các đơn vị hành chính ở vùng đất này vào năm 1653 được coi là mốc thời gian mở đầu cho sự xây dựng phát triển của Khánh Hòa ngày nay.

Khánh Hòa - vùng đất của “xứ Trầm, biển Yến”, nơi các thế hệ cư dân bằng lao động cần cù, tài hoa, khéo léo, sáng tạo, đã tạo ra các công trình đền, chùa, tháp, miếu... với kiến trúc và nghệ thuật độc đáo như đàn đá Khánh Sơn, bia Võ Cạnh, thành cổ Diên Khánh, tháp Bà Ponagar... Người dân nơi đây hiền hòa, thân thiện, thuần hậu, phóng khoáng, trọng nghĩa, trọng tình, luôn thắm đượm tình yêu quê hương, đất nước và cũng đầy khí chất mạnh mẽ, kiên cường, sẵn sàng đấu tranh cho những giá trị cao đẹp. Khánh Hòa là quê hương của nhiều danh nhân, của “Khánh Hòa Tam Kiệt” với Trịnh Phong, Trần Đường, Nguyễn Khanh và là nơi nhà bác học nổi tiếng Alexander Yersin coi là quê hương thứ hai.

Lễ kỷ niệm 370 hình thành và phát triển tỉnh Khánh Hòa

Khánh Hòa là mảnh đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, nơi đây, ngay từ năm 1925, hai thầy giáo Hà Huy Tập, Ngô Đức Diễn đã đến dạy học và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (sau này đồng chí Hà Huy Tập là Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam). Ngày 24.2.1930, chưa đầy một tháng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa chính thức được thành lập. Từ đó, Nhân dân Khánh Hòa đã anh dũng chiến đấu, không ngừng nỗ lực vươn lên dưới sự lãnh đạo của Đảng, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Sau Ngày Giải phóng (2.4.1975), vượt qua khó khăn và hậu quả chiến tranh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Khánh Hòa đã phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, nhất trí, năng động, sáng tạo, vươn lên, chuyển mình mạnh mẽ. Năm 1995, Khánh Hòa là một trong 09 tỉnh đầu tiên của cả nước có thu ngân sách trên 500 tỉ và từ năm 2003 đến nay, là một trong 18 tỉnh, thành phố tự cân đối ngân sách, có điều tiết về Trung ương. Hơn 3 năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid -19 nhưng Khánh Hòa đã phục hồi mạnh mẽ, năm 2022, quy mô kinh tế đạt gần 96 nghìn tỉ đồng; GRDP tăng 20,7%, cao nhất cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 76,54 triệu đồng.

Chương trình nghệ thuật đặc sắc

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển nhanh với giao thông ngày càng thuận lợi; hệ thống đô thị thông minh, diện mạo nông thôn khang trang, sạch đẹp. Các khu du lịch ngày càng văn minh, hiện đại và sinh thái. Nha Trang, Khánh Hòa đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế. Văn hóa - xã hội có bước tiến nhanh, các giá trị di tích lịch sử, văn hóa được bảo tồn, phát huy; các chính sách dân tộc, tôn giáo được thực hiện tốt; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2022 chỉ còn 3,2%. Bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu đạt nhiều kết quả tích cực. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền biển, đảo được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ được quan tâm; phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. Công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể không ngừng được đổi mới, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân với Đảng, chính quyền.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Thế giới không ngừng thay đổi; đất nước ta đang chuyển mình mạnh mẽ. Giai đoạn phát triển mới mở ra tương lai xán lạn với vận hội lớn để Khánh Hòa bứt phá với tầm nhìn trở thành một thành phố giàu đẹp, văn minh, hiện đại, người dân có cuộc sống ấm hạnh phúc; một hình mẫu về kinh tế phát triển xanh, sinh thái và đa lĩnh vực như công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sáng tạo, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế biển, dịch vụ, logistics chất lượng cao gắn với phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và nhất là các loại hình du lịch đẳng cấp cao. Đó không chỉ là ý chí, là quyết tâm, đó còn là tầm nhìn được kết tinh từ truyền thống lịch sử 370 năm; từ nền tảng hạ tầng kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội vững chắc; từ lợi thế có bao la biển rộng; có vịnh Nha Trang, Vân Phong, Cam Ranh nổi tiếng; có những bãi biển cát trắng với nắng chan hòa và sóng gió đại dương; có rừng xanh với nhiều sắc hoa và hương Trầm; có nhiều sản vật, công trình tuyệt tác của thiên nhiên và bàn tay, khối óc con người; và, có bản sắc văn hóa, tâm hồn người dân Khánh Hòa gắn bó với núi rừng, đồng bằng, sông nước và biển đảo.

Sẵn có những tiềm năng, lợi thế đó nhưng để hiện thực hóa được khát vọng phát triển, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Khánh Hòa cần tiếp tục gìn giữ, vun đắp cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố sự thống nhất trong Đảng bộ và cả hệ thống chính trị, tạo được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân theo tinh thần “Tiền hô hậu ủng; nhất hô bá ứng; trên dưới đồng lòng; dọc ngang thông suốt” như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh.

Theo đó, tỉnh Khánh Hòa cần quán triệt, cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đưa Khánh Hoà trở thành “thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khoẻ chất lượng cao.

Bên cạnh đó Khánh Hòa cần hoàn thiện bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vì dân, gần dân, trọng dân gắn với tăng cường năng lực và phẩm chất của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp, tận tụy, trách nhiệm, vì Nhân dân phục vụ. Phát huy tinh thần dân chủ, kỷ cương; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, có cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh gắn với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin.

Cùng với đó Khánh Hòa phải cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển xanh, sinh thái và sáng tạo. Tập trung xây dựng, quản lý và tổ chức thực hiện các quy hoạch bảo đảm tiến độ, chất lượng với tầm nhìn chiến lược. Đa dạng hóa, huy động tối đa, hiệu quả các nguồn lực xã hội và quyết liệt hơn nữa trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hợp lý, hiệu quả, nhất là các dự án hạ tầng chiến lược, hạ tầng văn hóa, giáo dục, hạ tầng chuyển đổi số, hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo môi trường sống và môi trường làm việc thân thiện, hiệu quả, mở ra không gian để Khánh Hòa trở thành một động lực phát triển quan trọng của vùng, của đất nước, một điểm kết nối với khu vực và thế giới.

Đồng thời Khánh Hòa phải tận dụng các tiềm năng và lợi thế, đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với giữ gìn, phát triển và phát huy truyền thống cách mạng, lịch sử, văn hóa, con người tỉnh Khánh Hòa. Cách đây hơn 100 năm, nhà bác học, bác sĩ Alexandre Yersin đã viết thư cho người bạn về vùng đất này, rằng: “Hãy đến đây với tôi, bạn sẽ thấy nơi này thú vị thế nào!”. Câu nói ngắn gọn, chân thành ấy gợi mở cho chúng ta phát triển Khánh Hòa trở thành nơi của tinh hoa hội tụ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, phát triển kinh tế - xã hội Khánh Hòa phải lấy người dân làm trung tâm; người dân vừa là mục tiêu, động lực vừa là người được hưởng lợi từ thành quả phát triển. Không ngừng chăm lo phát triển y tế, giáo dục, đào tạo; thực hiện tốt chính sách người có công, gia đình chính sách, người yếu thế, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Thực hiện chính sách dân tộc bình đẳng, giúp đỡ, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số cùng phát triển, cùng tiến bộ, nhất là hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh.

Tiếp đó là chương trình nghệ thuật chào mừng 370 năm xây dựng và phát triển, 48 năm ngày giải phóng tỉnh Khánh Hòa, với chủ đề "Khánh Hòa - xứ trầm tỏa hương". Chương trình nghệ thuật gồm 3 chương: Linh thiêng và huyền thoại; bất khuất-kiên cường; khát vọng bừng sáng-vững bước tương lai. Chương trình với các làn điệu dân ca, các ca khúc nổi tiếng về tỉnh Khánh Hòa, về quê hương, đất nước; kết hợp diễn xướng ca, múa, nhạc, xiếc, kịch hình thể, sân khấu truyền thống, hoạt cảnh… tái hiện sinh động lịch sử xuyên suốt quá trình xây dựng, phát triển vùng đất và con người Khánh Hòa.

XUÂN HƯỚNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top