Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

10 điểm mới tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) : Tiến tới “bao phủ” BHXH toàn bộ lực lượng lao động

Thứ Tư 29/03/2023 | 09:44 GMT+7

VHO- So với Luật BHXH hiện hành, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có nhiều nội dung thay đổi như: Bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội, bổ sung đối tượng tham gia và hưởng chế độ BHXH; Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; Giảm điều kiện số năm đóng tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; Quy định về hưởng BHXH một lần…

 

 Nhiều điểm mới tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) nhằm mở rộng độ bao phủ và hạn chế NLĐ rút BHXH một lần Ảnh: THẾ PHƯƠNG

 Những chính sách này được thiết kế theo hướng đa dạng, linh hoạt, đa tầng, hiện đại, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, tiến tới bao phủ BHXH toàn bộ lực lượng lao động.

Mở rộng đối tượng, giảm điều kiện năm đóng BHXH

Bộ LĐ,TB&XH vừa chính thức công bố dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) gồm 9 chương (giữ nguyên số chương) và 133 điều (nhiều hơn 8 điều so với Luật hiện hành). Nội dung sửa đổi chính tập trung vào 5 nhóm chính sách lớn đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua, gồm: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH (lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); Bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH; Đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH cho biết, lần sửa đổi này hướng tới mục tiêu đảm bảo cải cách chính sách BHXH theo hướng đa dạng, linh hoạt, đa tầng hiện đại, hội nhập quốc tế, tiến tới bao phủ BHXH toàn bộ lực lượng lao động. Đồng thời khắc phục những bất cập trong Luật hiện hành, mở rộng gia tăng tính hấp dẫn thu hút người lao động (NLĐ) tham gia BHXH.

Với tinh thần đó, so với Luật BHXH hiện hành, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có tới 10 điểm mới. Ông Nguyễn Duy Cường - Phó vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ,TB&XH) thông tin, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội (bên cạnh tầng BHXH cơ bản là BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện). Cụ thể, công dân Việt Nam từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo. Đồng thời, dự thảo Luật giao Chính phủ quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.

Bên cạnh đó, bổ sung đối tượng chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương và NLĐ làm việc theo chế độ linh hoạt (làm việc không trọn thời gian) phải tham gia BHXH bắt buộc. Việc bổ sung các đối tượng trên sẽ đảm bảo phù hợp với những quy định mới của Bộ luật Lao động, đồng thời đảm bảo gia tăng quyền lợi khi các nhóm đối tượng tham gia và gia tăng diện bao phủ của BHXH. Cùng với đó, Dự thảo Luật cũng bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. “Theo Luật hiện hành, nhóm đối tượng này mới chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Nếu như Luật được thông qua sẽ có khoảng 100.000 người được hưởng lợi trực tiếp từ quy định này”, ông Nguyễn Duy Cường cho hay.

Đặc biệt, dự thảo Luật giảm điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu: Từ 20 năm xuống 15 năm. “Quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu hằng tháng. Trước đây, những trường hợp này không được hưởng lương hưu, nay sẽ được hưởng lương hưu hằng tháng, định kỳ mức lương hưu sẽ được Nhà nước điều chỉnh và đồng thời trong thời gian hưởng lương hưu sẽ được quỹ BHXH mua BHYT”, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH giải thích.

Còn nhiều băn khoăn

Dự thảo Luật quy định người lao động tham gia BHXH tự nguyện khi sinh con có cơ hội được hưởng trợ cấp thai sản, nguồn kinh phí chi trả sẽ do ngân sách nhà nước đảm bảo và người tham gia BHXH tự nguyện không phải đóng thêm so với quy định hiện hành. Đây được cho là giải pháp để đa dạng, linh hoạt các chế độ bảo hiểm xã hội, tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện, nhằm thu hút người dân (đặc biệt là nhóm lao động trẻ tuổi) tham gia BHXH tự nguyện.

Bởi kinh phí do Nhà nước “đài thọ” nên nguồn hỗ trợ thai sản mà lao động tham gia BHXH tự nguyện được nhận cũng tương đối eo hẹp, trọn gói là 2 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Duy Cường, đa phần người tham gia BHXH tự nguyện là những người lao động tự do, công việc bấp bênh, thu nhập thấp, vì vậy nếu giờ tăng chế độ thụ hưởng đồng nghĩa với việc phải tăng mức đóng. Hiện nay, đối tượng này chỉ đóng vào 2 quỹ là tử tuất và hưu trí, vì thế mức đóng thấp. Tới đây, nếu mở rộng thêm chính sách thai sản thì nguồn kinh phí chi trả sẽ do ngân sách nhà nước đảm bảo và người tham gia BHXH tự nguyện không phải đóng thêm vào quỹ này.

Đối với quy định về BHXH một lần, dự thảo xin ý kiến với 2 phương án: Phương án 1 (giữ nguyên quy định hiện hành của Luật và Nghị quyết 93/2015/QH13): “Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm”. Phương án 2 (quy định thay đổi theo hướng vẫn cho phép người lao động hưởng BHXH một lần để trước mắt đáp ứng nhu cầu của bản thân, gia đình song vẫn bảo lưu phần còn lại để có thể tiếp tục tham gia và hưởng chế độ khi đủ tuổi nghỉ hưu): Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Nói về phương án 2, nhiều ý kiến băn khoăn về việc chỉ được nhận 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Ông Cường cho rằng, thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu, ghi nhận trên sổ BHXH để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH. Thực tế hiện nay, có nhiều người lĩnh BHXH để giải quyết nhu cầu trước mắt, nhưng sau một thời gian muốn trả lại để được tham gia hệ thống BHXH nhưng không được. Do đó, 50% giữ lại này để tạo cơ hội cho những người muốn trở lại đóng BHXH tiếp theo. “Dù phương án nào thì mục tiêu cuối cùng cũng là khuyến khích người lao động ở lại hệ thống để được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, tránh những thiệt hại, bất lợi khi họ hưởng BHXH một lần”, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH nhấn mạnh. 

 NGUYÊN KHANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top