Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Ronald Haeberle trở lại

Thứ Hai 20/03/2023 | 11:06 GMT+7

VHO- Trước ngày tổ chức tưởng niệm 55 năm ngày xảy ra vụ thảm sát Mỹ Lai (thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) khiến 504 thường dân vô tội bị sát hại (16.3.1968 - 16.3.2023), tác giả chùm ảnh, ông Ronald Haeberle (83 tuổi) đã đến Quảng Ngãi rồi lại vội vã trở về tiểu bang Ohio, Mỹ.

 Ký giả Ronald tại ngôi nhà của ông ở bang Ohio, Mỹ và tặng chiếc máy ảnh Nikon F đã chụp vụ thảm sát Mỹ Lai cho ông Trần Văn Đức

Đã 55 năm trôi qua kể từ ngày xảy ra vụ thảm sát Mỹ Lai, cuộc sống của ký giả Ronald Haeberle vẫn diễn ra trong ngôi nhà cạnh hồ Michigan và ông luôn lưu giữ những hoài niệm về Việt Nam. Trên tường nhà treo Huy hiệu chiến sĩ Điện Biên Phủ 1954, người phụ nữ Việt Nam màu gụ, cảnh chài lưới trên vịnh Hạ Long, hình con trâu được khắc trên gỗ... Nhưng có một hoài niệm sâu sắc nhất thì được “treo” trong trái tim và ký ức của ông, đó là vụ thảm sát Mỹ Lai ngày 16.3.1968 và lúc đó ông trong vai trò là phóng viên quân đội Mỹ.

Trao gửi lại

Cha mẹ, người con gái của ông đều sống ở quanh hồ Michigan. Đây là hồ nước ngọt nằm sâu trong lục địa của nước Mỹ, dài 494 km, rộng 190 km, tiếp giáp với tiểu bang Michigan, Illinnois, Wisconsin. Trong số các địa danh này, Wisconsin là quê hương của đại úy Ernest Medina, sinh năm 1936, phụ trách Tiểu đoàn bộ binh số 20, Lữ đoàn 11 đóng quân tại Quảng Ngãi năm 1967. Viên đại úy này đã bị cấp dưới khai trước tòa án binh là đã ra lệnh tiến vào Mỹ Lai, hãy giết sạch những gì còn sống! Người trực tiếp thi hành lệnh này là trung úy William Carley, người sống ở quận Miami, tiểu bang Florida.

Tháng 3.2023, Ronald Haeberle lại tiếp tục trở lại Việt Nam. Trên khuôn mặt của Ronald Haeberle có vẻ nặng nỗi ưu tư. Từ năm 1978, chứng tích Sơn Mỹ đã treo những bức ảnh của ông chụp hiện trường vụ thảm sát Sơn Mỹ ngày 16.3.1968. Gần đây, những bức ảnh này đã bị tháo xuống theo đề nghị của ông, xuất phát từ câu chuyện minh họa nhân vật trong bức ảnh “Anh che đạn cho em” và được giải thích, đây là anh em Trương Bốn che đạn cho Trương Năm. Tuy nhiên hơn 10 năm qua, ông Trần Văn Đức (62 tuổi) và bà Trần Thị Hà (56 tuổi) là nạn nhân có cha mẹ bị giết trong vụ thảm sát đã theo đuổi và đưa ra nhiều lời kể để chứng minh, nhân vật trong tấm ảnh này chính là mình.

Trong chuyến trở lại Việt Nam, Ronald đã tổ chức hoạt động từ thiện, tặng 100 suất quà cho các em học sinh tại Trường THCS Võ Bẩm (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) vào sáng ngày 7.3. Ngày 8.3, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có cuộc gặp với ông và đi đến thỏa thuận để những tấm ảnh vụ thảm sát Sơn Mỹ được treo trở lại vô thời hạn. Ảnh sẽ được minh họa, kèm tên tác giả “1968 Ronald L. Haeberle”, Photograph by Ronald L. Haeberle”. Ngày tổ chức họp báo sự kiện này, trên facebook cá nhân của ông hiển thị thanh trạng thái tài chính 4.737.989₫. Từ 5 tháng trước khi trở lại Việt Nam, ông đã lập dự án Renew, kêu gọi ủng hộ trên facebook cho các nạn nhân bom, mìn Việt Nam.

Vi xi...? No Vi xi!

Bác sĩ Huỳnh Thanh Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm y tế huyện Đức Phổ là người có nhiều ký ức về núi Dàng. Ngày 18.11.1966, khu vực núi Dàng (hiện nay là thị xã Đức Phổ) xuất hiện đầy trực thăng CH- 47 Chinook chở lính và pháo M 198 đổ quân tại nơi này. Máy bay, xe tăng, lính Mỹ ùn ùn từ ngoài bãi biển Phổ Vinh và trên trời đáp xuống để thành lập ngay tại huyện lỵ Đức Phổ một căn cứ quân sự, bao gồm sân bay Gò Hội. Từ một cậu học sinh, cậu Phương nhanh chóng gia nhập vào lực lượng du kích.

Bà Nguyễn Thị Một ở cạnh núi Dàng, nơi Ronald từng đóng quân B

Các đơn vị địa phương phát động phong trào diệt máy bay Mỹ, ông Phương bắn rơi chiếc máy bay Mỹ đầu tiên bằng khẩu CKC thì cũng là thời điểm chàng thanh niên 27 tuổi là Ronald có mặt trong đoàn quân Mỹ với vai trò là phóng viên quân đội. Bà Nguyễn Thị Một sống cạnh chân núi Dàng nhớ lại, “thời đó cũng liên tục nhìn thấy một người lính Mỹ cầm máy ảnh, đi chụp người dân trong ấp chiến lược”. Nhắc tới địa danh núi Dàng, Ronald liền gởi cho tôi vài bức ảnh cuộc sống của người dân trong khu đồn Đức Phổ. Đó là những đứa trẻ có ánh mắt khao khát, có đứa nở nụ cười vì được nhận kẹo. Rất nhiều bức ảnh về khuôn mặt trẻ em, những người đàn bà hiện ra sau hàng rào kẽm gai. Nhìn những bức ảnh có thể nhận ra, người lính cầm máy ảnh, cầm bút Ronald đã cảm nhận được nỗi thống khổ của người dân Việt Nam trong chiến tranh.

- Vi xi... Vi xi? (có Việt Cộng hay không). - No Vi xi! Đó là những câu trao đổi thường xuyên giữa lính Mỹ và người dân địa phương. Nơi nào cũng có cảnh, một bên hỏi, còn bên kia lắc đầu trả lời không biết. Nhưng thực ra là du kích đều đang sống dựa vào người dân và nhờ họ tiếp tế lương thực hằng ngày. Bác sĩ Huỳnh Thanh Phương mô tả câu chuyện khó tin, đó là lính Mỹ đóng trên đỉnh núi Dàng, du kích ẩn nấp trong các hang đá ngay giữa chân núi chứ không đi đâu xa cả. Núi Cửa nằm sát biển, cách núi Dàng khoảng 4 km, du kích bám trụ ở giữa lưng núi và còn có cả một trạm cứu thương, trong khi trên đỉnh núi lại là nơi đồn trú của lính Mỹ.

Ronald thường trả lời báo chí và kể về hồi ức Mỹ Lai, ngày mà ông chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng khi lính Mỹ từ huyện Đức Phổ kéo ra và tàn sát 504 thường dân vô tội. Nhưng nơi ông đóng quân ở Đức Phổ cũng là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với ông và lính Mỹ đồn trú. Nơi này, du kích có 101 kiểu gài bom, mìn trên đường đi của lính Mỹ. Hầm chông được đào khắp nơi, lót sạp tre dày bên trên để nông dân khỏi bị sập hầm. Khi thấy lính Mỹ xuất hiện thì tấm sạp tre được rút ra, chỉ còn lại bên dưới là một lớp sạp mỏng được ngụy trang bên trên như đất bằng. Chỉ cách núi Dàng chỉ chừng 2 km, du kích vẫn làm chủ. Khi đội quân hùng hậu xuất hiện thì du kích biến mất rất nhanh dưới các hầm bí mật, để lại một bãi mìn.

Trong những năm qua, báo chí dành khá nhiều giấy bút để nói về nhân vật trong bức ảnh “Anh che đạn cho em”, rằng nhân vật này là anh em ông Trần Văn Đức, hiện nay vẫn còn sống. Nhưng với những gì mà Ronald đang làm, tổ chức quyên góp quỹ hỗ trợ nạn nhân bom mìn Việt Nam, công bố trao vô thời hạn việc trưng bày ảnh vụ thảm sát cho Chứng tích Sơn Mỹ đã cho thấy, Ronald đang hướng đến một vòng cung lớn hơn, đó là để lại giá trị bản thân và gửi đi thông điệp tới nhân loại, rằng chiến tranh chỉ mang lại đau thương, mất mát cho con người. Những sai lầm lịch sử này đừng bao giờ lặp lại một lần nữa. 

 Ronald lớn lên ở gần bảo tàng lịch sử cuộc nội chiến Nam Bắc Hoa Kỳ 1861-1865 nằm cạnh hồ Michigan. Năm 2011, bên hồ Michigan ông đã lặng nghe ông Trần Văn Đức kể lại vụ thảm sát và chứng minh mình là cậu bé trong tấm ảnh “Anh che đạn cho em”. Ông Đức còn mang theo băng quay phim nhân chứng sống sót để chứng minh, trong đó có bà Trương Thị Lê. Ronald đã gật đầu và tặng chiếc máy ảnh Nikon F đã chụp vụ thảm sát cho ông Đức, sau đó đưa ông Đức về giới thiệu với cha, mẹ của mình sống cạnh hồ Michigan.

LÊ VĂN CHƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top