Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Việt Nam quyết tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp để gỡ “thẻ vàng”

Thứ Tư 15/03/2023 | 13:28 GMT+7

VHO - Tình hình chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tại Việt Nam sau 5 năm bị cảnh báo “thẻ vàng” đã có những chuyển biến tích cực. Uỷ ban châu Âu (EC) ghi nhận và đánh giá cao quyết tâm chính trị của Việt Nam, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Để gỡ “thẻ vàng” EC, Việt Nam đang tích cực thực hiện cao điểm 180 ngày chống khai thác IUU.

Quyết tâm chống khai thác IUU

Ngày 23.10.2017, Việt Nam đã bị EC gắn “thẻ vàng” cảnh báo đối với hoạt động khai thác hải sản nhằm chống việc khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Trải qua 3 lần thanh tra, phía EC ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua cũng như tinh thần sẵn sàng tiếp tục cải thiện và sự cởi mở của Việt Nam đối với các khuyến nghị của EC.

Ông Vũ Duyên Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, từ khi bị cảnh báo "thẻ vàng", ngành thủy sản Việt Nam đã bị ảnh hưởng rất lớn. Cụ thể, 100% lô hàng xuất khẩu đều phải qua kiểm tra, thời gian kiểm soát hồ sơ và lưu kho kéo dài, chi phí nhiều, dẫn đến giá thành sản phẩm cao. Kim ngạch xuất khẩu của thủy sản Việt Nam sang các nước Liên minh châu Âu (EU) đã giảm mạnh khoảng 35-40% so với năm 2017. Bên cạnh đó, hình ảnh, uy tín vị thế, quan hệ ngoại giao của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.

Ông Vũ Duyên Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho biết Việt Nam đang nỗ lực gỡ "thẻ vàng"

Để tháo gỡ “thẻ vàng”, EC đưa ra 4 nhóm khuyến nghị đối với Việt Nam, gồm các nhóm giải pháp về hoàn thiện thể chế, kiểm soát đội tàu khai thác, tăng cường thực thi pháp luật và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Ngay sau khi hoạt động khai thác hải sản của Việt Nam bị EC gắn “thẻ vàng”, các Ban, Bộ, Ngành Trung ương có liên quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển của Việt Nam đã tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU, thực hiện các khuyến nghị của EC, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia về IUU.

Về hoàn thiện thể chế, ngay trong năm 2017, Luật Thuỷ sản (sửa đổi) đã được Quốc hội khoá 14 thông qua tại kỳ họp thứ tư vào ngày 21.11.2017, đã luật hóa các nội dung liên quan đến IUU, trong đó có khuyến nghị của EC. Các khuyến nghị của EC được thể hiện trong một số điều, chương của Luật về các nội dung : Quy định số lượng và phân bổ hạn ngạch giấy phép khai thác của tàu theo nghề trên các vùng biển và phân cấp cho địa phương để cấp phép cho từng tàu cá; quy định nội dung quản lý đầu ra theo hạn ngạch các loài di cư và các loài có tính kết đàn. Về quy định các hành vi khai thác IUU và chế tài nghiêm khắc với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm, mức xử phạt cao nhất đối với cá nhân lên đến 1 tỉ đồng.

Việt Nam cũng đã tích cực kiểm soát các đội tàu khai thác. Đã ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu tàu cá lên Hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) để quản lý đội tàu. Triển khai đồng bộ hệ thống giám sát tàu cá. Công tác theo dõi, kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại cảng cá đã từng bước thực hiện tốt.

Công tác chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác đã tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của Luật Thủy sản, Hiệp định về các biện pháp quốc gia có cảng (Hiệp định PSMA) cơ bản đáp ứng yêu cầu. Việc thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước được kiểm soát theo chuỗi qua cơ chế xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác hải sản đảm bảo thống nhất với hồ sơ kiểm soát tàu ra vào cảng…

Cảnh sát biển 4 phát tờ rơi tuyên truyền chống khai thác IUU cho ngư dân Kiên Hải, Kiên Giang. Ảnh: Cảnh sát biển 4 cung cấp

Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển đã tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng khai thác bất hợp pháp;  xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đến nay đã cơ bản ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương.

Và kế hoạch hành động 180 nhằm gỡ “thẻ vàng” của EC

Sau 5 năm cảnh báo “thẻ vàng” đối với khai thác hải sản của Việt Nam với 3 lần thanh tra, tháng 10.2022, trong lần thanh tra thứ 3, Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) đã ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam cũng như tinh thần sẵn sàng tiếp tục cải thiện và sự cởi mở của Việt Nam đối với các khuyến nghị của EC. EC đánh giá, khung pháp lý của Việt Nam hiện toàn diện, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, tuy nhiên, việc thực thi còn nhiều hạn chế và không đồng đều. Qua thực tế kiểm tra tại tỉnh Khánh Hòa, EC đánh giá cao sự phối hợp tốt giữa các cơ quan chức năng tham gia chống khai thác IUU. Giám sát đội tàu đã được cải thiện, tuy nhiên, số lượng các trường hợp mất kết nối vẫn còn cao và cần có sự quan tâm đặc biệt từ các cơ quan chức năng của Việt Nam. Sự khác biệt giữa các tỉnh khiến hệ thống kiểm soát vẫn chưa đủ để ngăn chặn hiệu quả thủy sản có nguồn gốc từ khai thác IUU. EC chỉ ra vấn đề liên quan đến việc truy xuất nguồn gốc và kiểm soát thủy sản nhập khẩu dưới dạng container. Cùng với đó, vấn đề đáng lo ngại nhất còn tồn tại là số lượng tàu cá Việt Nam bị bắt giữ ở vùng biển các nước láng giềng.

Trên cơ sở quá trình thực hiện và kết quả thanh tra của Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 3 tại Việt Nam, Việt Nam quyết liệt triển khai kế hoạch hành động 180 ngày chống khai thác IUU nhằm gỡ “thẻ vàng” của EC.

Kiểm soát đoạt tàu khai thác là một trong những khuyến nghị của EC

Theo đó, Việt Nam tiếp tục thực hiện các khuyến nghị của EC, cụ thể:  rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo khuyến nghị của EC và đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn theo trình tự, thủ tục rút gọn. Quản lý đội tàu và theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá: Hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) theo quy định. Cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase).

Kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại đồn/trạm biên phòng tuyến biển; kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào tại cảng cá theo đúng quy định đảm bảo thiết bị VMS hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng; theo dõi, giám sát 24/7 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá.

Xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác: Đảm bảo 100% hồ sơ các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU) và các thị trường khác có yêu cầu truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác.

Việt Nam cam kết đến tháng 5.2023 sẽ chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đàm phán, ký kết và tổ chức thực hiện đường dây nóng giữa Việt Nam và Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc để trao đổi thông tin, xử lý các vụ việc về tàu cá, ngư dân hai nước.

Việc gỡ “thẻ vàng” của EC không chỉ khẳng định vị thế, trách nhiệm của Việt Nam trên trường quốc tế, cam kết trách nhiệm của Việt Nam trong các vấn đề hợp tác quốc tế mà còn nhằm lấy lại lợi thế cho hải sản Việt Nam.

HOÀNG HƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top