Sẵn sàng cho Lễ đón nhận Bằng ghi danh ma nhai là Di sản tư liệu thế giới

VHO- Sáng 24.2, UBND TP Đà Nẵng tổ chức họp báo cung cấp thông tin về Lễ hội Quán Thế Âm và Lễ đón nhận Bằng ghi danh ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trước đó, ngày 26.11.2022, tại hội nghị toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn đã được ghi danh là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là 1 trong 9 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO ghi danh. 

Sẵn sàng cho Lễ đón nhận Bằng ghi danh ma nhai là Di sản tư liệu thế giới - Anh 1

Họp báo Lễ đón nhận Bằng ghi danh ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cung cấp thông tin về Lễ hội Quán Thế Âm 

Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn là một hệ thống gồm 78 văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm (Hán Nôm) được khắc trên vách đá và hang động của Danh thắng Ngũ Hành Sơn, với nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, cùng nhiều thể loại văn học của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, trí thức, có niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ XX. Tại động Hoa Nghiêm có 20 ma nhai, động Huyền Không có 30 ma nhai (trong đó có ngự bút của vua Minh Mạng), động Tăng Chơn có 20 ma nhai, động Vân Thông có 2 ma nhai, động Linh Nham có 3 ma nhai. Tại hang Văn Cân Nguyệt Quật, động Thiên Phước Địa, hang Vân Nguyệt Cốc có 3 bia ma nhai ngự bút của vua Minh Mạng năm 1837, khắc ghi tên hang, động.

UBND quận Ngũ Hành Sơn cũng cho biết, Lễ đón nhận Bằng ghi danh ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ diễn ra vào lúc 8h ngày 1.3 tại Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn). 

Sẵn sàng cho Lễ đón nhận Bằng ghi danh ma nhai là Di sản tư liệu thế giới - Anh 2

Hệ thống ma nhai có trong các hang, động đã thu hút rất nhiều du khách đến chiêm ngưỡng, tìm hiểu

Về phương án bảo tồn hệ thống ma nhai, ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở VHTT TP Đà Nẵng cho biết đơn vị đang tham mưu UBND thành phố lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn; xây dựng các quy định, quy chế về quản lý, bảo vệ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với danh thắng Ngũ Hành Sơn, trong đó có hệ thống ma nhai. Tổ chức kiểm tra, giám sát, bảo vệ nghiêm ngặt hiện trạng các ma nhai; kiểm kê, đánh số, phân loại các ma nhai theo đúng nguyên tắc bảo tàng học và dịch thuật, công bố trên các tạp chí và giới thiệu trên truyền hình; vệ sinh, xử lý toàn bộ ma nhai bị rêu bám, che phủ bởi sơn và xi măng; gia cố, gắn các bia ma nhai bị nứt vỡ và nghiên cứu, xác định tiêu chuẩn kỹ thuật bảo quản bia ma nhai; tạo các sản phẩm du lịch từ ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn; tổ chức tập hợp, sưu tầm tất cả tư liệu từ xưa đến nay có đề cập đến di sản tư liệu này. 

Sẵn sàng cho Lễ đón nhận Bằng ghi danh ma nhai là Di sản tư liệu thế giới - Anh 3

Ma nhai được khắc trên vách đá và hang động của Danh thắng Ngũ Hành Sơn

Cũng trong buổi họp báo, Ban tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn đã công bố lịch chính thức diễn ra Lễ hội. Theo đó, Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 10.3.2023. Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, tín ngưỡng, tôn giáo phong phú, đa dạng. Như biểu diễn nghệ thuật Nhật Bản, hô hát Bài Chòi, triển lãm ảnh về danh thắng Ngũ Hành Sơn và ma nhai Ngũ Hành Sơn, trình diễn nghệ thuật nấu ăn món chay, hội đua thuyền truyền thống, hội cờ làng, kéo co; hội thi điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước và 5 gian hàng trưng bày, biểu diễn chế tác đá mỹ nghệ Non Nước; biểu diễn thả diều nghệ thuật, trình diễn khinh khí cầu; diễu hành xe hoa chào mừng lễ hội; khai trương thư viện Vạn Hạnh (thư viện với hơn 30.000 ấn phẩm liên quan đến phật giáo, văn hóa).

Lễ hội Quan Thế Âm Ngũ Hành Sơn là sự kiện thường niên, thể hiện sự nỗ lực của người dân địa phương trong việc phục dựng, bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời là dịp để đồng bào phật tử nói riêng và nhân dân nói chung cầu cho Quốc thái dân an, chúng sinh an lạc, khơi dậy lòng từ bi, bác ái, hướng thiện trong mỗi con người, sự hòa hợp giữa Phật pháp với dân tộc, tình yêu quê hương đất nước.

NGỌC HÀ

Ý kiến bạn đọc