Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Thanh âm truyền thống đi vào đời sống học đường

Thứ Tư 22/02/2023 | 10:33 GMT+7

VHO- Thời gian qua, các đoàn Cải lương, CLB sân khấu, nhóm đờn ca tài tử… đã tổ chức nhiều chương trình biểu diễn tại các trường học, góp phần đưa loại hình nghệ thuật sân khấu này đến gần hơn với công chúng trẻ. Không chỉ thế, nhiều trường còn thành lập sân khấu học đường, đưa âm nhạc truyền thống vào dạy chính khóa…

 Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP.HCM) hào hứng khi được khoác trang phục biểu diễn Cải lương tuồng cổ

 Tuy chưa thể diễn ra ở tất cả các trường học nhưng với sự nỗ lực và nhiệt huyết từ nghệ sĩ, nhà trường, nhiều chuyên gia bày tỏ lạc quan cho biết những tín hiệu tích cực này như cơn mưa mát dịu, lâu dần sẽ thấm vào tâm hồn thế hệ trẻ tình yêu nghệ thuật dân tộc.

Cải lương tuồng cổ lần đầu đến trường học

Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long sau thời gian tái lập đã nhanh chóng có kế hoạch biểu diễn tại các trường học. Theo nghệ sĩ Thái Vinh, Giám đốc Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến kế hoạch biểu diễn phải bị “delay” mấy năm. Bắt đầu từ trung tuần tháng 2 năm 2023, Đoàn mới chính thức triển khai thực hiện, đợt đầu tiên biểu diễn ở 5 trường để “thăm dò” thị hiếu các bạn trẻ. Sau đó, Đoàn dự định sẽ lên kế hoạch dài hơi hơn, không chỉ tại các trường ở TP.HCM mà có thể lưu diễn cho học sinh các tỉnh, thành trên cả nước.

Tại mỗi suất diễn, các nghệ sĩ sẽ biểu diễn 2-3 trích đoạn tuồng cổ, là các vở kinh điển đã tạo nhiều dấu ấn trong lòng công chúng. Được biết, đây là một trong những hoạt động nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Điểm nổi bật của hoạt động sân khấu hóa lần này là các em không chỉ ngồi xem mà còn trực tiếp hóa thân, thể hiện cử chỉ, điệu bộ của các nhân vật trong vở tuồng; được giao lưu, tương tác với nghệ sĩ, điều này đã tạo sự sinh động, hứng thú cho các bạn trẻ. Nhiều học sinh bày tỏ, khi khoác lên mình trang phục biểu diễn, các em mới hiểu được sự vất vả của người nghệ sĩ vì trang phục rất phức tạp với nhiều lớp, vừa nặng vừa bất tiện khi di chuyển, thế nhưng các nghệ sĩ vừa hát lại vừa diễn vũ đạo uyển chuyển, thuần thục, cho thấy quá trình tập luyện phải rất gian khổ mới có thể mang đến cho người xem một tiết mục chỉn chu.

Theo lãnh đạo các trường, việc đem các trích đoạn Cải lương tuồng cổ đến với học sinh không chỉ giúp các em hiểu rõ hơn bộ môn nghệ thuật này mà qua đó còn tái hiện những trang sử hào hùng của dân tộc, giáo dục học sinh lòng yêu nước, tinh thần xả thân vì Tổ quốc ngay khi ngồi trên ghế nhà trường. Đây là một trong những hình thức đổi mới phương pháp giảng dạy, giúp bộ môn Lịch sử trở nên gần gũi, dễ nhớ hơn với học sinh. Bên cạnh đó, đây còn là hoạt động giúp các em trải nghiệm, hướng nghiệp trong tương lai.

Giám đốc Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long chia sẻ thêm, các suất diễn vừa qua được nhà trường và dư luận ủng hộ, Đoàn cũng đã nhận được lời mời biểu diễn của nhiều trường học và hiện Đoàn đang lên kế hoạch để có thể biểu diễn nhiều hơn. Nghệ sĩ Thái Vinh bày tỏ, các suất diễn thời gian qua do Đoàn tự túc kinh phí, các nghệ sĩ cũng rất mong muốn có sự hỗ trợ, đồng hành từ các đơn vị để chương trình biểu diễn được dài hơn và lan tỏa rộng rãi hơn.

Xây dựng thế hệ khán giả cho tương lai

Cùng với ý nghĩa trên, CLB Sân khấu Lạc Long Quân (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) đưa chương trình Giới thiệu ca khúc sử Việt và các trích đoạn sân khấu sử Việt biểu diễn giao lưu tại Trường THPT Phan Bội Châu (TP Pleiku, Gia Lai). CLB Sân khấu Lạc Long Quân tập hợp học viên đang theo học các trường nghệ thuật, các chương trình đào tạo diễn xuất tại TP.HCM, lực lượng diễn viên nòng cốt và có sự tăng cường của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: NSƯT Kim Tiểu Long, nghệ sĩ Võ Minh Lâm, Phạm Huyền Trâm, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng… Với những tiết mục Tự Đức dâng roi, Lời sấm truyền dòng máu Lạc Hồng, Thái hậu Dương Vân Nga, Hào khí đất Việt…, CLB tích cực tham gia biểu diễn các chương trình sân khấu học đường trên địa bàn TP.HCM, cũng như lưu diễn tại nhiều tỉnh, thành.

Năm 2015, Trường ĐH FPT (FPT Edu) chính thức đưa bộ môn âm nhạc truyền thống vào chương trình học chính khóa với mong muốn mang những thanh âm truyền thống của Việt Nam vào đời sống học đường. Các sinh viên ngay từ năm nhất đã được làm quen với các loại nhạc cụ sáo trúc, đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn tranh, đàn bầu, trống và lựa chọn một loại nhạc cụ mà mình yêu thích để gắn bó, từ đó góp phần gìn giữ, bảo tồn và lan toả những giá trị tinh thần của ông cha đến cộng đồng. Thời gian qua, những tiếng đàn dân tộc đã đi vào đời sống của sinh viên ĐH FPT một cách tự nhiên; các CLB nhạc cụ truyền thống lần lượt ra đời; những đêm nhạc dân tộc trở thành không gian nghệ thuật để các sinh viên đắm mình vào làn điệu quê hương; trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống học đường của sinh viên.

Được biết mới đây, dự án cộng đồng Mang nhạc cụ dân tộc và nghệ thuật Cải lương đến các trường học do các nghệ sĩ và cộng tác viên Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang phối hợp cùng giảng viên và sinh viên Khoa Âm nhạc dân tộc Trường ĐH FPT đã tạo những hiệu ứng tích cực, lan tỏa tình yêu và niềm tự hào về văn hóa nghệ thuật dân tộc đến với các học sinh. Với nhiều hình thức triển khai như tổ chức giảng dạy nhạc cụ dân tộc; tổ chức hội thảo; biểu diễn và giao lưu nhạc cụ dân tộc…, dự án đã tạo điều kiện cho học sinh tiếp xúc, tìm hiểu thêm về bộ môn đặc sắc này, từ đó khơi dậy trong các em những rung động về nét tinh hoa đặc sắc của âm nhạc dân tộc Việt.

Cuối năm 2022, NSND Hồng Vân kết hợp Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (UEH) thành lập Sân khấu học đường UEH Theatre. Đây là nơi biểu diễn kịch cho học sinh, sinh viên, đồng thời đào tạo những thế hệ diễn viên trẻ, lan tỏa tình yêu nghệ thuật. Theo TS Bùi Quang Hùng, Phó Hiệu trưởng UEH, hiện nhà trường đang phát triển chiến lược mới, không chỉ đào tạo sinh viên giỏi về kinh tế, quản trị, luật, công nghệ, mà còn hướng tới đào tạo đa ngành, thêm những ngành sáng tạo như thiết kế, truyền thông, nghệ thuật… “Một người làm chuyên môn mà có thêm những giá trị nghệ thuật thì sẽ sống, làm việc nhân văn hơn. Với chủ trương đó, nhà trường mong muốn xây dựng một sân khấu học đường nhằm lan tỏa những giá trị nghệ thuật cho lớp trẻ, xây dựng thế hệ khán giả cho tương lai”, TS Hùng chia sẻ. Sân khấu học đường UEH Theatre sẽ có hai hướng hoạt động: Một là biểu diễn các vở kịch từng nổi tiếng của Sân khấu Phú Nhuận, ưu tiên cho kịch văn học và kịch lịch sử,… với đối tượng khán giả là sinh viên và học sinh; hướng thứ hai là mở các khóa đào tạo diễn viên trẻ, với các bài học như kỹ thuật biểu diễn, tiếng nói sân khấu… 

THÙY TRANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top