Xét tuyển ĐH bằng học bạ có nảy sinh chạy điểm?

VHO- Trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV, Ban Dân nguyện của Quốc hội đã gửi đến Bộ GD&ĐT kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa một số nội dung liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trong đó có đề nghị bỏ xét học bạ vào đại học vì lo nảy sinh việc chạy điểm, làm đẹp học bạ.

Xét tuyển ĐH bằng học bạ có nảy sinh chạy điểm? - Anh 1

 Trong khoảng 3 năm gần đây, xét học bạ trở thành phương thức xét tuyển đại học phổ biến (ảnh minh họa)

Trước đó, vào tháng 10.2022, tại Hội nghị tiếp xúc đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM với cử tri thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM cho rằng, kỳ xét tuyển đại học, cao đẳng vừa qua ghi nhận quá nhiều học sinh có học bạ giỏi và xuất sắc. Kết quả này đã đặt dấu hỏi khi trong năm học 2021-2022 vừa qua, gần như học kỳ I học sinh không được đến trường vì dịch. Vậy mà học bạ của các em ở những tổ hợp xét tuyển vẫn rất “đẹp”. Ông Hồng cho rằng, không thể có chuyện chất lượng phổ thông tăng nhanh như thế và đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM yêu cầu Bộ GD&ĐT xem xét lại thực trạng này.

Xét tuyển học bạ là một trong những phương thức xét tuyển được nhiều trường đại học lựa chọn, tuy nhiên tỷ lệ xét tuyển theo phương thức này đang giảm dần ở những trường top trên. Hầu hết các trường top trên hiện dành tỷ lệ tới 70% cho các phương án xét tuyển riêng theo đề án tuyển sinh của trường, trong đó có xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực - tư duy, xét tuyển dựa trên các chứng chỉ quốc tế…

Nhận định về phương thức xét tuyển học bạ, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học FPT cho rằng, xét tuyển học bạ là không công bằng với các thí sinh. “Việc xét tuyển dựa vào học bạ sẽ không công bằng khi mỗi trường đánh giá khác nhau. Nhiều trường xét học bạ học sinh trong top 200, 300 trường phổ thông có điểm thi tốt nghiệp cao nhất, điều này cũng không công bằng, bởi có những thí sinh giỏi nhưng lại không học ở các trường nói trên”, ông Tùng nêu quan điểm.

Trong khi đó, ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM nêu quan điểm: Kết quả học bạ ngày càng “ảo” vì có những thí sinh có điểm học bạ 8 nhưng điểm thi tốt nghiệp chỉ 4-5. Ông Sơn cũng cho biết, ngoài Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM thì hiện đề án tuyển sinh 2023 của nhiều trường đại học cũng cho thấy, chỉ tiêu xét học bạ năm nay giảm khoảng 30% so với năm trước.

Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Luật Giáo dục Đại học năm 2018 cho phép các trường tuyển sinh bằng hình thức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp cả hai. Quy chế tuyển sinh đại học do Bộ ban hành cũng chỉ quy định nguyên tắc để đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các trường, còn trường đại học được tự chủ và chịu trách nhiệm về phương thức tuyển sinh. Vai trò của Bộ là chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế này. Dù điểm học bạ có được sử dụng để xét tuyển đại học hay không, các trường phổ thông phải có trách nhiệm, biện pháp đảm bảo tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả của người học.

Trong khoảng 3 năm gần đây, xét học bạ trở thành phương thức xét tuyển đại học phổ biến, bên cạnh sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT. Theo thống kê, năm 2022, các trường dành khoảng 240.000 chỉ tiêu cho phương thức xét học bạ và xét tuyển kết hợp học bạ với các tiêu chí khác, chiếm 40% tổng chỉ tiêu. Tỷ lệ nhập học của phương thức xét học bạ là 36,2%, cao thứ hai trong 18 phương thức, chỉ sau xét kết quả thi tốt nghiệp THPT (52,3%). 

 PHƯƠNG LINH

Ý kiến bạn đọc