Cẩn trọng với hàm lượng, chất lượng rượu ngâm “thuốc”

VHO- Nam bệnh nhân N.T.T (Lào Cai) được chuyển đến Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng cơ thể tím tái, mũi xuất huyết và ho ra máu. Qua khám lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc rượu.

Cẩn trọng với hàm lượng, chất lượng rượu ngâm “thuốc” - Anh 1

 Cẩn trọng khi uống rượu ngâm động vật, thực vật, nhiều loại gây ngộ độc

Người nhà anh N.T.T cho biết, từ trước Tết, anh này uống nhiều loại rượu ngâm khác nhau. Sau đó, bệnh nhân thường xuyên ho ra máu, tím tái chân tay; gia đình đưa bệnh nhân đi khám gần nhà, được kết luận bị viêm mũi dị ứng nên mua thuốc chống dị ứng và bổ não cho bệnh nhân uống. Tuy nhiên, tình hình vẫn không thuyên giảm nên anh T được đưa vào nhập viện.

Ngộ độc từ rượu ngâm cây “thuốc” chiếm 36%

Tại Trung tâm Chống độc, các bác sĩ đã chỉ định làm xét nghiệm chuyên sâu và kết quả cho thấy bệnh nhân bị nhiễm độc nặng, đặc biệt là từ loại rượu thuốc, rễ cây hay dùng để xoa bóp, dễ gây ra suy tim, tổn thương não, thậm chí dẫn đến tử vong. Ngoài ra, bệnh nhân có thể ngộ độc rượu ngâm các loại lá gây chảy máu, suy thận. TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, hiện nay người dân đang lạm dụng các loại dược liệu, động vật để ngâm rượu, Trung tâm đã cấp cứu nhiều trường hợp ngộ độc sau khi uống rượu thuốc. “Mọi người cứ nghĩ ngâm các dược liệu hay động vật là thành rượu thuốc, nhưng thực tế, nếu là thuốc chữa bệnh phải có đơn của thầy thuốc. Việc chúng ta dễ dãi sử dụng dược liệu mà không tính toán liều lượng cụ thể, không biết rõ các thành phần có thể gây ra tác dụng có hại, người uống có thể gặp những tổn thương, nhiễm độc, ngộ độc nặng nề… Có nhiều người còn ngâm những loại có độc tính cao, thậm chí có cả lá ngón… gây ra tình trạng loạn nhịp tim, liệt, tím tái, có thể tử vong”, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thông tin.

Các chuyên gia cho biết, rượu ngâm thuốc gồm 2 loại: Ngâm dược liệu và ngâm động vật. Các loại động vật phổ biến là rắn, tắc kè, bìm bịp, hải mã, lộc nhung… Các loại thảo mộc thường được dùng là các loại sâm, nấm linh chi, đinh lăng, cúc hoa, hà thủ ô, chuối chát… Theo thống kê của Bộ Y tế, nguyên nhân các vụ ngộ độc từ rượu trắng không rõ nguồn gốc, xuất xứ chiếm khoảng 42%; rượu ngâm cây “thuốc” chiếm khoảng 36%; rượu ngâm động vật và phủ tạng khoảng 10%. Đây là lời cảnh báo cho những người có sở thích uống rượu ngâm không rõ nguồn gốc. “Việc ngâm hàm lượng bao nhiêu, sử dụng như thế nào cũng cần có sự tư vấn của bác sĩ. Nếu chúng ta sử dụng một cách vô tư, thoải mái như hiện nay thì rất dễ gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của chính mình và người thân”, bác sĩ Nguyên khuyến cáo.

Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Y học ứng dụng Việt Nam, trong y học cổ truyền, nhiều loại rễ, củ cây rừng có tác dụng chữa bệnh rất tốt khi được sử dụng bởi người có kiến thức chuyên môn và đúng liều lượng, đúng cách. Tuy nhiên, nếu không biết thật rõ tác dụng của từng loại rễ cây, củ cây rừng hoặc động vật, người dân tuyệt đối không được dùng để ngâm rượu uống hoặc chế biến làm thực phẩm. Vì nếu sử dụng sai cách, có thể gây độc đối với thần kinh, tim mạch, hô hấp, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.

Trên thực tế, nhiều gia đình ngâm rượu bìm bịp còn nguyên con, nguyên lông, điều này rất nguy hiểm. Với các loại động vật ăn thịt sống như rắn, chuột, ếch, nhái thì trong lông và bụng chúng đều chứa rất nhiều ký sinh trùng. “Khi ngâm rượu, các nguyên liệu cần được chế biến kỹ, hợp vệ sinh, loại bỏ nội tạng, lông; với các con vật như bìm bịp, tắc kè, cần nướng chín trước khi ngâm rượu. Làm sạch không chỉ giúp an toàn vệ sinh mà còn giúp rượu ngâm có mùi thơm dễ chịu, không bị tanh, rút ngắn thời gian ngâm để dược liệu có thể sử dụng nhanh hơn”, bác sĩ Sơn khuyến cáo.

Tuyệt đối không sử dụng rượu chứa methanol

Ghi nhận tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), trong dịp Tết vừa qua, có khoảng gần 30 trường hợp ngộ độc các loại, trong đó có nhiều ca ngộ độc rượu cấp tính, hàm lượng cồn trong máu cao gấp nhiều lần cho phép.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ, chỉ vài ngày sau Tết Nguyên đán, Trung tâm đã tiếp nhận và điều trị cho gần chục ca ngộ độc cồn công nghiệp methanol. Các ca bệnh đều tiên lượng rất nặng, hôn mê, tổn thương não, nồng độ cồn methanol (cồn sử dụng trong công nghiệp) rất cao và đã có trường hợp tử vong. Đặc biệt đáng báo động là vụ ngộ độc rượu tại Thái Bình: 7 người cùng “chén chú chén anh” và kết quả xét nghiệm phần rượu còn lại cho thấy có tới 58% là methanol, chỉ có 1% là ethanol (rượu thông thường). Như vậy, đây là một loại rượu “rởm” được tạo ra từ cồn công nghiệp đã pha loãng một phần.

Nặng nhất là bệnh nhân N.V.M, trường hợp nhập viện đầu tiên bị hôn mê, tụt huyết áp, co giật, nhiễm toan chuyển hóa rất nặng, nồng độ methanol trong máu lên tới 134 mg/dL. Hiện bệnh nhân vẫn chưa tỉnh, phải lọc máu cấp cứu, dùng thuốc giải độc, tiên lượng rất nặng. Sau đó, 4 người còn lại dù không có biểu hiện gì nhưng vẫn đến bệnh viện kiểm tra, trong đó 2 người có nồng độ cồn methanol trong máu cao, bắt đầu gây rối loạn trong máu, 2 người cùng đi có nồng độ cồn thấp ở mức không ảnh hưởng sức khỏe. Còn 2 người khác không đi kiểm tra nên Trung tâm không có thông tin.

Lý giải cho hiện tượng có nồng độ cồn công nghiệp methanol trong máu cao mà chưa có biểu hiện ngộ độc, TS Nguyên cho biết: Methanol khi vào cơ thể cần được cơ thể chuyển hóa thành axít formic, đây là chất gây tổn thương não, mù mắt và một loạt hậu quả khác. Quy trình chuyển hóa gây độc của methanol chậm, sẽ càng đặc biệt chậm khi trong máu có cả thành phần rượu thông thường là ethanol (ethanol cạnh tranh chuyển hóa với cồn công nghiệp methanol). Thực tế này hay gặp ở Việt Nam khi uống rượu “rởm” chứa cồn công nghiệp pha trộn với rượu thông thường. Tuy nhiên, cồn công nghiệp đào thải rất chậm nên chất độc tồn tại trong cơ thể tới hàng tuần sau, nguy cơ gây tổn thương mắt và não nếu không được điều trị kịp thời. 

 QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc